| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sâm Ngọc Linh trên đất Mù Cang Chải

Thứ Tư 01/04/2020 , 11:35 (GMT+7)

Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 82.868 ha rừng, trong đó 60.088 ha rừng tự nhiên, 20.240 ha rừng trồng, nằm trên độ cao từ 900 - 2.900m.

Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng phát triển tốt trên Mù Cang Chải.

Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng phát triển tốt trên Mù Cang Chải.

Từ lâu rừng Mù Cang Chải là kho thuốc quý vô tận trong các khu rừng Chế Tạo, Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt. Dự án phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ mang lại công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động...

Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải hiện vẫn còn rất lớn, tập trung ở các xã: Chế Tạo, Púng Luông, Dế Xu Phình, Nậm Khắt, Cao Phạ, La Pán Tẩn…Rừng nơi đây có hàng ngàn loại cây thuốc quý: Thảo quả, đương quy, nhân sâm, thông đất, lan kim tuyến, tam thất hoang, cây ruột gà, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa…tiềm năng rất lớn để phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

Bí mật trồng sâm Ngọc Linh

Anh Phạm Tiến Lâm- Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT Mù Cang Chải kể: Năm 2007 khi đó tôi đang là chuyên viên phụ trách nông nghiệp Văn phòng UBND huyện, tham gia oàn công tác của UBND tỉnh Yên Bái vào thăm khu vực trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam, khi về đoàn được tặng 24 củ sâm bằng ngón tay út.

Ông Vũ Lê Chung Anh, công tác ở UBND tỉnh, nay là Chủ tịch huyện Trạm Tấu bây giờ đã giao cho tôi số củ sâm đó đề nghị mang lên trồng trên rừng Mù Cang Chải.

Đoàn công tác sở NN-PTNT Yên Bái và huyện Mù Cang Chải thăm vườn sâm Ngọc Linh.

Đoàn công tác sở NN-PTNT Yên Bái và huyện Mù Cang Chải thăm vườn sâm Ngọc Linh.

Tôi giao cho ông Lý Chồng Di, Phó Chủ tịch xã La Pán Tẩn mang số củ sâm đó lên khu rừng Kháo Nhà thuộc đất rừng Khau Phạ trồng dưới tán rừng già. Khu rừng nằm trên độ cao 1.800- 2.200m, để đến được khu rừng đó chúng tôi phải đi bộ mất 5 giờ đồng hồ mới tới nơi.

Trồng được ít lâu ông Di dẫn tôi và anh Nguyễn Anh Phương, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải lên kiểm tra thấy cây nảy mầm phát triển tốt. Địa điểm trồng chỉ có 3 người biết, tuyệt nhiên không tiết lộ cho bất cứ ai.

Sau khi thấy cây sâm Ngọc Linh sống và phát triển tốt trên đất núi rừng Mù Cang Chải lúc đó ông Phạm Tiến Lâm mới báo cáo lãnh đạo huyện.

Ngày 25/2/2015, sau hơn 7 năm trồng sâm đoàn công tác do ông Vũ Tiến Đức- Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải dẫn đầu đoàn công tác cùng một số người có trách nhiệm của xã La Pán Tẩn lên kiểm tra khu vực trồng sâm.

Củ sâm dài 13 cm trồng ở rừng Mù Cang Chải.

Củ sâm dài 13 cm trồng ở rừng Mù Cang Chải.

Quá bất ngờ, hơn 20 cây sâm đều sống và phát triển tốt, nhiều cây có quả, hạt rụng xuống mọc xung quanh gốc rất nhiều cây con, mọi người đếm được hơn 100 cây. Đoàn công tác quyết định nhổ 3 cây để báo cáo UBND tỉnh. Củ sâm to nhất bằng ngón tay cái, dài 13cm.

Tin trồng sâm Ngọc Linh trên núi Kháu Nhà lộ ra, hơn một tháng sau ông Phạm Tiến Lâm và Lý Chồng Di lên kiểm tra thì không còn một cây, tất cả đều bị đánh trộm, kể cả những cây con.

Ông thở dài: Tiếc quá, nhưng tôi đoán bà con đánh những cây con đó trồng ở trên rừng mà chúng ta không biết. Những cây con đó chưa có giá trị nên chỉ trồng thôi…

Tầm sư học đạo

Hạt sâm đang nảy mầm.

Hạt sâm đang nảy mầm.

Chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái chấp thuận.

Năm 2019 tỉnh Yên Bái tổ chức đoàn công tác gồm lãnh đạo Sở Nông nghiêp-PTNT, huyện Mù Cang Chải và đại diện 3 xã: Chế Tạo, Nậm Có, La Pán Tẩn tới thăm Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam.

Trong quá trình tham quan, khảo sát các đại biểu nhận thấy nơi sâm Ngọc Linh sinh sống và phát triển có độ cao, đất đai và tiểu vùng khí hậu tương đồng với nhiều khu rừng ở Mù Cang Chải, nhất là việc trồng bí mật hơn 20 cây sâm Ngọc Linh năm 2007 ở Kháu Nhà khẳng định Mù Cang Chải trồng và phát triển được cây sâm Ngọc Linh.

Anh Phạm Ngọc Lâm (trái) giới thiệu ươm giống sâm Ngọc Linh.

Anh Phạm Ngọc Lâm (trái) giới thiệu ươm giống sâm Ngọc Linh.

Trong chuyến đi ấy đoàn công tác được Trạm dược liệu Trà Linh tặng 12 hạt giống sâm Ngọc Linh, ông Phạm Tiến Lâm đã mang đất từ đó về để tiến hành gieo ươm.

Ông cho biết: Hiện đã nở 8 hạt, mỗi ngày tôi phải cho vào trong tủ lạnh 7 phút sau đó mới đưa vào trong tủ khóa lại. Mình giữ nó còn kỹ hơn cả vàng…

Dự án Trồng cây dược liệu dưới tán rừng Mù Cang Chải do ông Phạm Tiến Lâm xây dựng đã hoàn thành đang chờ tỉnh Yên Bái phê duyệt.

Dự án trồng 3 loại dược liệu chính: Sâm Ngọc Linh, Kim Tuyến (cỏ nhung), tam thất hoang. Tổng kinh phí của dự án 13,8 tỷ. Đây là số tiền khá lớn đối với huyện nghèo Mù Cang Chải.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Lâm, một số doanh nghiệp đã lên Mù Cang Chải khảo sát để phát triển cây dược liệu.

Khu rừng Kháu Nhà nơi trồng bí mật cây sâm Ngọc linh năm 2007.

Khu rừng Kháu Nhà nơi trồng bí mật cây sâm Ngọc linh năm 2007.

"Với lợi thế vùng núi cao Mù Cang Chải phải tìm ra con đường bứt phá để phát triển kinh tế. Từ cánh đồng Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải đã mời gọi được các nhà đầu tư đến trồng hoa hồng Pháp, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng chắc chắn sẽ có doanh nghiệp tới đầu tư. Đó chính là đòn bẩy để kinh tế Mù Cang Chải phát triển", ông Phạm Tiến Lâm chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.