Nguyên nhân chính được xác định dẫn đến việc tranh chấp giữa người trồng lúa và nuôi tôm trong nhiều năm qua là do hệ thống thủy lợi còn quá bất cập, yếu kém. Do đó việc xây dựng một cách đồng bộ hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu là vấn đề cấp bách.
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, trong những năm qua tình hình thời tiết có xu hướng ngày càng cực đoan hơn. Trong năm 2012 mùa khô kéo dài làm cho mực nước trong vùng ngọt hóa của tỉnh hạ thấp, độ mặn trên hệ thống sông, rạch tăng cao gây khó khăn rất lớn cho công tác chống xâm nhập mặn bảo vệ SX.
Vào đầu mùa mưa thường xuyên xảy ra hạn cục bộ, nguồn nước phục vụ cho công tác cải tạo đất như: rửa phèn, rửa mặn rất hạn chế, không đảm bảo yêu cầu phục vụ SX, đặc biệt là trên diện tích lúa - tôm. Còn khi bước vào mùa mưa thì lại xảy ra tình trạng ngập úng, nước biển dâng cao gây ngập tràn trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến việc SX lúa trên đất nuôi tôm (năm 2012 thiệt hại 2.833 ha, ước thiệt hại kinh tế 2,28 tỷ đồng).
Trước đó, Cà Mau quy hoạch hai vùng SX trọng điểm là Nam và Bắc Cà Mau, với 23 tiểu vùng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm và trồng lúa. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh này, ở hai vùng Nam và Bắc có khoảng 2.050 tuyến kênh tạo nguồn, chủ yếu là kênh cấp 2, cấp 3, với chiều dài hơn 8.110 km, hơn 100 cống ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn… Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn chưa thể kiểm soát được nguồn nước phục vụ SX. “Cuộc chiến mặn - ngọt” giữa con tôm và cây lúa ở vùng Bắc Cà Mau gồm 2 huyện là Trần Văn Thời và U Minh (khoảng 90.000 ha) vẫn chưa hồi kết.
Hệ thống cống thủy lợi còn quá bất cập
Ông Tô Quốc Nam, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau khẳng định, hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập, chưa khép kín nên khâu vận hành, xử lý, kiểm soát nguồn nước và môi trường nước để phục vụ theo yêu cầu SX vẫn chưa thể chủ động được.
Ông Nguyễn Long Hoai cho biết thêm, theo quy hoạch giai đoạn 2000 đến năm 2010 cho vùng Bắc 204 ha, vùng Nam 214 ha. Giai đoạn này cần nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên do thiếu vốn nên trong 10 năm thực hiện chỉ làm được khoảng 25%.
Xây dựng hệ thống thủy lợi “2 trong 1”
Theo ngành nông nghiệp địa phương, xuất phát từ việc quy hoạch hai vùng SX trọng điểm là Nam và Bắc Cà Mau. Vì vậy cần phải xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nhằm đảm bảo cùng lúc phục vụ được cho hai việc là trồng lúa và nuôi tôm.
Ở vùng Bắc, thủy lợi đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho việc SX lúa và nuôi trồng thủy sản hệ nước ngọt, còn ở vùng Nam thủy lợi phải đáp ứng được cho SX lúa và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi sẽ đảm bảo được việc kiểm soát nguồn nước mặn - ngọt phù hợp với từng thời điểm mùa vụ SX. Theo đánh giá, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu này sẽ thúc đẩy mô hình SX luân canh lúa - tôm phát triển mạnh mẽ. Tạo ra được bước đột phá mới cho SX ngư - nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Trao đổi với NNVN, ông Tô Quốc Nam, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, để xây dựng được hệ thống thủy lợi hiện đại, đáp ứng được như cầu SX thực tế, địa phương này cần nguồn vốn trên dưới khoảng 14 ngàn tỷ đồng để hoàn thiện. Do đó rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương.
Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi Cà Mau sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống đê biển Tây, đê Sông Đốc, đê Cái Tàu và đê Sông Trẹm nhằm ngăn mặn, chồng tràng. Đồng thời sẽ hoàn thiện tất cả hệ thống cống ở tuyến đê Sông Đốc và đê Biện Nhị. Thi công xây dựng 2 cống T25 và T29 trên đê biển Tây để tiêu úng cho huyện U Minh.
Đối với hệ thống thủy lợi ở Quản lộ Phụng Hiệp sẽ cho khép kín lại tất cả các trục hở, kết hợp với hệ thống cống hiện có (6 cái) sẽ làm chậm mặn nhằm phục vụ cho việc thu hoạch lúa lấp vụ 2, lúa mùa, lúa - tôm. Và hỗ trợ làm chậm mặn hơn 20 ngày cho tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Những vùng còn lại được tập trung sên vét và phát triển mô hình ô thủy lợi giữ ngọt phục vụ cho những cánh đồng mẫu lớn (mỗi ô từ 300 - 500 ha).
Còn đối với vùng nam Cà Mau, tập trung sên vét và phát triển các ô thủy lợi phục vụ cho SX lúa trên đất nuôi tôm, đẩy lùi nạn triều cường nước dâng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc xây dựng hệ thống thủy lội đa mục tiêu là giải pháp hữu hiệu nhất để giải việc việc tranh chấp mặn - ngọt trong vùng bán đảo Cà Mau. Cũng như đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho khu vực SX lúa trong vùng được ổn định.