| Hotline: 0983.970.780

Phan Khôi - công việc làm báo, viết văn

Tham gia kháng chiến, hoạt động văn nghệ

Thứ Năm 06/10/2022 , 09:10 (GMT+7)

Các hoạt động viết báo, viết sách của Phan Khôi giai đoạn này đều khởi đầu từ việc Phan Khôi tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Khoảng cuối năm 1941, từ Sài Gòn, Phan Khôi cùng người vợ thứ hai và đứa con trai đầu 1 tuổi của họ trở về quê, làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sống cùng bà vợ cả và toàn gia đình. Hoạt động báo chí của Phan Khôi thời kỳ Việt Nam bị đặt dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp đã chấm dứt từ cuối năm 1941 đầu năm 1942.

Bài liên quan

Một số hồi ức của thân nhân về thời kỳ này ghi nhận hai việc Phan Khôi dự định làm khi trở về và quyết định ở lại nhà, không đi đâu nữa, là sửa sang lại nhà cửa và dạy thêm chữ Hán cho các con. “Ông đọc sách, làm vườn, gọi thợ sửa chữa nhà cửa, sai con cháu chỉnh đốn thư viện”, thăm viếng, trò chuyện với những bạn bè hoặc bà con xa gần.

Đầu tháng 5/1945, bà Lê Thị Xuyến (vợ góa của Phan Thanh) từ Hà Nội về Bảo An đem tài liệu của Việt Minh phổ biến cho các đoàn thể Việt Minh ở quê mình, tổ chức in tài liệu tại nhà mẹ chồng là bà Biện (vợ Phan Định, em ruột cụ Phan Trân), cạnh nhà Phan Khôi. Khi bà sang thăm, thấy Phan Khôi rất quan tâm tình hình chính trị, bà đã vắn tắt nêu dự đoán phe Đồng minh sẽ thắng phe Trục, nhân đó kể việc thành lập Việt Minh để tổ chức đánh Pháp đuổi Nhật giành lại chính quyền.

Phan Khôi chứng kiến việc lực lượng Việt Minh giành chính quyền tại làng Bảo An. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Phan Thao, con trai cả Phan Khôi, trở thành một trong những cán bộ đứng đầu ngành thông tin tuyên truyền của chính quyền tỉnh Quảng Nam. Phan Cừ (con trai thứ hai của Phan Khôi) làm chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời xã Bảo An rồi đi học ngành tình báo quân sự. Các bà con gái Phan Khôi như Phan Thị Thỏa, Phan Thị Viện, Phan Thị Miều, Phan Thị Yển, đều tham gia hoạt động trong các đoàn thể phụ nữ, y tế, giáo dục.

Trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên, 6/1/1946, làng Bảo An có 3 người trúng cử, đều là trong gia đình Phan Khôi: Lê Thị Xuyến (em dâu), Phan Bôi tức Hoàng Hữu Nam (em họ), Phan Thao (con trai).

Trước và sau 1945, tại quê nhà, Phan Khôi có niềm vui được một số văn nghệ sĩ từ xa đến thăm: Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan vượt đường dài đến gặp ông cùng đàm đạo văn chương, thế sự. Có lần, các họa sĩ Văn Giáo, Văn Song cùng thi sĩ Văn Hạnh cùng nhau đến chơi. Đặc biệt là đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ, Song Kim, trong đoàn có Giáng Hương, Nguyễn Xuân Khoát, vợ chồng nhạc sĩ Bùi Công Kỳ và một số diễn viên khác, đã đến diễn ở làng Bảo An, và cả đoàn ăn ở tập tành tại nhà Phan Khôi.

Đầu năm 1946, thấy nguồn thu nhập của gia đình ngày một khó khăn, Phan Khôi đã quyết cai thuốc phiện và đã cai được sau một tuần lễ “hành xác thật sự”.

Tháng 6/1946, Phan Khôi nhận được giấy mời của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng ký, trong đó Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời Phan Khôi ra Hà Nội dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, dự kiến khai mạc sáng ngày 1/8/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Các hoạt động viết báo, viết sách của Phan Khôi giai đoạn này đều khởi đầu từ việc Phan Khôi tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Phan Khôi từ Quảng Nam ra đến Hà Nội ngày 4/7/1946. Trong thời gian chờ dự hội nghị, Phan Khôi tìm gặp một số bạn văn thời trước như Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Hoàng Tích Chù, cả nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà ông biết tiếng nhưng chưa từng gặp mặt. Những cuộc đàm đạo với những người từng làm cùng nghề viết đã giúp Phan Khôi bình ổn tinh thần, tạm vượt qua những lo âu về thời cuộc và sinh kế.

Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, dự kiến được tổ chức đầu tháng 8/1946, đã phải lùi đến cuối năm, và chỉ họp trong một ngày (24/11/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) vì tình hình chiến sự rất khẩn cấp. Sau hội nghị, Phan Khôi ở lại Hà Nội.

Đây là lời tự thuật của chính Phan Khôi: “Đêm 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến bùng nổ. Trước hết tôi thấy hổ thẹn, mình nông nổi quá, Việt Minh cũng đã đánh Tây đây rồi. Đêm ấy tôi ở một nhà gần Dốc Láng, nghe súng pháo đài Láng nổ, trèo qua cửa sổ ngồi ở vỉa hè, đếm được hơn sáu chục tiếng rồi không đếm nữa, phơi phới cả người.

Cũng ở nhà ấy, mấy hôm sau, tôi bị một đội tự vệ đeo gươm súng đến nơi, lục soát hành lí tôi, xé bâu áo pa-đờ-xuy của tôi ra tìm cái gì không biết, tôi cứ bình tĩnh, để mặc họ.

Trước Tết Nguyên đán một ngày, tôi theo một gia đình chạy vào Yên Hạ, vì mặt trận Láng vỡ. Ở Yên Hạ chừng mươi ngày, tôi lại đi theo gia đình ấy lên Bố Hạ, đi được chặng đường, bị công an giữ lại. Họ bảo tôi khai, tôi khai. Hai hôm sau được lệnh thượng cấp thả tôi đi tự do, tôi không chịu đi, lấy cớ mất liên lạc rồi, vả lại trong lưng không còn có tiền. Họ đưa tôi đến Ty Công an tỉnh Hà Đông, ông ty trưởng chẳng giải quyết cách nào được cả, đành chứa tôi trong ty chừng một tuần lễ.

Tôi thấy làm bận họ quá, bèn xin lên Vân Đình tìm người quen. Đến nơi, được tin anh Thế Lữ trụ ở Hòa Xá, tôi bèn đến đó ở tạm bợ với Thế Lữ. Mấy tuần lễ sau có người đến bảo tôi gia nhập đoàn văn hóa kháng chiến đi Phú Thọ, tôi với Thế Lữ và gia đình anh cùng đi Phú Thọ.

Đến Phú Thọ, trước ở Vĩnh Châu, sau đổi lên Xuân Áng. Trong thời gian ấy đoàn chúng tôi viết, vẽ và diễn kịch. Riêng tôi dịch được năm thiên tiểu thuyết của Lỗ Tấn”.

Phan Khôi (đội mũ) cùng các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc. Ảnh: TL.

Phan Khôi (đội mũ) cùng các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc. Ảnh: TL.

Vậy là Phan Khôi đã đi theo dòng người tản cư rời khỏi Hà Nội rồi gia nhập đoàn văn hóa kháng chiến đi lên Việt Bắc.

Tháng 7/1948, ông tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đọc tham luận ở ngày khai mạc, 16/7/1948; tại đây, Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập, Phan Khôi được cử làm Trưởng ban Ngôn ngữ văn tự của hội. Phan Khôi cũng tham dự đại hội văn nghệ (23 – 25/7/1948) thành lập Hội văn nghệ Việt Nam, ông trở thành thành viên và có bài đăng Tạp chí Văn nghệ của hội từ khá sớm.

Tháng 9/1949, Phan Khôi tham gia Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc, sau đó tham gia đoàn văn nghệ đi chiến dịch liền 2 tháng.

Tháng 3/1950, Phan Khôi tham gia Hội nghị tranh luận sân khấu Việt Bắc.

Cuối năm 1950, Phan Khôi chuyển sang làm việc tại Vụ Văn học nghệ thuật (là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục, thành lập theo sắc lệnh số 177-SL ngày 19/12/1950; đến ngày 24/2/1952 vụ này được hợp nhất với Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ, theo sắc lệnh số 83/SL thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ).

Đầu năm 1952, do bệnh đau dạ dày, Phan Khôi được đưa đến bệnh viện Thực hành A của trường Đại học Y Dược đóng ở Ngòi Quẵng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, được bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ và điều trị.

Mùa hè năm 1952, Phan Khôi dự lớp chỉnh huấn ở Phủ Bình, Thái Nguyên.

Đầu năm 1953, Hội Văn nghệ Việt Nam công bố giải thưởng văn nghệ 1951-1952, Phan Khôi được tặng giải nhì (không có giải nhất) cho “toàn bộ các bản dịch đã in và chưa in: Chúc phước (truyện ngắn của Lỗ Tấn), AQ chính truyện (tiểu thuyết của Lỗ Tấn), Dưới cây hòe (thơ của Hồ Chinh), Thù làng (truyện của Mã Phong), Ánh lửa đằng trước (tiểu thuyết của Lưu Bạch Vũ), Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học (của Đại Nguyên soái Stalin)”.

Mùa hè năm 1953, Phan Khôi tự đề nghị và được cử tham dự lớp chỉnh huấn cùng nhiều văn nghệ sĩ khác, kéo dài 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, qua 4 đợt học tập, kiểm điểm. Tại đây ông viết “Tự thuật tiểu sử sơ lược”, “Kiểm thảo sơ bộ”, và “Tự kiểm thảo”, những tài liệu hệ trọng về tiểu sử của ông.

Năm 1954, Phan Khôi vừa làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, vừa được mời cộng tác với Ban nghiên cứu Văn Sử Địa do Trần Huy Liệu là trưởng ban.

Sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô Hà Nội, giữa tháng 10/1954, cùng với cơ quan Hội Văn nghệ và Ban Văn Sử Địa, Phan Khôi trở về Hà Nội. Trong cách sắp xếp nhân sự của chính quyền, Phan Khôi được coi là nhân sĩ, có cần vụ (người phục vụ, giúp việc).

Trong việc tập kết nhân viên quân sự, dân sự hai bên theo hiệp định Geneve, hầu hết thân nhân Phan Khôi ở Quảng Nam đều lần lượt được đưa tập kết ra miền Bắc.

Năm 1955, Phan Khôi được cử tham gia Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thăm Liên khu Năm, nói chuyện về thắng lợi của cuộc kháng chiến tại hai cuộc mít tinh ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Phan Khôi đóng vai trò tích cực, dồn nhiều công sức (dịch, viết, thuyết trình) trong việc chuẩn bị kỷ niệm văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn (1881-1936) do Hội Văn nghệ Việt Nam chủ trì; ông được Hội văn nghệ Việt Nam cử đi thăm Trung Quốc (cùng nhà thơ Tế Hanh) dự lễ kỷ niệm nhân 20 năm mất nhà văn Lỗ Tấn (tháng 10/1956). Phan Khôi cũng tham gia một số hoạt động do ban lãnh đạo Hội văn nghệ tổ chức, trong đó có việc là thành viên ban chung khảo giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Từ việc tham gia các hoạt động này, Phan Khôi đã nhận thấy có những sai lầm, lệch lạc trong việc quản lý các hoạt động văn nghệ, như bè phái, phe cánh, vi phạm các chuẩn mực về xét duyệt giải thưởng, và rộng hơn, ông sớm nhận ra những dấu hiệu kiểm duyệt tư tưởng, kiểm duyệt ngôn luận dựa vào sự độc đoán về ý thức hệ. 

Những bất đồng trong một số vấn đề quản lý văn nghệ, quản lý tư tưởng, quản lý xã hội ở Phan Khôi cũng như ở một số văn nghệ sĩ trí thức đương thời chỉ bộc lộ khi xuất hiện một số dấu hiệu khủng hoảng xã hội. Đó là khi trong phạm vi toàn phe xã hội chủ nghĩa có việc phê phán tệ sùng bái cá nhân J. Stalin, có việc nổi dậy chống đối sự cai trị của chính quyền một số nước trong phe xã hội chủ nghĩa (Hungary, Czechslovakia, Ba Lan...), có việc kêu gọi “trăm hoa đua nở” ở Trung Quốc (nhưng thực chất đây là tạo cớ làm lộ diện các “phần tử hữu khuynh” để ra tay đàn áp). Còn trong phạm vi miền Bắc Việt Nam thì cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng, gây những thiệt hại lớn về kinh tế xã hội, gây đảo lộn về nếp sống, về đạo lý, khiến không khí thù oán bức bối từ đời sống làng quê lan ra đô thị.

Văn nghệ sĩ thường là những người nhạy bén trong việc cảm nhận những tâm trạng xã hội. Bộc lộ sớm nhất lúc này chính là tập thơ văn Giai phẩm mùa xuân 1956 (Nhà xuất bản Minh Đức, 1956) trong đó biểu hiện tập trung nhất là bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần. Tập sách bị cấm ngay khi vừa phát hành, và Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức phê phán tập sách này.

Nhưng trong lúc giọng điệu phê phán Giai phẩm mùa xuân 1956 chưa ngừng thì một luồng dư luận khác nổi lên: số đông văn nghệ sĩ bày tỏ những thắc mắc chính đáng về sự bất thường của kết quả giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (công bố đầu tháng 3/1956). Cũng lúc đó, tin tức về Đại hội lần thứ 20 Đẩng cộng sản Liên Xô (Đảng Lao động VN cử Tổng bí thư Trường Chinh cùng UV BCT Lê Đức Thọ sang dự) với nghị quyết về chống sùng bái cá nhân Stalin, được dịch đăng trên báo chí chính thống ở Hà Nội. Chính Trung ương Đảng Lao động VN đã ra nghị quyết 9 (khóa II) nêu cao việc “chống sùng bái cá nhân, thực hiện lãnh đạo tập thể, phê bình và tự phê bình”. Cũng chính từ tinh thần học tập các văn kiện ĐH 20 ĐCS Liên Xô mà TƯ Đảng Lao động VN đã phát hiện ra những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất, nhất là sau kết quả CCRĐ đợt 5, đã triệu tập Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 10 (khóa II) và ra nghị quyết sửa sai. “Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 đã đi đến nhận định nhất trí rằng chỉnh đốn tổ chức ở các cấp tỉnh, huyện là một thất bại, chỉnh đốn chi bộ ở xã đã gây những tổn thất rất nặng nề cho Đảng”.

Hội Văn nghệ Việt Nam đã thực hiện nghị quyết của Đảng Lao động VN về học tập các văn kiện ĐH 20 ĐCS Liên Xô bằng việc tổ chức cuộc học tập nghiên cứu lý luận cho trên 200 văn nghệ sĩ từ 1/8/1956 đến 18/8/1956. Trong và sau cuộc học tập này, tinh thần phê bình sự lãnh đạo quản lý văn nghệ hòa chung với việc thảo luận tiến tới đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, trở nên sôi nổi trong dư luận giới văn nghệ và dư luận xã hội miền Bắc.

Chính trong không khí ấy, Phan Khôi đã viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” (đăng Giai phẩm mùa thu 1956, tập I, Nxb. Minh Đức, phát hành từ 29/8/1956), và sau đó ông nhận lời đứng tên chủ nhiệm báo Nhân văn, tờ báo văn hóa xã hội tư nhân do một nhóm trí thức và văn nghệ sĩ chủ trương (chủ nhiệm Phan Khôi, thư ký tòa soạn Trần Duy, ban biên tập gồm Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao...; số 1 ra mắt ngày 20/9/1956). Các bài đăng Nhân văn không những chỉ gồm các sáng tác mới mà còn cả các tác phẩm quá khứ, bên cạnh việc đăng sáng tác văn nghệ còn có các tiểu luận, nhấn mạnh nhu cầu tự do sáng tác của văn nghệ sĩ; đồng thời dành trang phỏng vấn một số đại diện trong giới trí thức về nhu cầu mở rộng dân chủ, chống tham ô lãng phí, chống bè phái, xu nịnh, v.v.

Báo Nhân văn bị phê phán kịch liệt từ phía dư luận chính thống vốn vẫn đang hướng tới việc thắt chặt sự kiểm soát xã hội về tư tưởng. Sau số 5 (20/11/1956), Nhân văn bị cấm, toàn bộ các số đã phát hành từ trước đều có lệnh thu hồi, cấm lưu giữ.

Đầu năm 1957, Phan Khôi dự đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (20 – /28/2/1957, tại đây Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam); Phan Khôi có phát biểu tham luận tiếp tục đề tài phê bình góp ý về lãnh đạo văn nghệ. 

Sự kiện hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (họp tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội, từ ngày 1 đến ngày 4/4/1957), không rõ Phan Khôi có tham dự hay không; trong hồ sơ kết nạp hội viên còn ghi rõ việc Phan Khôi được kết nạp đợt hai; ông tham dự một số cuộc thảo luận về sáng tác của tòa soạn tuần báo Văn, gửi bài cho tuần báo này và một tác phẩm của ông đã được đăng tải: truyện ngắn “Ông Năm Chuột”.

Ngày 6/1/1958, Bộ Chính trị TƯ Đảng Lao động VN ra nghị quyết “Về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ”. Chính nghị quyết này đưa tới các đợt học tập chỉnh huấn cho văn nghệ sĩ tại ấp Thái Hà, được coi là cuộc đấu tranh tư tưởng và chấn chỉnh tổ chức các hội văn học nghệ thuật.

Phiên họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đầu tháng 7/1958 đã quyết định khai trừ vĩnh viễn Phan Khôi cùng 2 người khác (Trương Tửu, Thụy An).

Cuối năm 1958, Phan Khôi lâm bệnh rồi qua đời tại nhà riêng ngày 16/1/1959. Hầu như chỉ có những người thân trong gia đình làm lễ tang đưa tiễn ông. Bia mộ ông tại nghĩa trang Hợp Thiện chỉ ghi bút danh Chương Dân, không ghi họ tên Phan Khôi, vốn đang là đối tượng công kích của dư luận chính thống. Qua những lần nghĩa trang Hợp Thiện bị thu hẹp diện tích (từ những năm 1960 bị san một phần làm bãi chiếu bóng, một phần làm cửa hàng lương thực phẩm, và đến giữa những năm 1970 bị chuyển đổi hoàn toàn thành đất cho nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư), ngôi mộ Phan Khôi bị mất dấu tích mãi mãi.

Các bài báo của Phan Khôi những năm 1948-1958 hầu hết đều đăng các tờ báo của đoàn thể, của nhà nước, như Văn nghệ, Văn, Nhân dân, Cứu quốc, Tiền phong, Tập san Văn Sử Địa, Tập san Đại học sư phạm; chỉ duy tờ Nhân văn do ông đứng tên chủ nhiệm là báo tư nhân.

Dưới đây là đôi nét về một số tờ báo, tạp chí mà Phan Khôi có đăng tải tác phẩm.

– Văn nghệ (1948-1957) là tạp chí của Hội Văn nghệ Việt Nam, xuất bản tại Việt Bắc từ năm 1948, ban đầu dưới dạng tạp chí ra hàng tháng, tuy kỳ hạn không đều; khoảng 1951-52 có lúc chuyển dạng thành báo khổ rộng (khổ A3) ra hàng tuần, nhưng nhanh chóng trở lại dạng tạp chí; từ tháng 3/1948 đến tháng 10/1954 xuất bản tại Việt Bắc được 56 số. Trở về Hà Nội, Văn nghệ chuyển đổi thể tài, từ 10 ngày/1 số rồi định hình ở dạng tuần báo; đến số 162 (1.3.1957) thì tạm ngừng, ngay sau bế mạc đại hội văn nghệ lần hai. Tháng 6.1957, Tạp chí Văn nghệ lại tái xuất hiện dưới dạng tạp chí ra hàng tháng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đánh số từ 1 nhưng ghi rõ trên manchette là tờ tạp chí “xuất bản từ 1948 trong kháng chiến”. Tạp chí này sẽ ngừng xuất bản vào tháng 4.1963 (số 71) để hợp nhất với tuần báo Văn học (của Hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản 25.5.1958) thành tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Phan Khôi có bài đăng tạp chí Văn nghệ ngay từ số 3 (tháng 6&7/1948), nhưng các công việc nghiên cứu và dịch thuật của ông chỉ xuất hiện thưa thoáng trên tạp chí này thời gian ở Việt Bắc. Trở về Hà Nội, Văn nghệ đổi sang dạng tuần báo, Phan Khôi cộng tác với báo này nhiều hơn, chủ yếu là loại bài nghiên cứu, ví dụ giới thiệu về nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn, nhà thơ miền Nam Nguyễn Đình Chiểu, v.v. Tháng 8/1956, ông trở lại viết các bài tiểu phẩm châm biếm đăng trong mục “Mũi nhọn” của báo Văn nghệ, với bút danh Tơ-Hông-Re-O, nhắc nhớ cái tên Thông Reo nổi tiếng với văn tiểu phẩm hài đàm đậm chất giọng miền Nam trên báo chí Sài Gòn những năm 1930s. Sang năm 1957, khi Văn nghệ tái xuất hiện ở dạng tạp chí, Phan Khôi cũng góp mặt trên ấn phẩm này một lần, với bản dịch bài tạp văn Lỗ Tấn: “Chúng ta không bị lừa lần nữa đâu” (Tạp chí Văn nghệ, s. 6, tháng 11/1957).

– Văn (1957-1958) là tuần báo của Hội Nhà văn Việt Nam, số 1 ra ngày 10.5.1957, tòa soạn tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, chủ nhiệm báo là Nguyễn Công Hoan, thư ký tòa soạn là Nguyên Hồng. Các bài đăng tuần báo Văn bị tạp chí Học tập (Trịnh Xuân An, Hồng Chương) phê phán là “không thể hiện được con người thời đại”, “đi trệch hướng”, khiến các nhà văn đứng sau tuần báo Văn cự tuyệt và lên tiếng tranh luận, cuối cùng, bị xử ép, tuần báo Văn phải ngừng lại mãi mãi sau số 37 (17.1.1958).

Phan Khôi có đăng ở tuần báo Văn duy nhất truyện ngắn “Ông Năm Chuột” (s. 36, ngày 10.1.1958), nhưng trong năm 1957 có thể thấy ông tham dự không ít những cuộc thảo luận về văn thơ tại tòa soạn tuần báo này.

– Tiền phong (từ 1953) là cơ quan của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam, thành lập tại Việt Bắc, số 1 (16.11.1953); sau tiếp quản, về Hà Nội, tiếp tục xuất bản, định hình dạng tuần báo ra ngày thứ sáu, từ số 31 (7.1.1955); chủ nhiệm Nguyễn Lam, thư ký tòa soạn Nguyễn Thanh Dương. Phan Khôi có tác phẩm duy nhất đăng tuần báo này trong năm 1955 là bản dịch truyện ngắn “Lý Tú Lan” của tác giả Trung Quốc Hồng Lâm.

– Tập san Văn Sử Địa (1954-1959) là tập san nghiên cứu của Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (gọi tắt là Ban Văn Sử Địa) trực thuộc BCH TƯ Đảng Lao động VN, thành lập theo quyết định số 34/NQ/TW ngày 2.12.1953 của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Trưởng Ban Văn Sử Địa, Trần Huy Liệu đồng thời là chủ nhiệm tập san này. Đây là ấn phẩm ra hằng tháng, từ số 1 (tháng 6.1954) đến số 48 (tháng 1.1959). Ban Văn Sử Địa được xem là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tập san Văn Sử Địa cũng có vai trò là tiền thân của các tạp chí hiện hành của các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phan Khôi là một trong những cộng tác viên tích cực của Ban Văn Sử Địa ngay từ những ngày đầu. Tuy ông chỉ góp một bài về tìm tòi sử liệu qua ngôn ngữ (đăng 3 số đầu tiên) nhưng khi trở về Hà Nội, ông còn tiếp tục nhận lời với ban nghiên cứu này để viết cung cấp tư liệu về những sự kiện mà ông đã từng tích lũy tài liệu và viết nghiên cứu, như vụ xin xâu 1908 ở Quảng Nam, hoặc khởi nghĩa Duy Tân 1916.

– Tập san Đại học Sư phạm (1955-1956) là tập san nghiên cứu mà Ban biên tập là Hội đồng giáo sư phụ trách hai trường Đại học sư phạm văn học và Đại học sư phạm khoa học; thư ký tòa soạn: Trần Đức Thảo, các ủy viên thường trực: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Thiêm. Xuất bản 3 tháng/kỳ, tồn tại trong hai năm, ra được 7 số, tập san Đại học sư phạm cùng với tập san Văn Sử Địa, là hai tạp chí đều kỳ đầu tiên về khoa học xã hội dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phan Khôi chỉ gửi đăng tập san này một bài, nhân phê bình cuốn Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe, ông nêu ra những phân tích sâu sắc về các giá trị ở kiệt tác nôm của Nguyễn Du.

– Tuần báo Nhân văn (1956) là tuần báo văn hóa, ấn phẩm tư nhân của một nhóm nhà báo nhà văn, nghệ sĩ, gồm: Phan Khôi (chủ nhiệm), Trần Duy (thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày), Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, và một số nhà văn khác; số 1 (20.9.1956); số 2 (30.9.1956); số 3 (15.10.1956); số 4 (5.11.1956); số 5 (20.11.1956); số 6 đang in thì bị cấm; toàn bộ các số báo bị cấm lưu giữ trên toàn miền Bắc.

Theo những người trong cuộc kể lại, Phan Khôi được mời làm chủ nhiệm để lấy uy tín trước công chúng, còn việc tổ chức bài vở các số báo là do Nguyễn Hữu Đang chủ trì, có sự tham gia của Lê Đạt, Hoàng Cầm...; họa sĩ Trần Duy vừa làm công việc thư ký toàn soạn, vừa đảm nhận việc lên khuôn, trình bày tờ báo, làm việc với nhà in, với các đại lý phát hành.

Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của tờ báo, Phan Khôi chỉ đăng một bài ở Nhân văn số 1. Ông đi Trung Quốc chừng trên một tháng, từ 16.10.1956, đến khi ông trở về thì báo cũng sắp bị cấm. Tuy vậy, Phan Khôi không khi nào từ chối trách nhiệm đã đứng tên chủ nhiệm tờ báo này.

– Ngoài các tờ báo và tạp chí trên, Phan Khôi còn có bài đăng các báo khác, như Nhân dân (cơ quan của Đảng Lao động VN, ra số 1: ngày 11.3.1951), Cứu quốc (cơ quan của Mặt trận Việt Minh-Liên Việt, ra số 1: ngày 25.1.1942). Các sưu tập những tờ báo trên hiện bị mất mát khá nhiều nên hầu như tôi chưa biết chính xác, chưa tìm được văn bản các bài Phan Khôi đăng trên các tờ báo ấy, tuy dự đoán là chỉ có rất ít.

***

Về các công bố ở dạng sách in. Những năm 1948-1958, Phan Khôi cho xuất bản khá nhiều sách; có nhiều cuốn là ấn phẩm nhỏ, ít trang, đôi khi thực hiện bằng in li-tô (viết chữ ngược lên mặt đá phẳng rồi áp giấy lên, thành ra trang in); cơ quan đứng tên xuất bản không nhất thiết là nhà xuất bản chuyên nghiệp.

– Hội Văn hóa Việt Nam. Ban ngôn ngữ văn tự đã đứng tên xuất bản các cuốn nghiên cứu ngôn ngữ của Phan Khôi như Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ nôm (Việt Bắc, 1949); Tìm tòi trong tiếng Việt (Việt Bắc, 1950); Phân tích vần quốc ngữ (Việt Bắc, 1950).

– Vụ văn học nghệ thuật (trực thuộc Bộ Giáo dục) đã đứng tên xuất bản bản dịch của Phan Khôi: Chủ nghĩa Mác về vấn đề ngôn ngữ học [nghị luận của J. Stalin, Phan Khôi dịch] (Việt Bắc, 1951).

– Sở Văn nghệ trung ương (thuộc Nha Tuyên truyền và văn nghệ trung ương) đứng tên xuất bản dịch phẩm của Phan Khôi: Thù làng [truyện của Mã Phong, Trung Quốc, Phan Khôi dịch] (Việt Bắc, 1952; Khu văn nghệ tuyên truyền LK5 tái bản, 1953).

– Nhà xuất bản Văn nghệ, thuộc Hội văn nghệ Việt Nam, vốn có nguồn từ bộ phận xuất bản của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, hoạt động tại Hà Nội những năm 1945-46. Khi một số thành viên Hội Văn hóa cứu quốc tản cư từ Hà Nội lên Việt Bắc, họ đã chủ trương ra tạp chí Văn nghệ cùng lúc với việc lập nhà xuất bản Văn nghệ, coi đây là cơ sở hoạt động của Hội văn nghệ Việt Nam (thành lập tháng 7/1948). Trở về Hà Nội (cuối 1954), khi Hội nhà văn Việt Nam lập ra Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (1957), thì Nhà xuất bản Văn nghệ tạm ngừng hoạt động, một số nhân sự cũ chuyển sang Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, một số khác được giao chuẩn bị lập Nhà xuất bản Văn hóa thuộc Viện Văn học. Năm 1958, trong việc chỉnh đốn tổ chức, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định giải tán Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đưa các nhân sự của nhà xuất bản này hợp nhất với số nhân sự của Nhà xuất bản Văn nghệ cũ để lập ra Nhà xuất bản Văn học (trụ sở 38A Hai Bà Trưng, rồi 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) trực thuộc Hội. Đó là tính đến 1958.

Nhà xuất bản Văn nghệ đã đứng tên xuất bản các cuốn sách của Phan Khôi như: Ánh lửa đằng trước/ truyện chiến đấu của Lưu Bạch Vũ, Trung Quốc, Phan Khôi dịch/ (Việt Bắc, 2 tập: 1954); Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn/ Phan Khôi dịch/ (Hà Nội, 1955); Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn /Phan Khôi dịch/ (Hà Nội, 1956); ngoài ra còn một số cuốn sách dịch khác, trong đó bản dịch của Phan Khôi in chung với dịch phẩm của các dịch giả khác: Anh Hai Đen lấy vợ/ tập truyện, Triệu Thụ Lý, Trung Quốc/ (Hà Nội, 1956); đáng kể nhất là việc Nxb. Văn nghệ đứng tên xuất bản cuốn khảo luận ngữ học của Phan Khôi Việt ngữ nghiên cứu (Hà Nội, 1955).

– Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (1957-58) do Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa I thành lập, hoạt động đến giữa năm 1958 thì bị giải thể; mãi đến năm 1976 mới được thành lập lại. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã đứng tên xuất bản một số cuốn sách của Phan Khôi như: Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, tập II /Phan Khôi dịch/ (Hà Nội, 1957); Tuyển tập thơ, truyện Maxim Gorki / nhiều người dịch, trong đó có Phan Khôi/ (Hà Nội, 1957);

– Nhà xuất bản Minh Đức (1946 – 1958) là cơ sở xuất bản tư nhân của ông Trần Thiếu Bảo, đã hoạt động ở Hà Nội từ 1946. Những năm kháng chiến, Trần Thiếu Bảo hoạt động làm sách ở Thanh Hóa, Thái Bình, có lúc kết hợp với một tư nhân khác (lấy tên nhà xuất bản Minh Đức – Thời Đại). Những năm 1955-57 Minh Đức xuất bản tại Hà Nội khá nhiều sách, thuộc nhiều loại, từ hiểu biết xã hội chính trị phổ thông đến tiểu thuyết, biên khảo, bản nhạc.(17) Nhà Minh Đức bị coi là đã in những ấn phẩm chính trong “vụ Nhân văn – Giai phẩm” như các tập sách “Giai phẩm mùa xuân” (tháng 1/ 1956, bị thu hồi và cấm; tháng 8 được in lại thành “Giai phẩm mùa xuân 1956”), “Giai phẩm mùa thu 1956, tập I”, “Giai phẩm mùa thu 1956, tập II”, “Giai phẩm mùa thu 1956, tập III”, “Giai phẩm mùa đông 1956”, “Sách Tết 1957”, “Đất mới, chuyện sinh viên”. Kết thúc việc thanh trừng “vụ Nhân văn – Giai phẩm”, ông Trần Thiếu Bảo bị truy tố và lĩnh án tù; nhà xuất bản Minh Đức bị giải tán; từ 1958 trên toàn miền Bắc chỉ còn lại các nhà xuất bản nhà nước hoặc đoàn thể, mọi loại hình xuất bản tư nhân đều bị cấm.

Phan Khôi có bài in trong các cuốn: Giai phẩm mùa thu 1956, tập I (Nxb. Minh Đức, Hà Nội, tháng 9/1956), Giai phẩm mùa thu 1956, tập II (Nxb. Minh Đức, Hà Nội, tháng 9/1956), Vũ Trọng Phụng với chúng ta (Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1956), Giai phẩm mùa thu 1956, tập III (Nxb. Minh Đức, Hà Nội, tháng 11/1956), Sách Tết 1957 (Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957).

(Rút từ bản thảo "Tìm hiểu tác giả Phan Khôi", chuyên đề nghiên cứu, chưa in)

Xem thêm
Câu chuyện thứ chín: Cái hộp nước 'biết nói'

Hộp nước uống thì chắc chắn không có gì lạ, chúng ta vẫn trông thấy đâu đó hằng ngày. Nhưng có một cái hộp bằng giấy thân thiện môi trường khá lạ và ấn tượng, nhãn hiệu Elix.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Doanh nghiệp vì cộng đồng 2024: Dấu ấn tự hào của Syngenta Việt Nam

Syngenta Việt Nam vừa được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” tại sự kiện Saigon Times CSR 2024 vì những đóng góp tích cực trên hành trình thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.