Sợi dây kết nối nông dân với doanh nghiệp
Một ngày làm việc của của Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Mỹ Phước (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) khá bận rộn. Hiện địa phương đã vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2022 - 2023 nên anh em tất bật với công việc, vừa lo tổ chức sản xuất cho xã, vừa hỗ trợ hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Anh Đào Kim Tho, Phó Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Mỹ Phước cho biết, kế hoạch sản xuất năm 2023 toàn xã gieo 7.649ha lúa, sản lượng ước thu hoạch gần 50.000 tấn. Trong đó, riêng vụ đông xuân 2022 - 2023 gieo sạ 3.820ha, sản lượng 28.650 tấn. Theo anh Tho, đây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên Tổ Khuyến nông cộng đồng đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, hỗ trợ nông dân sản xuất đạt trên cả ba mặt về diện tích, năng suất và sản lượng, sử dụng giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo tốt, đáp ứng được yêu cầu cao thị trường tiêu thụ.
Theo chân cán bộ Tổ Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân ra thăm ruộng, chúng tôi thấy chương trình phát triển sản xuất của xã rất đa dạng. Kỹ sư trồng trọt Nguyễn Văn Sáng vừa thăm cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 331ha do huyện triển khai xong, lại sang cách đồng ở ấp khác với chương trình canh tác lúa tiên tiến gắn với nhân giống cấp xác nhận do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Tổ đã tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân và phấn đấu tăng diện tích sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ, VietGAP qua từng vụ…
Anh Sáng cho biết, riêng kế hoạch tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ theo hợp đồng của Tập đoàn Lộc Trời vụ đông xuân 2022 - 2023 với diện tích lên tới 1.500ha. Có 5 ấp trong xã tham gia, với diện tích từ 200 – 350ha/cánh đồng. “Ban Nông nghiệp xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất, thông báo lịch gieo sạ và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân; phối hợp cùng lãnh đạo ấp, HTX, tổ hợp tác… tổ chức tuyên truyền, phổ biến phương thức liên kết đến bà con nông dân trong vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp đã đề xuất”, anh Sáng cho biết nhiệm vụ của Tổ Khuyến nông cộng đồng trong tổ chức sản xuất.
Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Mỹ Phước và xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) được thành lập theo Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2023 của Bộ NN-PTNT. Tiến sỹ Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là 1 trong 13 tỉnh trên cả nước được chọn để tham gia thực hiện Đề án thí điểm.
Việc thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng sẽ giúp củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng, đa dạng hoá các hoạt động khuyến nông. Tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả là nền tảng để kết nối giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị nông sản.
100% xã sản xuất nông nghiệp có Tổ Khuyến nông cộng đồng
Thực hiện chỉ sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về việc thành lập các Tổ Khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tổng hợp danh sách và đề xuất thành lập 10 Tổ Khuyến nông cộng đồng tham gia phục vụ phát triển nguồn nguyên liệu lúa gạo ngay từ vụ đông xuân 2022 - 2023. Không chỉ vậy, ngành nông nghiệp đã quyết định mở rộng tổ khuyến nông cộng đồng ra toàn tỉnh, xem đây là mắt xích quan trọng trong tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị.
Lợi thế của Kiên Giang khi thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng là đã có sẵn hệ thống Tổ Kinh tế kỹ thuật (khuyến nông cơ sở) phủ kín các xã và hoạt động khá hiệu quả hàng chục năm qua. Điểm khác biệt là số thành viên được tăng lên hơn gấp đôi, từ 3 lên 7 người. Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, nếu như Tổ Kinh tế kỹ thuật chỉ bố trí 3 cán bộ gồm chuyên môn trồng trọt, chăn nuôi - thú y và thủy sản thì nay Tổ Khuyến nông cộng đồng được bổ sung thêm lâm nghiệp đối với những xã có rừng, cán bộ khuyến nông tỉnh, lãnh đạo xã (thường là Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất), công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường và giám đốc HTX nông nghiệp tại địa phương.
Ngay sau khi được thành lập, Tổ Khuyến nông cộng đồng đã tăng cường tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất để hỗ trợ tư vấn, dịch vụ, liên kết sản xuất. Tổ Khuyến nông cộng đồng ở các xã đã tích cực hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc cây lúa, rau màu… Đặc biệt, phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương, hướng đến đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, phát triển sản phẩm OCOP...
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã hoàn thiện danh sách 116 Tổ Khuyến nông cộng đồng mở rộng tại các địa phương trình Sở NN-PTNT ra quyết định. Cùng với đó, ban hành quy chế hoạt động, tập trung vào nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất cho nông dân, tổ hợp tác, HTX phù hợp với thời vụ, điều kiện sản xuất ở địa phương.
Đồng thời, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường; hướng dẫn nông dân, HTX, tổ hợp tác… tham gia thực hiện các dự án, mô hình khuyến nông trong vùng nguyên liệu; hỗ trợ HTX xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh doanh, liên kết tổ chức nông dân với các doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, xác định tầm quan trọng của Tổ Khuyến nông cộng đồng trong phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn mới, từ Đề án thí điểm, tỉnh đã quyết định thành lập ở tất cả các xã có tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế hoạt động để triển khai các nhiệm vụ cho Tổ Khuyến nông cộng đồng, trong đó trọng tâm là triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức, phát triển sản sản xuất, gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông sản.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã đồng ý chủ trương tăng cường các thành viên trong Tổ Khuyến nông cộng đồng từ 3 người lên 7 người, với sự tham gia của lãnh đạo xã, khuyến nông tỉnh, đoàn thể xã để tuyên truyền, thực hiện hiệu quả… Giao Tổ Khuyến nông cộng đồng triển khai rà soát dự án các vùng nguyên liệu, khảo sát địa bàn, chọn địa điểm, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân.
Từ đó, sẽ có thông tin cho ngành chuyên môn, địa phương nắm bắt, chỉ đạo, mang lại hiệu quả rất lớn trong triển khai phát triển sản xuất đầy đủ, chính xác, hiệu quả. Không chỉ vậy, Tổ Khuyến nông cộng đồng còn có nhiệm vụ kết nối các tổ chức nông dân với doanh nghiệp trong triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững.
“Tổ Khuyến nông cộng đồng được Kiên Giang xác định là một trong những điểm đổi mới quan trọng của hoạt động khuyến nông trong giai đoạn hiện nay. Đây là mô hình thí điểm cơ cấu lại tổ chức khuyến nông gắn với địa bàn các xã; đa dạng hóa hoạt động khuyến nông, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đặc biệt là tăng cường hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị nông sản; phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; góp phần củng cố, xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam”, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết.