| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong lấy mật, nuôi cả vườn cây ăn quả

Thứ Ba 09/07/2024 , 09:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Việc nuôi ong trong vườn cây ăn quả không chỉ giúp tăng thêm thu nhập từ ong mà còn giúp vườn cây ăn quả tăng cả về năng suất lẫn chất lượng.

Thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) là địa phương có nhiều lợi thế về rừng, vườn rừng và vùng trồng cây ăn quả. Tận dụng thế mạnh ấy, những năm qua, nhiều hộ dân tổ dân phố Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn quả. Mô hình này đem lại thu nhập cao cho người dân, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Người dân ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) đã tận dụng lợi thế đồi núi và vườn cây ăn quả để kết hợp nuôi ong mật, tăng đáng kể thu nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người dân ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) đã tận dụng lợi thế đồi núi và vườn cây ăn quả để kết hợp nuôi ong mật, tăng đáng kể thu nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mật ngọt, trái ngon

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thuận ở tổ dân phố Khe Thờ có hơn 2ha cây ăn quả các loại, gồm cam, bưởi, hồng...  Năm 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông Thuận đã đầu tư nuôi 10 đàn ong lấy mật. Với lợi thế đồi núi và vườn cây ăn quả quanh năm có nhiều hoa, đến nay gia đình ông Thuận đã phát triển lên 40 đàn ong.

Ông Thuận cho biết: Ong được nuôi trong vườn cây ăn quả nên mật có màu vàng tươi, mùi thơm và vị ngọt thanh, rất có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm mật ong khai thác đến đâu tiêu thụ đến đó với giá bán từ 250 - 300 ngàn đồng/1lít. Mỗi năm gia đình ông Thuận thu về cả trăm triệu đồng từ nuôi ong.

Cũng nhờ đàn ong, việc thụ phấn cho vườn cây ăn quả cũng trở nên thuận lợi và có hiệu quả hơn. Việc nuôi ong kết hợp trong vườn cây ăn quả không chỉ cho gia đình ông nguồn thu nhập từ mật ong mà còn giúp vườn cây ăn quả của gia đình tăng cả về năng suất lẫn chất lượng.

Để đàn ong phát triển tốt, vườn cây ăn quả phải tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV độc hại, nhờ đó môi trường luôn rất trong lành. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để đàn ong phát triển tốt, vườn cây ăn quả phải tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV độc hại, nhờ đó môi trường luôn rất trong lành. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cũng như gia đình ông Thuận, hàng chục năm nay, gia đình chị Trần Thị Mỹ ở tổ phân phố Khe Thờ đã tận dụng vườn cây ăn quả và đồi rừng để nuôi ong lấy mật. Ban đầu, chị Mỹ chỉ nuôi vài đàn ong phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên đã mở rộng quy mô. Hiện tại, gia đình chị đã có hơn 20 đàn ong mật, mỗi năm thu hơn 100 lít mật ong, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Dưới tán vườn cây ăn quả rộng hơn 3ha, chị Mỹ chủ động đặt những thùng ong mật. Nhờ vậy, cây trồng có khả năng thụ phấn cao hơn. Qua theo dõi, vườn cam và bưởi của gia đình chị có tỷ lệ đậu quả cao hơn rõ rệt so với những vườn khác.

Theo chị Mỹ, quá trình chăm sóc đàn ong đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn, từng mùa. Theo đó, chất lượng mật phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời mưa nhiều, mật sẽ lỏng; nắng quá gắt mật lại sánh và khó vắt. Bởi vậy, để sản phẩm mật ong có màu vàng nhạt, sóng sánh, vị ngọt thanh và có hương thơm của phấn hoa tự nhiên, người nuôi ong phải nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, từ đó lựa chọn các loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao để ong hút mật.

Nuôi ong trong vườn cây ăn quả là sự kết hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi ong trong vườn cây ăn quả là sự kết hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo kinh nghiệm của các hộ dân, nghề nuôi ong không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính của loài ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn quá đông. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất, chất lượng mật cao.

Ngoài ra, việc nuôi dưới tán vườn cây ăn quả, cây rừng tự nhiên giúp đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, tăng sản lượng mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mật luôn có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng.

Mô hình nông nghiệp tương hỗ, sinh thái

Là một trong những hộ phát triển thành công mô hình nuôi ong lấy mật kết hợp với vườn cây ăn quả, gia đình anh Nguyễn Hùng Thái ở tổ dân phố Khe Thờ hiện có đàn ong khá lớn. Từ chỗ chỉ nuôi thử nghiệm 10 đàn ong dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhất là được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật, anh Thái đã mạnh dạn phát triển đàn ong lên 50 đàn.

Nuôi ong ở đồi rừng, vườn cây ăn quả giúp đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất mật cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi ong ở đồi rừng, vườn cây ăn quả giúp đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất mật cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để củng cố kiến thức, anh Thái còn dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu, đến các địa phương có nhiều mô hình nuôi ong thành công để học hỏi kinh nghiệm. Việc quản lý, giám sát quá trình sinh trưởng, kỹ thuật tách đàn ong được anh đặc biệt chú ý. Đến nay, đàn ong của gia đình anh Thái sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguồn thức ăn chủ yếu của đàn ong là từ phấn hoa bưởi, cam... nên đến kỳ thu hoạch mật, sản phẩm mật ong đạt chất lượng rất cao. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Thái thu từ 200 đến 300 lít mật. Mật ong từ phấn hoa được anh bán với giá 300.000 đồng/lít.

Anh Thái cho biết, việc nuôi ong trong vườn cây ăn quả sẽ có chức năng tương hỗ, vừa giúp cây đậu quả cao, vừa đảm bảo chất lượng mật. Tuy nhiên, để ong phát triển tốt, việc canh tác vườn cây ăn quả tuyệt đối không được phun thuốc BVTV độc hại. Cũng vì vậy, đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất. Đây là hình thức sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, cả sản phẩm mật ong và trái cây đều đảm bảo an toàn, chất lượng cao nên mức giá bán cao hơn.

Lợi thế nguồn hoa dồi dào, phong phú từ những cánh rừng keo, tràm và đặc biệt là các vườn cây ăn quả như cam, bưởi, hồng... đã tạo cơ hội rất thuận lợi để đàn ong ở vùng Khe Thờ, Đồng Lộc phát triển và cho mật thơm ngon. Mật ong ở đây màu vàng óng, dẻo quánh, không ngọt gắt và không bị ngả màu hay đóng đường nên được khách hàng tin tưởng sử dụng. Từ chỗ nuôi với quy mô nhỏ, nguồn thu nhập đáng kể từ mật ong đã trở thành động lực giúp người dân địa phương mạnh dạn chuyển hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao.

Nuôi ong dưới vườn cây ăn quả cho mật có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi ong dưới vườn cây ăn quả cho mật có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Phan Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: Thị trấn Đồng Lộc hiện có 200 hộ có vườn đồi, chủ yếu là cam và bưởi với diện tích hơn 100ha. Đây được xem là tiềm năng, thế mạnh để kết hợp phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, những năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đồng thời định hướng các hộ dân tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn quả không những nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà còn tạo ra vùng sinh thái vườn đồi trong lành. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ từ việc lựa chọn địa điểm đặt thùng nuôi, giá đỡ và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách khai thác, bảo quản mật ong và tạo chúa, nhân đàn.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.