| Hotline: 0983.970.780

Công ty Hoàng Gia Yên Bái bất chấp pháp luật:

Ông Nguyễn Tất Thế là ai mà dám lấp hồ Thác Bà?

Thứ Năm 23/04/2020 , 06:20 (GMT+7)

Hồ Thác Bà là tài sản quốc gia được giao cho Cty CP Thủy điện Thác Bà khai thác, quản lý. Ông Thế là ai khi ngang nhiên lấp hồ mà không bị xử lý?

Những núi đất đang đổ xuống lấp hồ Thác Bà. Ảnh: Việt Dũng, chụp 5/11/2018.

Những núi đất đang đổ xuống lấp hồ Thác Bà. Ảnh: Việt Dũng, chụp 5/11/2018.

Nhà máy thủy điện Thác Bà được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, hàng chục nghìn hộ dân của huyện Yên Bình và Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã phải rời nhà cửa, mồ mả cha ông  nhường đất để xây dựng công trình thủy điện. 

Hồ Thác Bà có tổng diện tích mặt thoáng 23.400ha, diện tích mặt nước 19.050ha, chiều dài 80km, mực nước dao động từ 46 - 58m, chứa được 3 - 3,9 tỉ mét khối nước. Hồ có trên 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, tạo ra hàng ngàn eo ngách, một vùng non xanh nước biếc kỳ vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc.

Đây là một trong số những hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc. Ngoài chạy máy phát điện hồ Thác Bà còn là nơi dự trữ và cung cấp nước SX cho đồng bằng châu thổ sông Hồng, điều tiết lũ về mùa mưa…

Trong những năm qua, hồ Thác Bà bị xâm hại một cách có hệ thống, điển hình là Cty Hoàng Gia mà chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước đã đổ hàng ngàn khối đất xuống hồ Thác Bà.

Theo báo cáo số 226/BC-ĐKtr ngày 17/6/2019 của Đoàn kiểm tra liên ngành, diện tích Cty đã khắc phục là 9.353,2m2, diện tích còn phải múc, xúc trả lại hiện trạng ban đầu các eo ngách hồ là 30.190,9m2 (3,01 ha). Như vậy, có thể hiểu 3,01 ha mặt nước hồ Thác Bà đã bị Cty Hoàng Gia lấp.

Hồ Thác Bà đang bị Cty Hoàng Gia bức tử. Ảnh: Việt Dũng, chụp ngày 5/11/2018.

Hồ Thác Bà đang bị Cty Hoàng Gia bức tử. Ảnh: Việt Dũng, chụp ngày 5/11/2018.

Cũng theo báo cáo này, ông Nguyễn Tất Thế không rõ địa chỉ, cư trú ở đâu đã đến thôn Hợp Nhất (trước gọi là thôn Đình Lâm) nhận chuyển nhượng đất đai trái phép với một số hộ dân bằng những giấy tờ viết tay từ năm 2014 rồi giao lại cho Cty Hoàng Gia để tiến hành san gạt.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tất Thế còn nhận chuyển nhượng đồi chè với một số hộ dân khác tiến hành san gạt trái phép 145.022,2m2 (14,5ha) có cốt nền bằng với cốt nền của Cty Hoàng Gia.

Trong đó có 84.103,8m2 (8,41ha) là đất do Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất quản lý theo Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh Yên Bái thu hồi của Cty CP chè Văn Hưng giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất quản lý theo quy hoạch và 39.518,4m2 (3,95ha) đất có mặt nước, tức là diện tích eo ngách hồ Thác Bà đã bị lấp.

Diện tích ông Nguyễn Tất Thế san ủi trái phép giáp với Cty Hoàng Gia. Ảnh: Thái Sinh, chụp chiều 20/4/2020.

Diện tích ông Nguyễn Tất Thế san ủi trái phép giáp với Cty Hoàng Gia. Ảnh: Thái Sinh, chụp chiều 20/4/2020.

Ô tô, máy ủi trên bãi đất giáp với bãi đất do ông Nguyễn Tất Thế san ủi. Ảnh: Thái Sinh chụp chiều 20/4/2020.

Ô tô, máy ủi trên bãi đất giáp với bãi đất do ông Nguyễn Tất Thế san ủi. Ảnh: Thái Sinh chụp chiều 20/4/2020.

Để trả lời câu hỏi: Vì sao ông Nguyễn Tất Thế lại ngang nhiên san gạt đất của Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất đang quản lý theo quyết định của UBND tỉnh?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hà - nguyên GĐ Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất (nay ông Hà là GĐ Văn phòng Đăng ký đất đai), ông Hà cho biết: Sau khi có quyết định 505/QĐ-UBND, Văn phòng đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm sơ bộ.

Do không có tiền thanh toán tài sản trên đất, về nguyên tắc khi Văn phòng chưa thanh toán bồi thường thì trách nhiệm quản lý thuộc Cty chè Văn Hưng và chính quyền địa phương…

Trái ngược với ý kiến của ông Hà, bà Nguyễn Thị Minh - GĐ Cty CP chè Văn Hưng cho biết: Khi có quyết định của UBND tỉnh chúng tôi đã giao lại đất theo quyết định, tỉnh muốn cho Cty nào vào xây dựng dự án là quyền của tỉnh. Cây chè chúng tôi đã thanh lý cho các hộ công nhân nhận khoán, việc quản lý đồi chè không còn thuộc trách nhiệm của Cty nữa…

Chính vì thế, diện tích đất mà Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san gạt trái phép gần như là đất vô chủ, không có người quản lý.

Khi các đoàn công tác tới kiểm tra mới tóe loe ra, diện tích Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san gạt trái phép là 201.952,5 m2 (20,19 ha).

Tổng diện tích mặt hồ Thác Bà do Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san lấp là 69.708.6m2 (6,97 ha).

Hồ Thác Bà là tài sản quốc gia, giao cho Cty CP Thủy điện Thác Bà quản lý, khai thác. Vị trí hồ Thác Bà bị Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san lấp chỉ cách nhà máy thủy điện Thác Bà hơn 10km, việc san lấp diễn ra trong nhiều tháng trời, nhưng vì sao Cty CP Thủy điện Thác Bà không biết, hay có sự thông đồng gì ở đây, nên ông Quyền mới khẳng định với PV là hồ Thác Bà không bị san lấp? Đây là câu hỏi cần được các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Yên Bái trả lời trước công luận.

Khi PV báo NNVN trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Quyền - GĐ Cty CP Thủy điện Thác Bà về việc Cty Hoàng Gia có lấp hồ không?

Ông Quyền trả lời chắc như đinh đóng cột: Cty Hoàng Gia thực hiện dự án theo quyết định đầu tư của tỉnh Yên Bái. Tôi khẳng định không có chuyện lấp hồ Thác Bà, nếu mà lấp có mà đi tù à…

Với sơ đồ các đồi chè do Cty CP chè Văn Hưng cung cấp cho PV, xung quanh nhiều đồi trồng chè là các eo ngách hồ Thác Bà trong đó có đồi chè số 7 và số 13 đã bị san gạt, các bức ảnh chúng tôi chụp trong quá trình Cty Hoàng Gia san lấp hồ đã chứng minh điều ông Quyền trả lời PV là giả dối. Phải chăng ông Quyền sợ trách nhiệm do quản lý yếu, để Cty Hoàng Gia san lấp hồ mà không ngăn cản nổi nên cố tình lấp liếm?

Các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái cần vào cuộc xác minh xem hồ Thác Bà có bị san lấp không, để truy tố những người cố ý hủy hoại đất đai, tàn phá môi trường và những người buông lỏng quản lý tài sản, tài nguyên của nhà nước.

Nếu hồ Thác Bà không bị san lấp như điều ông Quyền nói, thì báo cáo của các đoàn kiểm tra do UBND tỉnh Yên Bái thành lập, báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, Huyện ủy Yên Bình, UBND huyện Yên Bình khẳng định hồ Thác Bà bị Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san lấp là sai?

Và quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh đối với Cty Hoàng Gia do san lấp hồ Thác Bà cũng sai nốt?

Năm 2014 phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Bình triển khai dự án khoa học: “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà” tại xã Thịnh Hưng, ông Lê Tiền Phương thôn Đào Kiều ký hợp đồng với Phòng Nông nghiệp và PTNT tham gia dự án nuôi cá quây lưới với diện tích 2,2ha, gần trục đường Hoàng Thi.

Ông Lã Tuấn Hưng đã đưa PV báo NNVN tới tham quan mô hình, chúng tôi còn lưu rất nhiều ảnh về eo hồ đó. Nay diện tích hồ đó ở đâu, hay đã bị Cty Bảo Lai lấp rồi? Chúng tôi đề nghị ông Nguyễn Văn Quyền chỉ cho eo hồ đó đang tồn tại ở đâu, để ông khẳng định hồ Thác Bà không bị lấp.

Ông Lã Tuấn Hưng giới thiệu nuôi cá trong eo ngách hồ Thác Bà, eo ngách này hiện đã bị lấp. Ảnh: Thái Sinh chụp 10/9/2014.

Ông Lã Tuấn Hưng giới thiệu nuôi cá trong eo ngách hồ Thác Bà, eo ngách này hiện đã bị lấp. Ảnh: Thái Sinh chụp 10/9/2014.

Chiều 20/4/2020 PV báo NNVN cùng ông Nguyễn Đức Vinh - cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Bình “đột nhập” vào khu vực đất ông Nguyễn Tất Thế đã san gạt trái phép, tại đây chúng tôi thấy 8 xe tải, 3 máy xúc, 2 máy ủi đang san gạt khu đất tiếp giáp với khu đất ông Nguyễn Tất Thế với diện tích đã san gạt khoảng 3ha.

Thấy chúng tôi, những người lái máy bỏ đi, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công an huyện Yên Bình, xã Thịnh Hưng, Phòng Tài nguyên - Môi trường tới lập biên bản, nhưng không rõ ai đã thuê người san gạt, điều này CA sẽ điều tra.

Tên ông Nguyễn Tất Thế trong mục II đại diện Cty Hoàng Gia thể hiện trong biên bản.

Tên ông Nguyễn Tất Thế trong mục II đại diện Cty Hoàng Gia thể hiện trong biên bản.

Sơ đồ các đồi chè khu vực đất Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san lấp đều có diện tích mặt nước hồ Thác Bà.

Sơ đồ các đồi chè khu vực đất Cty Hoàng Gia và ông Nguyễn Tất Thế san lấp đều có diện tích mặt nước hồ Thác Bà.

Câu hỏi ông Nguyễn Tất Thế là ai mà dám lấp hồ Thác Bà? Tại Biên bản làm việc giữa UBND xã Thịnh Hưng, Cty Hoàng Gia với các hộ gia đình bị ảnh hưởng ngày 18/9/2019, phần đại diện Cty Hoàng Gia có tên ông Hoàng Đình Trịnh- PGĐ và ông Nguyễn Tất Thế, điều này chỉ rõ ông Thế là người của Cty Hoàng Gia. Trong báo cáo của các đoàn kiểm tra đều không ghi rõ địa chỉ của ông Thế ở đâu. Có người nói ông Thế quê ở Thanh Hóa(?).

Một người không rõ nơi cư trú lại dám cùng với Cty Hoàng Gia san gạt trái phép 20,19ha đất, lấp 6,97ha hồ Thác Bà là điều không thể tưởng tượng nổi. Đây là việc vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, tỉnh Yên Bái cần chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và công bố trước công luận.   

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm