| Hotline: 0983.970.780

Phấn đấu vượt mốc 100 ngàn tấn tôm nuôi

Thứ Năm 08/07/2021 , 17:19 (GMT+7)

Kiên Giang Ngành nông nghiệp đẩy mạnh các giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tăng sản lượng tôm nuôi, cả năm đạt 105.000 tấn.

Phát triển mạnh nghề nuôi tôm

Các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận) là vùng nuôi tôm - lúa với diện tích lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Thời điểm này, lịch thả nuôi tôm đã dần về cuối vụ, nông dân đang tập trung thu hoạch trong 1, 2 tháng nữa, rồi rửa mặn để chuẩn bị cho luân canh vụ lúa. Dù bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, nắng hạn, dịch bệnh covid-19 gây khó khăn cho lưu thông nhưng năng suất và giá tôm những tháng đầu năm nay khá ổn định.

Nông dân Kiên Giang tập trung thu hoạch tôm rồi rửa mặn để chuẩn bị cho luân canh vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân Kiên Giang tập trung thu hoạch tôm rồi rửa mặn để chuẩn bị cho luân canh vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trọng Linh.

Tính đến đầu tháng 7, nông dân Kiên Giang đã thả nuôi tôm - lúa được trên 98.000 ha. Có gần 27.000 ha nông dân nuôi tôm càng xanh, còn lại đối tượng nuôi chính là tôm sú hoặc nuôi kết hợp tôm sú, thẻ chân trắng. Sản lượng thu hoạch đến nay đạt được trên 57.000 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng hơn 18.000 tấn, tôm càng xanh gần 7.000 tấn, còn lại là tôm sú nuôi theo mô hình tôm - lúa, tôm - rừng…

Ngành nông nghiệp Kiên Giang tập trung quản lý tốt chất lượng tôm giống thả nuôi, nhằm tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang tập trung quản lý tốt chất lượng tôm giống thả nuôi, nhằm tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Kiên Giang, chỉ tiêu sản xuất thủy sản năm 2021 ngành được giao là 799.000 tấn, gồm cả khai thác và nuôi trồng. Trong đó, riêng tôm nuôi nước lợ là 98.000 tấn. Kết quả 6 tháng đầu năm, sản lượng đã đạt trên 412.000 tấn, gồm khai thác thủy sản gần 286.000 tấn và nuôi trồng thủy sản hơn 126.000 tấn.

Phấn đấu vượt mốc 100 ngàn tấn tôm nuôi

Triển khai thực hiện các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 6 tháng cuối năm 2021 ước đạt gần 391.000 tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt hơn 803.000 tấn.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang đẩy mạnh các giải pháp phát triển nuôi tôm công nghệ cao, nhằm tăng thêm 7.000 tấn tôm, phấn đấu sản lượng cả năm đạt 105.000 tấn tôm nuôi nước lợ. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang đẩy mạnh các giải pháp phát triển nuôi tôm công nghệ cao, nhằm tăng thêm 7.000 tấn tôm, phấn đấu sản lượng cả năm đạt 105.000 tấn tôm nuôi nước lợ. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch nuôi nước lợ năm 2021, nhằm tăng sản lượng thu hoạch. Ngành cũng đã xây dựng sẵn 2 kịch bản cho tăng trưởng đối với lĩnh vực thủy sản, tùy vào tình hình thời tiêt khí hậu, dịch bệnh trên vật nuôi và dịch covid ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

Theo đó sẽ quản lý tốt khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021, đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp khi có điều kiện thuận lợi. Duy trì việc thực hiện thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Quản lý chất lượng giống tôm nuôi, nhất là trong hoạt động vận chuyển tôm giống chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nhập tỉnh. Phấn đấu sản lượng thu hoạch tôm nuôi cả năm ước đạt 99.640 tấn, tăng 1,67% so với kế hoạch (kịch bản 1).

Đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp khi có điều kiện thuận lợi, duy trì thực hiện thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp khi có điều kiện thuận lợi, duy trì thực hiện thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2021. Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, một số quốc gia có sản lượng sản xuất tôm lớn bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến sản lượng giảm đáng kể, gây thiếu hụt cho nguồn cung của thị trường.

Vì vậy, Kiên Giang đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các hộ dân và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các hình thức nuôi tôm. Bên cạnh phát triển nuôi tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi quảng canh cải tiến, sẽ tập trung đẩy mạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp. Nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để năng cao sản lượng thu hoạch. Phấn đấu sản lượng thu hoạch tôm nuôi cả năm 2021 đạt 105.000 tấn, tăng 7.000 tấn so với kế hoạch và tăng 5.360 tấn so với kịch bản 1 đề ra.

Riêng về tôm nuôi nước lợ, đây là mặt hàng được Kiên Giang xác định có lợi thế, nhờ có tuyến bờ biển dài và vùng đất ven biển rộng, thích hợp cho phát triển nghề nuôi tôm. Năm 2021, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi là 136.000 ha, sản lượng thu hoạch vượt mốc 100.000 tấn. Diện tích đã xuống giống được trên 128.000 ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp 2.258 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến và tôm - lúa, tôm - rừng.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.