| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch bệnh chăn nuôi mùa lũ

Thứ Năm 21/08/2014 , 09:31 (GMT+7)

Lũ mang theo không ít những mầm bệnh nguy hiểm theo nguồn nước di chuyển từ nơi này đến nơi khác...

Hằng năm, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bồi đắp vùng hạ lưu, góp phần làm cho đất đai thêm màu mỡ, nguồn thủy sản cũng dồi dào. Nhưng lũ cũng mang theo không ít những mầm bệnh nguy hiểm theo nguồn nước di chuyển từ nơi này đến nơi khác, nhiều vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng lớn.

Sau khi lũ rút, cũng là thời điểm môi trường bị ô nhiễm nặng, vì vậy, đây là thời điểm đàn gia súc, gia cầm (GSGC) dễ bị dịch bệnh phát sinh trên diện rộng. Do đó, để chủ động ứng phó với công tác phòng chống dịch bệnh cho GSGC vô cùng quan trọng, cần tăng cường chăm sóc vật nuôi để tránh thiệt hại về kinh tế, góp phần ổn định SX.

Về vị trí, chuồng trại: Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần phải chủ động tôn cao nền chuồng, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa hoặc phải di dời GSGC lên những vùng đất cao, tránh ngập nước, tăng chất độn chuồng, tránh để vật nuôi nằm nơi ẩm ướt.

Thường xuyên 2 lần/tuần làm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường nhà ở, khu chăn nuôi, chuồng trại bằng các loại hóa chất như Biodine, Vickon hoặc các loại thuốc sát trùng trên thị trường, chú ý chọn loại thuốc sát trùng có phổ rộng để giết được nhiều loại vi khuẩn, vi sinh, nấm... thời gian tiêu diệt nhanh, hoạt lực kéo dài, chi phí thấp.

Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp khi dịch chưa kịp xảy ra, chủ động tấn công tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường đồng thời với việc áp dụng các biện pháp nâng cao sức khỏe vật nuôi, nâng cao sức chống chịu bệnh tật.
Khi mầm bệnh còn ở ngoài môi trường chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi các tác động lý, hóa được thực hiện qua biện pháp vệ sinh tiêu độc môi trường. Một khi chúng xâm nhập vào cơ thể vật nuôi và gây thành bệnh thì chi phí chữa trị rất tốn kém mà hiệu quả thường không cao.

Rắc vôi bột quanh chuồng, lối đi, hạn chế người ra vào chuồng trại. Không thải nước bẩn ra môi trường xung quanh. Nhà kho, các công trình phục vụ chăn nuôi cũng phải được bảo quản tốt, chủ động dự trữ nguồn thức ăn đầy đủ và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc. Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực để tiêu, thoát nước hạn chế được ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt.

Các biện pháp chăm sóc: Cần chăm sóc sức khoẻ cho GSGC thật tốt, có đủ thức ăn về số lượng và chất lượng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bổ sung thêm các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa khi thời tiết bất lợi.

Những vật nuôi già yếu và non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như bổ sung thức ăn tinh và các loại thức ăn dinh dưỡng khác để gia súc già mau chóng hồi phục sức khỏe, đối với những đàn gia cầm non phải có chế độ úm, đảm bảo nhiệt độ và thời gian úm để không bị hao hụt và phát triển bình thường. Nước uống phải sạch và đầy đủ, không để vật nuôi uống nước bẩn.

Theo dõi sức khoẻ vật nuôi hằng ngày, nếu thấy có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly, có biện pháp điều trị hoặc báo ngay cho cơ sở thú y gần nhất có biện pháp xử lý, tránh lây lan mầm bệnh.

Đối với trâu, bò: Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với heo: Tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng phó thương hàn và lở mồm long móng, tai xanh… Đối với gia cầm: Tiêm phòng dịch tả gà, vịt, tụ huyết trùng, H5N1…

Xem thêm
Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.