| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Hoàng Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành A:

Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024

Thứ Năm 20/10/2022 , 10:24 (GMT+7)

Để phấn đấu huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, ông Lê Hoàng Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết những mục tiêu cụ thể.

Empty

Ông Lê Hoàng Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành A. Ảnh: CTV.

Thưa ông, những mục tiêu cụ thể của huyện đặt ra để về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024?

Căn cứ Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 5/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành bộ tiêu chí huyện NTM. Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025. Để phấn đấu huyện Châu Thành A đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024, huyện đề ra những mục tiêu cụ thể như sau:

Tiếp tục giữ vững và nâng chất các xã đã đạt chuẩn NTM, nông thôn mới nâng cao. Xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao đối với xã Nhơn Nghĩa A vào năm 2022 và xã Tân Phú Thạnh vào năm 2023. Xây dựng xã Thạnh Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2022. Song song đó là xây dựng các tiêu chí huyện NTM nâng cao để đáp ứng đủ điều kiện trình thẩm định, xét đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nhất là các tiêu chí về sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường. Để thực hiện những định hướng nêu trên, huyện Châu Thành A đưa ra 6 quyết sách trọng tâm trong việc xây dựng NTM thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bền vững tới cấp ủy, chính quyền và người dân. Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế. Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa – xã hội và các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thứ năm, xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Thứ sáu, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chuỗi liên kết, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, thành lập mới các hợp tác xã, đảm bảo hoạt động đúng thực chất. Đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các lãnh đạo của hợp tác xã, tổ hợp tác. Lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách huyện để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các xã. Trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình cung cấp điện, nước sinh hoạt nông thôn và chuyển đổi số…

Xin ông cho biết việc đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao chất lượng các hợp tác xã, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả gắn với phát triển các loại hình du lịch nông thôn trên địa bàn huyện? 

Nhằm đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao chất lượng các hợp tác xã, ngày 13/5/2021, UBND huyện Châu Thành A đã ban hành kế hoạch số 185/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã huyện Châu Thành A giai đoạn 2021 – 2030, theo đó huyện đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm như sau:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất của HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và tổng kết mô hình. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị trong phát triển KTTT.

Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả dưới nhiều hình thức như: thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, tọa đàm, hội thảo, tham quan trong và ngoài huyện tạo điều kiện để người dân tiếp cận được những mô hình mới, cách làm hay để vận dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời huyện cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện những video clip với nội dung đa dạng như mô hình điển hình, gương sản xuất giỏi, khoa học kỹ thuật mới, định hướng phát triển của ngành. Tuyên truyền lồng ghép với các cuộc tập huấn, hội thảo, tọa đàm để người dân dễ tiếp cận.

Huyện chú trọng hướng dẫn và tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển gắn với du lịch nông nghiệp, nổi bật như: Mô hình trồng hoa của Làng hoa Xáng Mới; trại dê Sữa Ngọc Đào; mô hình du lịch sinh mương Homestay Mương đình…

Empty

Lễ công bố huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Ảnh: CTV.

Được biết, huyện Châu Thành A có hơn 5.564 ha vườn cây ăn trái. Bên cạnh tập trung phát triển cây ăn trái, các địa phương trong huyện còn thường xuyên vận động người dân tham gia mở rộng và nâng chất các cánh đồng lớn trên địa bàn. Xin ông chia sẻ về một vài mô hình điển hình hiệu quả hiện nay để tiếp tục nhân rộng?

Hướng tới để giúp người dân trên địa bàn huyện tiếp cận mô hình tiên tiến, nâng cao giá trị trong sản xuất, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với ban ngành, đoàn thể vận động người dân nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả và hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân tham gia tốt chuỗi giá trị và tham gia thị trường xuất khẩu, điển hình như:

Mô hình “sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo hướng VietGAP”, tập trung tại xã Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn, diện tích 53 ha, có 62 hộ tham gia. Mô hình “sản xuất chanh không hạt theo hướng GloballGAP gắn với chuỗi giá trị” trên địa bàn xã Thạnh Xuân, diện tích 10 ha, có 13 hộ tham gia. Mô hình “sản xuất nhãn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị” trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa A diện tích 9,5 ha, có 14 hộ tham gia. Mô hình “sản xuất mít siêu sớm theo hướng VietGAP ứng dụng công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn xã Thạnh Xuân, diện tích 15 ha, có 16 hộ tham gia. Mô hình “sản xuất sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị” diện tích 20 ha, có 15 hộ tham gia.

Nhìn chung, bước đầu triển khai thực hiện các mô hình trên đã nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, giá trị sản phẩm nông sản tăng lên và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng hướng đến sản xuất theo chuỗi, đưa nông sản đến với thị trường xuất khẩu. Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện, đến ngày 5/10/2022, huyện có 805 hộ có mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tăng 103 hộ so với cùng kỳ năm 2021

Thưa ông, đến nay huyện Châu Thành A có bao nhiêu sản phẩm được tỉnh công nhận đạt chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo ông, thời gian tới cần tiếp tục làm gì để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề độc đáo của huyện?

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là giải pháp phù hợp nhằm phát triển các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn. Hiện nay, huyện có 15 sản phẩm được tỉnh đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa Chương trình OCOP, tạo điều kiện, động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Đồng thời, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương, các chủ thể kinh doanh đầu tư trang thiết bị, dây truyền sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm được ổn định. Quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, tăng cường công tác tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP. Hướng tới huyện sẽ đề xuất xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các điểm chợ, các điểm bán hàng của bách hóa xanh, điểm du lịch cộng đồng để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng phát triển hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.