| Hotline: 0983.970.780

Công ty Hoàng Gia Yên Bái bất chấp pháp luật: Nỗi khốn khổ của người dân

Thứ Tư 22/04/2020 , 08:34 (GMT+7)

Kể từ khi nhà máy ván ép của Cty Hoàng Gia đi vào hoạt động đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân thôn Hợp Nhất bởi khói bụi, tiếng ồn...

Cụ Vũ Thị Nhài mô tả cảnh đêm đêm bịt khăn ra ngoài trời do sặc mùi keo dán gỗ. Ảnh: Thái Sinh.

Cụ Vũ Thị Nhài mô tả cảnh đêm đêm bịt khăn ra ngoài trời do sặc mùi keo dán gỗ. Ảnh: Thái Sinh.

Nhiều người nửa đêm phải chạy ra khỏi nhà vì ngạt thở, trong đó có cụ già trên 80 tuổi…

Bà Hoàng Thị Hải năm nay 60 tuổi là công nhân Cty chè Văn Hưng, nhà bà chỉ cách ống khói nhà máy chừng 4 - 5m, lại nằm thụt dưới chân tường rào của Cty Hoàng Gia, kể từ tháng 3/2019 khi nhà máy đi vào hoạt động, lò đốt nguyên liệu nằm ngay phía sau nhà ngùn ngụt nhả khói khiến than, bụi, mạt cưa… không thể bốc lên cao phủ kín mái nhà cùng vườn tược.

Bà cho hay hôm nào trời nắng thì khói bụi bốc lên cao, hôm nào ẩm trời thì khói bụi cứ quẩn quanh trên nóc nhà trông như đám mây đen vần vũ trên đầu.

Để tránh khói bụi, gia đình nhà bà đóng hết cửa, rồi dùng bạt nilon phủ vào cửa sổ để khói bụi không thể lọt vào nhà. Nhưng không thể tránh được, những hạt bụi nhỏ li ti luồn qua các khe cửa bay vào nhà, chỉ sau một đêm chăn màn quần áo trắng bụi.

Kể lại chuyện với chúng tôi nước mắt bà Hải như muốn ứa ra: Gia đình tôi và các gia đình thôn Hợp Nhất sống quanh khu vực nhà máy như bị tra tấn cả ngày lẫn đêm không chỉ khói bụi, hơi cay mà cả tiếng ồn.

Không rõ họ đặt máy móc gì và quạt thổi bếp lò tiếng máy rung âm xuống lòng đất rồi dội ngược lên, nằm trên giường nghe tiếng máy inh inh từ dưới lòng đất cảm như tiếng động từ dưới âm ty dội lên không tài nào nhắm mắt nổi, kinh lắm!

Bà Hải chỉ ống khói và nhà máy nằm phía sau nhà bà. Ảnh: Thái Sinh.

Bà Hải chỉ ống khói và nhà máy nằm phía sau nhà bà. Ảnh: Thái Sinh.

Cũng theo lời bà Hải, nhà máy làm ba ca liên tục, có hôm làm đến 23 giờ khuya, những hôm trái gió trở giời người mệt mỏi muốn đi nằm sớm cũng không được.

Phải sang nhà hàng xóm ngồi vạ vật, chờ khi nhà máy nghỉ việc mới dám về nhà. Ối giời ơi, nếu các anh vào đây vào những ngày nhà máy hoạt động, cứ ngồi thử ở nhà tôi độ một giờ thôi mới thấm nỗi khổ của dân.

Do dịch Covid-19 nên nhà máy ngừng hoạt động từ tết đến giờ, chứ không tôi và anh ngồi trong nhà đây không thể nói chuyện được với nhau…

Nhà bà Hải có vuông ao rộng chừng 500m2, nhưng khi nhà máy lấp các eo hồ Thác Bà vào mùa mưa nước không thoát kịp dâng lên ngập cả vườn và ao, có năm nước lên mấp mé sân.

Đã mấy năm nay nước ngập khiến bờ ao lở lói, không thể thả cá được, mảnh vườn trước nhà do úng nước không trồng được bất cứ loại rau gì, mang tiếng sống ở nông thôn, vườn rộng 400m2 mà phải mua rau thế có khổ không?

Bà Hải đã gửi đơn lên xã, lên huyện từ năm ngoái đến giờ vẫn bặt tăm, lãnh đạo xã bảo phải chờ cấp trên giải quyết chứ xã không làm được gì.

Có một lần người của Cty Hoàng Gia cùng lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường xuống lập biên bản về khói bụi và tiếng ồn, một ông người Trung Quốc cũng đến nói chuyện xì xồ gì đó. Sau khi lập biên bản họ cầm đi từ đó đến nay chẳng thấy ai quay lại và không có động thái gì.

Tôi đề nghị Cty lấy lại khu đất nhà tôi để gia đình tôi chuyển đi nơi khác, sống thế này thì không sống nổi. Một cán bộ Phòng Tài nguyên huyện bảo với tôi họ trả 500 triệu bà đồng ý thì họ lấy. Với 500 triệu tôi mua được đất ở đâu để dựng nhà?

Bà Lê Thị Kim Thê chỉ ngấn nước ngập nhà bà. Ảnh: Thái Sinh.

Bà Lê Thị Kim Thê chỉ ngấn nước ngập nhà bà. Ảnh: Thái Sinh.

Cách nhà bà Hoàng Thị Hải chừng 500m là bà Lê Thị Kim Thê, cũng là công nhân Cty chè Văn Hưng đã nghỉ hưu, bà sống ở đây mấy chục năm rồi.

Trước khi Cty Hoàng Gia về đây xây dựng nhà máy, bà nhận đấu thầu với Cty chè 1 ha ao ngay phía trước cửa nhà.

Cty Hoàng Gia chẳng biết thỏa thuận với ai đã chở đất lấp ao, cạnh đó là mương thoát nước của cả thôn cũng bị lấp, họ làm một cái cống đường kính chừng 70-80cm, khi trời mưa to nước không thoát kịp dâng lên ngập tận hè, bùn đất tràn vào trong bếp đặc quánh đến hơn một gang tay mấy ngày nước mới rút, mùi hôi thối không thể chịu nổi.

Năm 2018 nước ngập, năm 2019 nước lại ngập, bà Thê thở dài cay đắng: Mấy hôm trước mưa mới một trận vườn nhà tôi đã ngập rồi, năm 2020 chắc chắn lại ngập.

Khi máy móc của Cty lấp ao, con rể tôi ra ngăn nhưng không lại, ông Nguyễn Tiến Quyết - Chủ tịch xã đứng ra ngăn cũng không nổi. Tôi đã làm đơn gửi các cấp chính quyền, nhưng đến nay việc ngập úng của gia đình tôi vẫn không được giải quyết.

Nói rồi bà Thê cho xem Biên bản làm việc giữa Cty Hoàng Gia, UBND xã Thịnh Hưng và 3 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Nguyện vọng của bà Thê đề nghị Cty Hoàng Gia hỗ trợ nâng nhà, nhưng ông Hoàng Đình Trịnh - PGĐ Cty Hoàng Gia trả lời dứt khoát: Riêng nâng nhà thì Cty không hỗ trợ.   

Cống thoát nước đặt cao hơn mặt nước, khiến nước ứ đọng thành bãi sình lầy. Ảnh: Thái Sinh.

Cống thoát nước đặt cao hơn mặt nước, khiến nước ứ đọng thành bãi sình lầy. Ảnh: Thái Sinh.

Bà Thê dẫn PV báo NNVN đi xem cống thoát nước, miệng cống đặt cao hơn mặt nước, khiến nước đọng trước cửa cống kéo dài lên tận gần nhà bà Thê chừng 50m tạo thành bãi sình lầy, khiến bãi trồng keo nhà bà Thê cũng bị ngập úng, nhiều cây to bằng bắp đùi có nguy cơ chết.

Theo bà Hoàng Thị Hải, có khoảng 30 hộ thôn Hợp Nhất bị ảnh hưởng khói bụi và hơi cay. Để chứng minh điều điều đó, bà dẫn chúng tôi tới nhà ông Vũ Đình Rong nhà nằm trên trục đường Hoàng Thi, cách cổng nhà máy chừng 50m.

Ông Rong năm nay 85 tuổi, vốn là bộ đội khi ra quân thì vào làm công nhân Nông trường chè Văn Hưng, nay là Cty CP chè Văn Hưng.

Nghe bà Hải giới thiệu chúng tôi là nhà báo, ông Rong phẩy tay: Chả làm được gì đâu, nhân dân ở đây đề nghị mỏi mồm rồi có ai thèm để ý, chúng tôi già rồi sống được ngày nào hay ngày ấy thôi…

Vợ ông Rong là bà Vũ Thị Nhài, kém ông một tuổi thì lắc đầu: Thưa với anh, kể từ khi nhà máy hoạt động thì người dân chúng tôi sống quanh đây khốn khổ, khốn nạn vô cùng.

Khói của nhà máy nếu gió quẩn về hướng nhà tôi thì đen xì, khổ nhất là mùi keo của nhà máy giống mùi thuốc trừ sâu B58, ngửi một lúc thì nhức hết cả đầu không thể nào chịu nổi.

Nhà tôi anh nhìn xem đều nhét giẻ hết các khe cửa, nhưng mùi keo cay như ớt vẫn lọt vào. Đêm không tài nào ngủ được, tôi phải ra ngoài ngồi dưới gầm bàn kia, hay chạy ra đường lấy khăn bịt mũi ngồi hàng giờ ngoài trời, khi nào buồn ngủ quá thì vào nhà ngủ thôi…

Bà có hai đứa cháu nội sinh đôi 4 tuổi là Vũ Xuân Thành, Vũ Xuân Trường, bà chỉ cậu bé mặc áo giả công an: Thằng cháu này tên là Trường ốm đau liên miên, toàn viêm họng, viêm phổi cũng do hít thở cái không khí ô nhiễm ở đây. Đến người lớn cũng không chịu nổi huống gì trẻ con.

Vợ chồng ông Vũ Đình Rong. Ảnh: Thái Sinh.

Vợ chồng ông Vũ Đình Rong. Ảnh: Thái Sinh.

Hai đứa cháu nội của bà Nhài thường xuyên ốm đau do hít thở không khí ô nhiễm. Ảnh: Thái Sinh.

Hai đứa cháu nội của bà Nhài thường xuyên ốm đau do hít thở không khí ô nhiễm. Ảnh: Thái Sinh.

Để lắng nghe ý kiến từ phía Cty Hoàng Gia về những ý kiến phản ánh của người dân, PV báo Nông nghiệp Việt Nam đến Cty Hoàng Gia, nhưng bảo vệ cho biết ông Ngô Quang Tùng - GĐ và ông Hoàng Đình Trịnh - PGĐ đều không có mặt ở Cty.

Tôi gọi điện thoại cho ông Hoàng Đình Trịnh, có tiếng chuông reo nhưng ông Trịnh không bắt máy và không gọi lại. Tôi nhắn tin cho ông, nhưng ông cũng không trả lời. Điều đó đủ thấy sự thiếu văn hóa của lãnh đạo Cty Hoàng Gia đến mức nào.    

Tôi không quá buồn vì điều đó, bởi Cty Hoàng Gia chẳng coi các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái là cái “đinh gỉ” gì, họ còn bất chấp và chà đạp lên pháp luật thì việc không trả lời nhà báo, âu cũng là lẽ thường. (Còn nữa)

Đón đọc bài 3: Ông Nguyễn Tất Thế là ai mà dám lấp hồ Thác Bà?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.