| Hotline: 0983.970.780

Pháp đóng cửa 'trường tài năng' đào tạo cán bộ nguồn

Thứ Ba 13/04/2021 , 09:48 (GMT+7)

Đó là ngôi trường từng tạo bệ phóng đưa Tổng thống Emmanuel Macron vào giới tinh hoa chính trị của nước Pháp.

Ông Emmanuel Macron (bên trái) khi còn là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của Tổng thống François Hollande. Ảnh: AFP.

Ông Emmanuel Macron (bên trái) khi còn là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của Tổng thống François Hollande. Ảnh: AFP.

Mất 2 năm lúc nói bóng gió, lúc trực tiếp lúc gián tiếp, cuối cùng thì ông cũng đi đến quyết định đóng cửa ngôi trường này. 

Ecole Nationale d'Administration - Trường Quản lý quốc gia (ENA) luôn được xem như địa chỉ chỉ có học viên tài năng dám ghi danh. Nó luôn nằm trong tốp 10 trường đào tạo phi hệ thống bằng cấp, nhưng có đẳng cấp hàng đầu thế giới, với tấm chứng chỉ đảm bảo cho người sở hữu đăng ký vào bất kỳ vị trí lãnh đạo nào từ doanh nghiệp hàng đầu đến chính quyền của một quốc gia.

Qua nhiều thế hệ, từng có nhiều tài năng sở hữu “giấy thông hành” của ENA để lên đến đỉnh cao tinh hoa chính trị nước Pháp, như các Tổng thống Jacques Chirac, François Hollande hay người đương nhiệm Macron.

Nay thì nó chính thức bị đóng cửa, trong một kế hoạch cải tổ sâu rộng nền giáo dục nhằm nâng cao tính phổ quát, quân bình và linh hoạt trong 2 khâu then chốt gồm đào tạo và tuyển dụng.

“Không (thể để) một ai phải nói rằng, vị trí đó không dành cho tôi”, ông Macron tuyên bố tại Nantes hồi tháng 2, nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần cơ có chế mở cho tất cả những người từ tầng lớp bình dân nhất nếu có tham vọng tham gia hệ thống chính trị thượng tầng. Tổng thống Macron tuyên bố đây sẽ là “cuộc cách mạng nền tảng về tuyển dụng công”.

2 năm trước, phong trào “áo vàng” trỗi dậy đã thách thức nhiệm kỳ đầu tiên tưởng như sẽ suôn sẻ của vị Tổng thống trẻ Macron.

“ENA không phản ánh giá trị của xã hội Pháp. Ai đó sẽ không còn cơ hội “nhảy” vào ủy ban nhà nước các cấp khi mới 25 tuổi. Học xong họ cần trải qua các công việc thừa hành, qua nhiều năm phấn đấu mới được cất nhắc”, Tổng thống Emmanuel Macron nói trong một bài phát biểu thu trước nhằm thỏa hiệp với sự bất bình của phong trào “áo vàng”.

Những người biểu tình thuộc tầng lớp bình dân đô thị và nông dân thoạt đầu chỉ tức giận vì thuế nhiến liệu tăng cao nhưng đã nhanh chóng khơi rộng thành một phong trào phản kháng xã hội rộng lớn mà nguồn cơn chính là bất bình đã âm ỉ lâu về việc giới tinh hoa thượng tầng chính trị Pháp ngó lơ những nhu cầu sát sườn nhất của cộng đồng, đặc biệt ở vùng ngoài đô thị.

Tổng thống Macron cảm nhận được tâm lý xã hội này khi sắp đến năm cuối nhiệm kỳ thứ nhất (ông nhậm chức năm 2017).

Quyết định hành động của ông khởi động từ giáo dục, và ENA được chọn đầu tiên, như để phá băng quan niệm chỉ có trường này mới đảm bảo thành công trong chính trị.

Bản thân ông Macron đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Po trước khi kinh qua ENA rồi mới được nhận ngay vào một vị trí béo bở ở cơ quan Thanh tra Tài chính.

Được thành lập năm 1945, Tổng thống lúc đó là Charles de Gaulle trao cho ENA nhiệm vụ đào tạo lớp lãnh đạo kiểu mẫu mới để nhanh chóng đưa nước Pháp vực dậy sau Thế chiến 2. Thiết kế ban đầu chỉ là một cơ sở giáo dục tài năng, nhưng thống kế trong lịch sử hàng chục năm của ENA cho thấy, các lớp học viên đều có bố mẹ là công chức bậc cao hoặc các CEO. Thẳng hoặc mới có người từ tầng lớp lao động lọt vào ENA.

“Đó là trường học cho giới tinh hoa”, giáo sư chính trị học Jean-Michel Eymeri-Douzans hiện đang làm việc tại ENA thừa nhận. “Có văn hóa bất thành văn rằng ENA là thế giới của các gia đình đẳng cấp về văn hóa. Thậm chí, ai đó mới giàu, ai đó có thể tung cả đống tiền nhưng không “tỏa” được chút văn hóa của đẳng cấp thì cũng khó lòng trúng tuyển”.

Học viên giải lao trong khuôn viên ENA. Ảnh: Getty Images.

Học viên giải lao trong khuôn viên ENA. Ảnh: Getty Images.

ENA sẽ được thay thế bằng Viện Dịch vụ công với chủ trương đầu vào phổ quát và bình đẳng hơn, đơn giản, nhân bản và hiệu quả hơn.

Tiêu chuẩn tuyển chọn của ENA

Ứng viên nộp đơn bình quân 25 tuổi. Học bạ không chỉ loại ưu mà còn cần từ các trường đại học danh tiếng thường mới lọt qua khâu xét hồ sơ. Tỷ lệ nữ được tuyển chưa bao giờ vượt quá 1/3 số học viên bình quân 40 người được tuyển hàng năm.

Thí sinh phải tinh thông kiến thức về luật, kinh tế tài chính, quan hệ quốc tế và tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Mỗi kỳ thi gồm 2 khâu chính là viết và vấn đáp, mỗi khâu lại gồm nhiều nội dung khác nhau.

Thí sinh thường sợ nhất nội dung cuối là cuộc “đại vấn đáp”, bị “quay” bởi một hội đồng thì có quyền hỏi một chủ đề bất chợt, có khi là khoa học kỹ thuật, có khi là chính trị, thậm chí chỉ là đánh giá về một thể loại phim.

Chương trình học tại ENA kéo dài 20 tháng.

Giáo dục chỉ là một trong nhiều nội dung Tổng thống Emmanuel Macron muốn cải tổ trước khi tái tranh cử cho nhiệm kỳ mới vào năm 2022. Đó là nếp nghĩ chế độ biên chế suốt đời trong đội ngũ công chức, là tỷ lệ người nghèo và ô nhiễm môi trường. Ông đang muốn cổ súy cho cơ chế luân chuyển công tác, tuyển dụng linh hoạt để phá sức ỳ của bộ máy công.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).