| Hotline: 0983.970.780

Phố đèn đỏ ở đâu?

Chủ Nhật 06/05/2018 , 14:05 (GMT+7)

Con gái miền Tây nổi tiếng tóc dài da sáng. Sông nước phù sa, cây lành trái ngọt miên man. Dễ lấy chồng Đài Loan, lấy chồng Hàn Quốc, nói là để báo hiếu, thực chất các cô gái vùng đất ấy ngoan lành chịu thương chịu khó nên dễ vào tầm ngắm.

Nhà nào đông con gái (công nhận người ta đẻ dày, lơ mơ sinh học, còn hồn nhiên bảo đẻ hết trứng thì thôi), vì vậy, họ hay “đi làm ở Hà Nội”. Nghĩa ở đây ỡm ờ, tức là đi miệt ngoài, ở phía Bắc, có thể Hạ Long, Đồ Sơn, Quất Lâm… Đứa con này đi trước, thấy cái công việc này được được, về rủ em gái và con của lối xóm ra đi, thành làn sóng.

Ảnh có tính chất minh họa

Không biết từ bao giờ, ở quê miền Tây coi cái việc ở phố đèn đỏ là “đi học may”. Dần dần, người quê chấp nhận mặc nhiên gọi đích danh là con tôi đi cắt tóc gội đầu. Cũng chưa đúng nốt, có chỗ không cắt tóc gội đầu gì cả, chỉ ôm nhau vẹo ở dưới đèn đường, hay ở góc cây bãi biển, hay không cần xuất hiện, thấy một gian phố mờ mờ là có cánh đàn ông con trai mò tới. Nửa công khai nửa bí mật mà công khai nhiều hơn, các vị chức năng địa phương biết cả, ấy là chưa kể họ còn tự nguyện bảo kê cho, hàng tháng tiền đều, bà tú ông tú an tâm làm ăn, nhé nhé!

Một lần đã lâu, áng đã mười lăm năm (giờ thì chắc cái nơi tôi sẽ nhắc đến “phát triển vượt bậc” chứ chẳng chơi). Vâng, một lần vợ chồng tôi cùng hai người bạn đàn ông đến Quất Lâm. Không cần nói rõ thêm, chỉ thốt lên hai từ của địa danh ấy là thiên hạ ồ lên rồi. Cả bãi dài san sát những gian quán ăn uống và hành nghề đèn đỏ. Đông đúc, nhộn nhịp, hãi hùng. Bãi không xứng để bõ công đến tắm, nhà cửa lộn xộn tức mắt, ẩm thực cũng chẳng thú vị gì. Buổi tối, chồng già cặp tay vợ già đi dạo, không thấy ai chèo kéo chi, nếu đàn ông đi lẻ, biết tay ngay! Bỗng dưng có một đám “các cháu gái” hở hang cất lời chòng ghẹo: “Ông ơi, ông đi Quất Lâm mà ông mang bà theo thì chúng cháu xơ múi gì nữa cưa chứ!”. Ha ha ha, những tràng cười của mọi phía, kể cả của chúng tôi, vui đáo để!

Có câu chuyện để cười đau ruột chơi. Một ông cán bộ địa phương hay tán đề tài ca-ve với đám bạn chức sắc của mình, rằng nó giòn, nó thơm, nó không cần gia vị mà vẫn mê ly. Bà vợ nghe mãi tưởng các ông nói về món ăn có tên là ca-ve. Bà nói với ông chồng, giọng hình sự “Các ông là ích kỷ lắm đấy, cứ chấm mút một mình, hôm nào nhất định phải cho bà đây nếm món ca-ve đấy nhá”. Đành đưa vợ đi vào khi thuận tiện, không đi với gã bạn nào. Hôm ấy chỉ ông với bà, vào quán. Ông đánh mắt với “các cháu”, chúng tinh ý, biết ngay. Bà không cần tờ thực đơn, ngồi xuống hất hàm: “Cho mấy con ca-ve rán!”. Các cháu bụm miệng cười răm rắp, đem ra cùng lúc ba con chép chiên xù. Ông hất hàm lại: “Ở đây món này gọi là ca-ve rán, ăn đi, không hết gói về, đã gọi là phải cho ăn hết đấy”.

Có đàn ông là có phố đèn đỏ. Có đàn bà cơ nhỡ, ở phố đèn đỏ ấy cũng có cả những gian cho đàn bà muốn. Nhu cầu tự nhiên ngàn đời của con người. Vì sao ngày xưa trai năm thê bảy thiếp mà vẫn cần có nhà trò, con hát, cô đầu? Vì nhu cầu thiên hình vạn trạng của con người, không cứ đã cần thì gái kia phải thành vợ. Xã hội không vì vậy mà nhiều bệnh tật hơn, gia đình xào xáo hơn. Một công việc như mọi việc, bán cái mình có, trong chốc lát, hoặc trong ít năm, hoặc trong một quãng dài trước khi lưng vốn để làm một việc nghiêm chỉnh khác.

Đang bàn thảo dữ dội rằng có nên có phố đèn đỏ hay không? Các nước chung quanh họ đã có, không vì vậy mà họ là nước xấu, nước dở, nước nghèo, nước kém văn hóa. Thừa nhận một thực tế, nghĩa là chúng ta đã thực tế hơn, nền kinh tế thực sự thị trường hơn. Đừng làm bộ giả lơ, có mà như không, thương cho qua, giận lên thì ruồng bố, truy phục, lùa bắt. Có lý luận rằng, bật đèn xanh thì hỡi ơi, đông hết biết luôn. Xin thưa, đừng tưởng giờ chưa đông, cho tự do thì lẽ nào con gái xứ mình đèn đỏ hết?

Không phải nghề, bán thân không bao giờ là một nghề cả. Chỉ thuần một việc bất đắc dĩ mà thôi. Quản lý được, sẽ đánh thuế được và sẽ chăm sóc y tế cho họ được. Đừng sợ các con mình lớn lên sẽ ra vô phố đèn đỏ như đi chợ. Các ông bố bà mẹ sẽ có kinh nghiệm rèn con hơn, rằng người nghiêm ngắn không đi cái phố ấy làm gì. Đừng sợ, đàn ông nghiêm ngắn nhiều, những ông chồng lành mạnh không thường xuyên ham lạ và các cu cậu lớn lên, như mọi cu cậu trên đời, đi qua phố ấy hay không, tùy vào giáo dục, văn hóa và sự miễn dịch của mỗi nhà, mỗi người. Gì cũng sợ nhưng hóa ra, giờ ở xứ mình gì cũng có, kỳ lạ thật.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm