| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm thời bĩ cực: [Bài 3] Nhiều 'đại gia' đồng loạt bỏ nghề

Thứ Sáu 09/08/2024 , 09:36 (GMT+7)

Sở hữu diện tích ao nuôi lớn, những năm qua nhiều ‘đại gia tôm’ ở Bình Định bị thất bại liên tiếp do dịch bệnh và giá tôm xuống thấp, nên đồng loạt bỏ nghề…

Nhiều 'tỷ phú tôm' ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) ngậm ngùi nhìn những ao tôm đã từng mang đến cho mình tiền tỷ, giờ mang đến nợ nần. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều "tỷ phú tôm" ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) ngậm ngùi nhìn những ao tôm đã từng mang đến cho mình tiền tỷ, giờ mang đến nợ nần. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi tôm kỳ cựu cũng phải bỏ nghề

Anh Võ Thanh Hùng ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), trước đây sở hữu 7ha ao nuôi tôm ở thôn Kim Giao Nam, Kim Thiện (xã Hoài Hải) và 1 ít diện tích ở xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn). Từng là 1 trong những "đại gia tôm" ở thị xã Hoài Nhơn, thế nhưng mấy năm nay, anh Hùng cũng "lên bờ xuống ruộng" vì nuôi tôm.

Theo anh Hùng, những năm gần đây giá tôm giống lẫn giá thức ăn nuôi tôm đều tăng cao, hiện bình quân giá thức ăn đứng ở mức 40.000-43.500đ/kg; còn giá tôm giống thì tùy loại. Với 2 ao nuôi có tổng diện tích 3.500m2, mỗi vụ nuôi, anh Hùng thả khoảng 30 vạn tôm (300.000 con), chi phí rất lớn. Thế nhưng, suốt 5 năm liền, anh đều bị thua lỗ.

“Với 7ha ao nuôi, suốt 5 năm liền tôi lỗ 'chỏng gọng'. Năm nào cũng bị lỗ từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Những năm gần đây, dẫu nuôi thành công cũng bị lỗ, vì chi phí đầu vào tăng cao mà đầu ra thấp. Nhắm thấy hết ăn, 2 năm nay tôi bỏ ao không dám nuôi vì không kham nổi thua lỗ liên hoàn”, anh Võ Thanh Hùng chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Có, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), hiện trên địa bàn xã này có 30ha diện tích nuôi tôm, trong đó có 15ha nuôi tôm công nghệ cao. Những năm gần đây do nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, nên người nuôi tôm ở Hoài Hải liên tục "nếm trái đắng" vì thua lỗ.

Sau nhiều năm thất bại liên hoàn, ông Huỳnh Có ở xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), đành bỏ nghề. Ảnh:  V.Đ.T.

Sau nhiều năm thất bại liên hoàn, ông Huỳnh Có ở xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), đành bỏ nghề. Ảnh:  V.Đ.T.

“2 năm nay tôi cho thuê ao, người thuê ao cũng không dám nuôi theo hướng đầu tư thâm canh, mà nuôi quảng canh với phương thức thả giống mật độ thấp để nếu có thất bại thì cũng thua lỗ ít”, ông Huỳnh Có chia sẻ.

Dịch bệnh vẫn rình rập

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, không theo quy luật, dẫn đến khả năng xảy ra dịch bệnh trên thủy sản rất cao.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, từ đầu năm đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) đã xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn thuộc nhóm Vibrio ssp và hiện tượng tôm bị sốc, suy giảm sức đề kháng do thời tiết thất thường.

Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại, Sở NN-PTNT Bình Định đã đề nghị chính quyền các địa phương có nuôi trồng thủy sản cần hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, ngành chức năng Bình Định khuyến cáo người nuôi cần nâng cao ý thức cộng đồng, không xả nước ao tôm bị bệnh ra môi trường khi chưa qua xử lý để diệt mầm bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, ngành chức năng Bình Định khuyến cáo người nuôi cần nâng cao ý thức cộng đồng, không xả nước ao tôm bị bệnh ra môi trường khi chưa qua xử lý để diệt mầm bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, đối với nuôi tôm vụ 2, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, khuyến cáo hộ nuôi trước khi thả giống cần xử lý ao nuôi ban đầu, tiêu diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh lây truyền như cua, còng, tôm, tép, cá tạp… bằng các loại hóa chất đã được phép lưu hành.

Nguồn nước nuôi phải qua hệ thống ao lắng, ao lọc; diệt vi rút, vi khuẩn, vi bào tử, diệt nguyên sinh động vật bằng các loại hóa chất như Formaline, vôi CaO hoặc Chlorine rồi mới lấy nước vào ao nuôi. Trước khi thả giống, người nuôi cần đưa tôm giống xét nghiệm các bệnh: Hoại tử gan, vi rút đốm trắng, vi bào tử trùng và kiểm dịch loại bỏ các bệnh do ký sinh trùng, bệnh nấm, bệnh phát sáng, bệnh đỏ thân…

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.