| Hotline: 0983.970.780

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường:

Phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho nông nghiệp hữu cơ

Thứ Ba 09/03/2021 , 10:01 (GMT+7)

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại xứ Thanh.

 

Ông Cao Văn Cường, ngoài cùng bên phải trong một lần thăm nông trại hữu cơ tại Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Cao Văn Cường, ngoài cùng bên phải trong một lần thăm nông trại hữu cơ tại Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Thưa ông, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển, ông có thể nêu rõ những tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa để phát triển nông nghiệp hữu cơ?

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất đai rộng lớn và đa dạng, có 3 vùng sinh thái đặc trưng (miền núi, đồng bằng và ven biển). Diện tích đất nông nghiệp của Thanh Hóa lớn với hơn 900.000ha, chiếm 81,85% tổng diện tích tự nhiên.

Toàn tỉnh hiện có 890 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trên 700 trang trại, trên 1,1 nghìn tổ hợp tác, 661 hợp tác xã, trong đó có 100% số hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012...

Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Bản thân Thanh Hóa cũng đã xác định được 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 29/4/2020. Có thể nói, đây là thời điểm vàng để Thanh Hóa phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vấn đề là Thanh Hóa có tận dụng được các lợi thế đó không hay không thôi!

Theo ông vì sao nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa phát triển chưa xứng với tiềm năng?

Những năm gần đây, với các cơ chế chính sách khuyến khích, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung, chuỗi sản xuất khép kín. Tuy nhiên, đa phần vẫn chỉ là sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất khiêm tốn.

Điều đáng nói là, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn hướng tới tăng năng suất, sản lượng, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Nếu nhà sản xuất vẫn giữ tư duy và quan điểm này sẽ xẩy ra xung đột giữa năng suất, sản lượng và chất lượng, rất khó để làm nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian qua, việc sử dụng quá mức hàm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đất đai đồng ruộng thoái hóa, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh do sự phá hủy hệ sinh thái, dư thừa hóa chất trong nông sản ảnh hưởng đối với sức khỏe con người.

Hiện Thanh Hóa chưa có các nghiên cứu, điều tra, đánh giá để xác định được các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, song quy mô còn nhỏ. Tập quán sản xuất của nông dân chủ yếu là sử dụng hóa chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, vẫn theo kinh nghiệm sản xuất là chính.

Chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn so với các phương pháp thông thường, năng suất không cao, nhưng giá sản phẩm lại chưa tương xứng. Công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường còn hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa chưa xứng với tiềm năng. Ảnh: Võ Dũng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa chưa xứng với tiềm năng. Ảnh: Võ Dũng.

Vậy, Thanh Hóa sẽ làm gì để phát triển nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng thưa ông?

Thời gian tới chúng tôi sẽ lựa chọn vùng đủ điều kiện tiêu chuẩn để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đối tượng là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch trang trại, sinh thái.

Thanh Hóa sẽ quyết liệt trong việc thực thi các quy định tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, chứng nhận, giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi sẽ tiếp tục các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học.

Để nông nghiệp hữu cơ tồn tại và phát triển, yếu tố sống còn là phải tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ, chú trọng thị trường xuất khẩu và hướng đến thị trường trong nước.

Do đó, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn những sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.

"Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu." Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa Cao Văn Cường.

    Tags:
Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm