| Hotline: 0983.970.780

Oái oăm có điện mất nước, có nước lại mất điện

Thứ Ba 13/06/2023 , 08:11 (GMT+7)

NGHỆ AN Nắng hạn kéo dài đang khiến sản xuất vụ hè thu ở Nghệ An hết sức chật vật. Đã vậy còn gặp cảnh oái oăm có nước thì mất điện, có điện lại mất nước.

Vùng Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng đang vào vụ sản xuất hè thu. Vụ hè thu năm nay ở Nghệ An sẽ đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, không những thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn thiếu cả nước cho nhu cầu dân sinh.

Hồ đập, sông suối khô cạn

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thuỷ văn vùng Bắc Trung bộ, mùa hè năm nay, nắng nóng đến sớm và có thể kéo dài, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1 độ C, trời ít mưa.

Đặc biệt riêng vùng Nghệ Tĩnh, thời gian qua và hiện nay nắng nóng cùng với hoạt động của gió Tây Nam (gió Lào) đã gây tình trạng khô nóng, nhiệt độ không khí có nhiều ngày lên đến trên 40 độ C ở các huyện như Tương Dương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu…

Hồ thuỷ điện Bản Vẽ chỉ cao hơn 2m so với mức nước chết. Ảnh: Doãn Hòa.

Hồ thuỷ điện Bản Vẽ chỉ cao hơn 2m so với mức nước chết. Ảnh: Doãn Hòa.

Thời gian tới, khu vực Nghệ Tĩnh nắng nóng còn có thể xảy ra gay gắt hơn, rất ít có mưa, hạn mặn càng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, lượng nước hiện có trong số 1.061 hồ đập lớn nhỏ ở Nghệ An giảm sút mạnh so với cùng kỳ 2022, thậm chí có nhiều hồ đã trơ đáy.

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, đến thời điểm này, trong số 102 hồ đập do các doanh nghiệp thuỷ lợi quản lý trên địa bàn tỉnh, chỉ có 5 hồ tương đối đầy nước (cùng kỳ năm 2022 có 26 hồ); 31 hồ có dung lượng nước đạt khoảng 50% trở lên so với dung tích thiết kế (cùng kỳ 2022 có 49 hồ); 66 hồ còn lại lượng nước trong hồ không nhiều, có những hồ nước khô cạn trơ đáy.

Trong số 959 hồ đập do các địa phương quản lý ở Nghệ An, hiện chỉ có 26 hồ tương đối đầy nước, 933 hồ còn lại lượng nước chỉ ở mức từ 40% trở xuống so với dung tích thiết kế, nhiều hồ không còn có nước. 

Đối với các hồ thủy điện, Nghệ An hiện có 21 hồ. Trong đó hồ thuỷ điện Bản Vẽ ở thượng nguồn sông Lam là hồ lớn nhất, có dung tích thiết kế 1,8 tỉ m3 nước (dung tích hữu ích từ cao trình 155m - 200m là 1,3 tỉ m3 nước) nhưng hiện nay (tại thời điểm ngày 9/6), mực nước trong hồ này chỉ còn ở mức 156,49m, thấp hơn 21m so với cùng kỳ 2022, chỉ cao hơn 2,0m so với mức nước chết (155m) và dung tích hữu ích chỉ còn lại chưa đầy 90 triệu m3 nước.

Lượng nước đo được đang đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ hiện tại chỉ đạt trung bình khoảng 35m3/giây (so với cùng thời điểm năm 2022 là 105m3/giây).

Nhiều diện tích lúa hè thu mới gieo cấy ở Nghệ An đã bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu nước. Ảnh: Văn Trường.

Nhiều diện tích lúa hè thu mới gieo cấy ở Nghệ An đã bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu nước. Ảnh: Văn Trường.

Ngoài hồ thủy điện Bản Vẽ, các hồ thủy điện còn lại vừa nhỏ, lượng nước trong hồ còn lại không nhiều và chỉ duy trì hoạt động ở dạng “cầm chừng” chờ mưa để có nước bổ sung. Do nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiều ngày không có mưa nên không những nước trong các hồ đập khô cạn mà nước ở nhiều sông, suối… cũng trơ đáy. Vì vậy, những con sông lớn có cửa sông ra biển ở Nghệ An như sông Lam, sông Cấm, sông Bùng, sông Hoàng Mai... nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền theo nước thủy triều dâng làm cho nhiều trạm bơm hai bên những con sông này phải ngừng hoạt động.

Có nước thì mất điện, có điện lại mất nước

Vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay, Nghệ An có kế hoạch phấn đấu gieo cấy 81.500ha lúa, trong đó có 58.000ha lúa hè thu và 23.500ha lúa mùa. Tuy nhiên với tình hình diễn biến nắng hạn đã, đang và dự báo sẽ diễn ra, sẽ rất khó khăn để Nghệ An có được một vụ sản xuất như kế hoạch đề ra.

Sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An chủ yếu dựa vào nguồn nước tưới từ hệ thống thủy nông Bắc đưa nguồn nước tự chảy từ bara Đô Lương trên dòng sông Lam, nước chảy qua cống Mụ Bà chảy về vùng lúa của các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.

Các trạm bơm ven sông Lam phải 'cơi nới' dài thêm miệng hút mới lấy được nước do mực nước sông xuống quá thấp. Ảnh: Hoài Thu.

Các trạm bơm ven sông Lam phải "cơi nới" dài thêm miệng hút mới lấy được nước do mực nước sông xuống quá thấp. Ảnh: Hoài Thu.

Cũng từ bara Đô Lương, nước được xả vào lòng sông Lam để cung cấp cho cống Nam Đàn, đưa nước vào kênh Hoàng Cầm để bơm tưới cho cây lúa ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Ngoài ra, nguồn nước sông Lam còn cung cấp cho 37 trạm bơm điện hai bên bờ sông này, ngày đêm hoạt động tưới cho hàng ngàn ha lúa của huyện Đô Lương, Thanh Chương… Tất cả nguồn nước nói trên đều lệ thuộc vào nguồn nước từ hồ thủy điện Bản Vẽ xả ra.

Nguồn nước thứ hai là nguồn nước tích trữ được ở 1.061 hồ đập lớn nhỏ trên phạm vi toàn tỉnh. Nhưng hiện nay, cả hai nguồn nước nói trên đều cạn kiệt. Vì vậy, sản xuất vụ lúa hè thu năm nay chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Đinh Hữu Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Văn (huyện Thanh Chương) cho biết, vụ sản xuất hè thu năm nay, HTX có kế hoạch gieo cấy khoảng 200ha lúa, nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào các trạm bơm lấy nước từ sông Lam lên. Nhưng nay nước sông Lam vừa cạn, vừa lên xuống thất thường và đặc biệt khi có nước thì mất điện, khi có điện thì không có nước.

"Nếu có đủ điện và nước thì thời điểm này bà con đã có thể gieo cấy cơ bản xong lúa hè thu. Nhưng vì nắng nóng, khô hạn, lại thiếu cả nước và điện để bơm nên đến bây giờ đất vẫn chưa cày bừa được, không biết đến bao giờ mới gieo cấy được lúa hè thu", ông Thắng lo lắng.

Những thửa ruộng có nước được làm đất gieo cấy ngay bên cạnh những thửa ruộng còn khô rang. Ảnh: Văn Trường.

Những thửa ruộng có nước được làm đất gieo cấy ngay bên cạnh những thửa ruộng còn khô rang. Ảnh: Văn Trường.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đánh giá: Nắng nóng kéo dài, hạn hán xẩy ra nghiêm trọng như dự báo của ngành khí tượng - thủy văn trên địa bàn huyện khả năng cao sẽ xẩy ra trong thời gian tới. Vì vậy, vụ lúa hè thu năm nay, UBND huyện Thanh Chương chỉ bố trí gieo cấy khoảng 5.000ha lúa. Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được gần 3.000ha, số diện tích còn lại đang gặp khó khăn, chủ yếu do thiếu nước.

Yên Thành là huyện có diện tích gieo cấy lúa hè thu lên đến 12.800ha, nhiều nhất tỉnh. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Vụ lúa hè thu năm nay, toàn huyện chỉ gieo cấy 11.000/12.800ha đất 2 vụ lúa. Trong đó có khoảng 8.000ha được tưới từ nguồn nước tự chảy thuộc hệ thống thủy nông Bắc đưa nước từ bara Đô Lương về, diện tích còn lại khoảng 4.800ha tưới nước lấy từ các hồ đập trong huyện. Nhưng hiện tại, nguồn nước ở hầu hết các hồ đập trong huyện đã khô cạn, không có đủ nước tưới. Vì vậy, trong số diện tích 4.800ha nói trên chỉ gieo cấy được khoảng 3.000ha, còn lại khoảng 1.800ha phải chuyển đổi qua cây trồng khác.

Sản xuất vụ hè thu ở Nghệ An đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Ảnh: Văn Trường.

Sản xuất vụ hè thu ở Nghệ An đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Ảnh: Văn Trường.

"Hiện nay, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 7.000/11.000ha, đạt hơn 63% kế hoạch. Thật khó đoán định thời gian tới mức độ nắng hạn sẽ diễn biến đến mức độ nào. Nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì chắc chắn vụ sản xuất lúa hè thu năm nay sẽ gặp khó khăn rất lớn", ông Lê Văn Hồng nói.

Tránh nơi cần chưa có, nơi có chưa cần

Nếu tình trạng nắng hán tiếp tục diễn biến cực đoan trong thời gian tới, khả năng vụ hè thu năm nay ở Nghệ An có thể có ít nhất từ 10.000 - 15.000ha lúa sẽ không có nước tưới, hậu quả thật sự khó lường, khó đoán định mức độ thiệt hại. Hiện tại, toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 30.000ha/58.000ha theo kế hoạch, số diện tích còn lại đang gặp khó khăn về nguồn nước tưới.

Vì vậy, phải bằng mọi biện pháp phòng chống hạn để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do nắng nóng, hạn hán gây ra. Có rất nhiều biện pháp phòng chống hạn có thể áp dụng, trong đó nên chú trọng thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

Hồ chứa xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương cạn kiệt nước. Ảnh: Văn Trường.

Hồ chứa xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương cạn kiệt nước. Ảnh: Văn Trường.

Thứ nhất: Cần tuyên truyền rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về tình hình và mức độ nắng nóng, hạn hán đã, đang và sẽ xẩy ra trên phạm vi cả nước. Đặc biệt vùng Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng còn có thêm gió Tây Nam thổi mạnh (gió Lào) lại càng khô nóng hơn, hạn hán càng nghiêm trọng hơn. Tuyên truyền cho mọi người dân biết để có ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng chống hạn hán xẩy ra hiện nay.

Thứ hai: Các công ty thủy nông cùng phối hợp với các tổ, đội chuyên trách thuỷ nông ở các xã, HTX nông nghiệp cần có lịch điều hành phân phối nước cho từng địa phương thật sự công bằng, hợp lý, không để xẩy ra tình trạng tranh dành nhau, nơi cần chưa có, nơi có chưa cần, gây lãng phí nước.

Thứ ba: Các công ty thuỷ nông và các tổ, đội chuyên trách thuỷ lợi ở cơ sở sản xuất cần tranh thủ nguồn nước hiện đang có ở các sông suối, hồ đập… bơm lên dự trữ trong các ao, hồ, đầm đìa, mương máng… để dự phòng khi cần phải tưới. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân sử dụng nước thật sự tiết kiệm từ việc đắp kín bờ ruộng, đến việc tưới nước theo phương pháp nông - lộ - phơi hoặc chỉ cần tưới nước đủ ẩm là được, miễn là không để ruộng khô nẻ đất làm lúa chết.

Hồ chứa nước làng Sanh, xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn) cạn nước khiến bà con chưa dám gieo mạ để cấy vụ hè thu. Ảnh: Minh Thái.

Hồ chứa nước làng Sanh, xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn) cạn nước khiến bà con chưa dám gieo mạ để cấy vụ hè thu. Ảnh: Minh Thái.

UBND từ tỉnh xuống huyện, thị và xã, phường cần đặt trọng tâm công tác phòng chống hạn, bảo vệ cây trồng hiện nay thành nội dung công tác quan trọng hàng đầu để tập trung chỉ đạo thật quyết liệt bằng mọi biện pháp tốt nhất nhằm phòng chống hạn có hiệu quả.

Ngành điện lực cần ưu tiên cung cấp đầy đủ nguồn điện cho tất cả các trạm bơm điện hoạt động 24/24 giờ để đưa nước vào ruộng và cả nước dự phòng chống hạn. Đặc biệt, cần lưu ý ở những vùng bơm điện lệ thuộc vào nước sông triều dâng, tránh tình trạng khi có điện thì nước sông xuống thấp không bơm được và ngược lại, khi có nước sông dâng cao, có thể bơm được nước thì lại không có điện.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.