Nỗ lực không mệt mỏi
Với lợi thế trên địa bàn có gần 127.000 ha rừng trồng đã thành gỗ, ngoài ra còn có còn 40.000 ha rừng trồng mới chưa thành rừng, chủ yếu là cây keo, Bình Định hướng đến năm 2035 sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Để khởi động, Bình Định đã lấy các công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh làm mẫu hình đi đầu, trong đó có Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đóng trên địa bàn huyện Vân Canh.
Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, tổng diện tích quy hoạch trồng rừng gỗ lớn của công ty theo Dự án đầu tư trồng rừng gỗ lớn đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt là 2.564 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng chuyển hóa thành rừng gỗ lớn là 600,5 ha, diện tích rừng trồng lại sau khai thác và nuôi thành rừng gỗ lớn là 1,963,5 ha.
Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.659 ha; trong đó, diện tích rừng trồng mới là hơn 298 ha, diện tích rừng trồng lại sau khai thác là hơn 732 ha và hơn 628 ha rừng trồng chuyển hóa. Rừng trồng gỗ lớn Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh thực hiện chủ yếu là cây keo lai, được trồng với mật độ từ 1.600 cây-2.000 cây/ha.
“Trong thời gian qua, chúng tôi không thực hiện chuyển hóa bằng hình thức tỉa thưa sau đó nuôi thành rừng gỗ lớn vì điều kiện thực địa không cho phép, tốn chi phí cao mà không mang lại hiệu quả. Chúng tôi chỉ thực hiện việc trồng rừng gỗ lớn trên những diện tích trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác.
Đồng thời quy hoạch 1 số diện tích rừng trồng để nuôi thành rừng gỗ lớn; triển khai phát dọn thực bì, chăm sóc những diện tích rừng trồng được chọn để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang thành rừng gỗ lớn trong các năm không còn trong độ tuổi chăm sóc. Năng suất rừng trồng gỗ lớn tăng trưởng bình quân trên 25m3/ha/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.407 ha; trong đó, rừng trồng lại sau khai thác là hơn 552 ha, rừng gỗ lớn được nuôi theo hình thức chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là gần 855 ha”, ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho hay.
Khó khăn bủa vây
Trong quá trình trồng rừng gỗ lớn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã thấm đẫm những khó khăn bủa vây. Cũng theo ông Nghị, nỗi khó đầu tiên của đơn vị trong trồng rừng gỗ lớn là 1 số diện tích đất nằm manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung; thêm vào đó là lập địa xấu gây khó cho việc sản xuất và bảo vệ rừng. Một số diện tích khác thì nằm ở vùng sâu, vùng xa, cần phải được đầu tư lớn mới trồng được rừng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh rừng trồng đạt thấp. Hiện nay quỹ đất trồng của công ty không còn, nên không thể mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn trong những năm tới đây.
Một khó khăn khác là để đầu tư trồng rừng gỗ lớn người trồng rừng phải cần có vốn lớn, bởi chu kỳ kinh doanh cây gỗ lớn dài hơn gấp đôi so với rừng gỗ nhỏ, trong khi lãi suất vay của các ngân hàng thương mại quá cao, hạn mức may thấp.
Hiện nay giá gỗ rừng trồng không ổn định, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ, chính sách quản lý thu mua còn hạn chế. Thêm vào đó, rừng trồng gỗ lớn hầu hết đều nằm ở những vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa, trong khi hạ tầng lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, rừng trồng dễ bị tác động bởi yếu tố thời tiết.
“Đặc biệt là cơ cấu giống cây lâm nghiệp phục vụ cho trồng rừng nói chung hiện nay còn khá đơn điệu, chủ yếu chỉ 1 số dòng keo lai như: BV10, BV16, BV32, BV35… Rừng trồng hiện nay hầu hết là giống keo lai, loài cây sinh trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì cây keo lai trồng thuần loài, nhiều chu kỳ trên 1 lập địa nên dễ sinh bệnh hại. Những năm gần đây nhiều cánh rừng trồng đã bị bệnh hại tấn công, chết hàng loạt.
Hiện tại, ngành lâm nghiệp chưa tìm ra loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp hơn để thay thế keo lai để phục vụ trồng rừng gỗ lớn. Rủi ro đặc biệt trong trồng rừng gỗ lớn là do chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn rất dài, từ 10-12 năm, nên rừng dễ bị gió bão gây ngã đổ hoặc cháy rừng và bị sâu bệnh hại tấn công, trong khi rừng trồng chưa có chính sách bảo hiểm”, ông Phạm Bá Nghị chia sẻ.
Giải pháp để rừng gỗ lớn phát triển bền vững
Trong phát triển rừng gỗ lớn, Bình Định phấn đấu tăng năng suất rừng trồng đạt bình quân từ 25-30m3/ha/năm đối với cây gỗ lớn; nâng cao chất lượng, tăng năng suất rừng trồng để đạt trữ lượng gỗ lớn từ 190-240m3/ha đối với rừng trồng 12 năm và 100-120m3/ha đối với rừng trồng 7 năm; sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50-60%. Để đạt được mục tiêu trên, trước tiên cần phải có cây giống tốt.
Theo ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, xác định giống là yếu tố tiên quyết làm nên chất lượng rừng trồng, công ty đã hợp tác liên doanh, liên kết với Viện nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học để sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Qua đó, Viện và công ty đã có nhiều phối hợp trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống, Viện nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học đã thực hiện nhiều nghiên cứu hiện trường trên địa bàn của công ty. Công ty đã sử dụng các giống do Viện chọn tạo, từ đó đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đã đạt được nhiều thành quả.
“Chúng tôi áp dụng quy trình quản lý rừng theo định hướng kết hợp cơ sở khoa học với thực tiễn, bảo đảm quản lý rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đạt các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững để tiến tới toàn bộ diện tích rừng trồng của công ty đủ tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ rừng FSC”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cũng chú trọng trồng rừng gỗ lớn bằng giống nuôi cấy mô. Nghiên cứu, lựa chọn những giống cây lâm nghiệp mới có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, đặc biệt là chống chịu được sâu bệnh và phù hợp với điều kiện lập địa.
“Chúng tôi cần chính sách hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng phát triển trồng rừng gỗ lớn tập trung. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp để thuận tiện vận chuyển trong những việc trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất rừng gỗ lớn. Đặc biệt là xây rựng đường ranh cản lửa để tránh nạn cháy rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế cho đầu ra sản phẩm. Trong bối cảnh thờ kỳ kinh doanh rừng kéo dài, chúng tôi đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm rừng trồng gỗ lớn để doanh nghiệp và người trồng rừng an tâm sản xuất”, ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, đề nghị.