| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng gỗ lớn phục vụ chế biến xuất khẩu

Thứ Hai 10/08/2020 , 05:54 (GMT+7)

Hòa Bình xác định trồng rừng gỗ lớn là hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp địa phương.

Một xưởng chế biến gỗ nguyên liệu ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Một xưởng chế biến gỗ nguyên liệu ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Tiềm năng từ trồng rừng gỗ lớn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bìnhvừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp phát triển rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Tại hội nghị, ông Quách Đại Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: Hiện về mặt lí thuyết để có thể cung cấp được 2 triệu m3 gỗ lớn cho chế biến sản phẩm đồ gỗ, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30.000 ha rừng trồng gỗ lớn đưa vào khai thác. Như vậy với chu kỳ 12 năm với cây sinh trưởng nhanh thì phải phát triển và duy trì được 360.000 ha rừng trồng gỗ lớn.

Một thực tế hiện nay là việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác, đặc biệt từ các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời nhiều thị trường xuất khẩu gỗ có độ rủi ro cao do luôn thay đổi chính sách xuất khẩu; mặt khác việc nhập khẩu gỗ sạch có nguồn gốc và chứng chỉ rõ ràng cũng sẽ đẩy giá thành sản phẩm nên cao.

Do đó, việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới có thể sẽ giảm dần, thay vào đó cần phải đẩy mạnh nguồn cung trong nước để đảm bảo an ninh nguyên liệu cho tăng trưởng ngành chế biến gỗ, góp phần hạ giá thành sản phẩm là hướng đi trong giai đoạn tới.

Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình, thời gian qua, Hòa Bình áp dụng mô hình trồng rừng gỗ lớn có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại chu kỳ từ 10 – 12 năm đạt 200 - 300 triệu đồng/ha.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trung bình mỗi năm tỉnh có khoảng 300ha gỗ nhỏ chuyển sang gỗ lớn, 6.000ha trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao và 3 mô hình sản xuất được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) năng suất rừng trồng tăng lên 3 năm, sản lượng gỗ đạt 150m3/ha…

Bên cạnh đó, giảm dần nguyên liệu thô sang sản phẩm sơ chế. Thu hút đầu tư các ngành, các nhà máy chế biến lớn, các khu công nghiệp tập trung, quy hoạch rừng sản xuất và liên kết vùng nguyên liệu tập trung, phát triển các trang trại nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, đa dạng hàng hóa, sản phẩm gắn với thị trường và tiêu thụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị…

“Đây là cơ hội cho các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn cung cấp đồ gỗ xuất khẩu và tiếp cận với các thông tin, khoa học kỹ thuật. Hơn nữa, qua hội nghị chúng ta chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển nghề trồng rừng gỗ lớn”, ông Nhuận nói.

Nhiều ý kiến sôi nổi tại diễn đàn Ảnh: Trần Hồ. 

Nhiều ý kiến sôi nổi tại diễn đàn Ảnh: Trần Hồ. 

Ông Bùi Văn Minh ở xã Tử Nê (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) có 2ha tham gia trồng rừng gỗ lớn, được hỗ trợ hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật từ cách trồng, cách chăm sóc, bón phân…

“Trước tôi chủ yếu trồng giống keo giâm hom. Sau chu kỳ 5 năm thu hoạch bán được khoảng 100 triệu đồng. Hiện tôi đang trồng giống keo nuôi cấy mô cho năng suất, chất lượng cao; cây sinh trưởng nhanh gấp 2 lần, đồng đều, ít sâu bệnh. Thời gian trồng thành rừng gỗ lớn sau khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với giống keo cũ”, ông Minh tin tưởng.

Hướng phát triển rừng gỗ lớn hiệu quả

Nói về hướng phát triển rừng gỗ lớn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra nhận định: Thứ nhất trồng thưa, để sau này có gỗ lớn và kết hợp trồng cây ngắn ngày để tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích. Thứ hai, trồng dày ưu điểm là cây lên thẳng, ít nhánh, vốn đầu tư cao, mất thời gian tỉa, một năm tỉa 1 lần và trồng cây gỗ lớn kéo dài 12 năm, nên rủi ro cũng lớn vì thiên tai, hỏa hoạn… và chu kỳ quay vòng vốn cũng lớn nhưng lợi nhuận tăng lên. Phụ thuộc vào cách tính toán, điều kiện kinh tế từng hộ gia đình, chúng ta cần tính toán đầu tư cho phù hợp. Bên cạnh đó, rừng phục vụ cho xuất khẩu, muốn vào Châu Âu cần có chứng chỉ rừng trồng, đồng thời phải đủ 4 tiêu chí xanh, sạch, thông minh và nhân văn...

Các chuyên gia chia sẻ mô hình sản xuất giống bằng công nghệ mô lai tạo ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Các chuyên gia chia sẻ mô hình sản xuất giống bằng công nghệ mô lai tạo ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

"Cần tiếp tục đầu tư kinh phí, nghiên cứu, lai tạo các giống mới để đảm bảo hiệu quả cho bà con nông dân, chú ý năng suất, chất lượng, hiệu quả. Yêu cầu giống phát triển nhanh; tỷ lệ sống cao; kháng bệnh tốt; giá thành hạ; chất lượng gỗ tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình hay; hiệu quả, phát triển bền vững để giúp người nông dân tăng thu nhập”, ông Tiêu nhấn mạnh.

Ông Hoàng Liên Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp phân tích: Hiệu quả đầu tư trồng rừng được thể hiện qua tỷ lệ thu nhập so với chi phí (BCR) với 1 đồng chi phí đầu tư sẽ thu về được 1,49 đồng doanh thu. Do vậy, hoạt động trồng rừng đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, hình thức liên kết kinh doanh rừng trồng là khả thi và nên duy trì phát triển. 

“Giống quyết định 60% thành công trong trồng rừng. Để phát triển rừng trồng bền vững, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng các loài cây mọc nhanh phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao giống vào sản xuất, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống”, ông Trần Duy Hưng, Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.