Chăm sóc vườn vải
Hiện trà vải lai chín sớm đang trong thời kỳ quả non tăng trưởng nhanh, TS. Nguyễn Thị Thủy, Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo, các nhà vườn cần tuân thủ chặt chẽ qui trình quản lý tổng hợp sâu đục quả vải lai chín sớm như sau để đạt kết quả tốt nhất:
Tưới nước giữ ẩm vườn cây thường xuyên, nhưng lưu ý không tưới đẫm đột ngột bởi sẽ gây rụng quả hoặc nứt qua non. Tùy theo tuổi cây, lượng bón phân ở thời kỳ nuôi quả cho mỗi gốc là: 0,15-0,6kg đạm urê + 0,25-0,7kg lân supe + 0,2-0,65kg kaliclorua, kết hợp phun một trong các chế phẩm giàu Bo để hạn chế nứt quả và rụng quả sinh lý.
Phân bón lá phun định kỳ 10-15 ngày/1 lần từ lộ quả non tới trước thu hoạch 15-20 ngày. Riêng lần bón lá cuối cùng, cần phối trộn với phân siêu kali, để tăng độ ngọt cùi quả và tạo mã quả đẹp. Nên chọn các loại phân bón lá có hàm lượng NPK cân đối, có tỷ lệ Ca, S và Bo cao, vừa giúp quả tăng trọng, vừa chống nứt, thối quả vải.
Cắt tỉa từ đầu đến giữa tháng 4, tiến hành cắt bỏ những cành hè nhỏ yếu, cành mọc quá sít nhau và tỉa bớt những quả nhỏ, quả sâu bệnh, kể cả những chùm quả quá nhỏ. Thường xuyên cắt cỏ và dọn vệ sinh vườn cây, thu gom quả rụng (3 ngày/lần) đem ủ kín với vôi bột hoặc ngâm trong nước. Các loại cỏ sau cắt, phơi héo rồi vùi sâu xuống vườn làm phân hữu cơ cải tạo đất.
Phòng trừ sâu đục cuống quả vải
Chủ yếu phun trừ ở giai đoạn sâu trưởng thành và giai đoạn hình thành quả đến quả chớm chín đỏ vai. Thời điểm phòng trừ, số lần phun trừ cần căn cứ vào mật độ sâu hại và điều kiện thời tiết trong năm, thường dao động từ 15-30/3; 05-20/4 và 05-20/5.
Dùng tay đập vào cành cây 2-3 cái và đếm số trưởng thành vũ hóa bay ra trên mỗi cành. Nếu thấy trung bình có 1-2 bướm sâu đục cành bay rộ 2 ngày sau phun thuốc ngay.
Ưu tiên sử dụng các thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc như Bitadin WP, Anisaf SH01. Có thể dùng các thuốc nội hấp, lưu dẫn có hoạt chất Chlorantraniliprole + Abamectin như Voliam targo 063SC, Nouvo 3.6EC, Shepatin 18EC... Hay các thuốc có tác dụng tiếp xúc, vị độc có hoạt chất Diafenthiuron như Pegasus 500 SC, Redmine 500SC... hoặc hoạt chất Cypermethrin như thuốc Secsaigon 25 EC. Phun chùm lên lần lượt các tán cây trong vườn, sau quay lại phun dưới tán và những bụi rậm quanh vườn.
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc có thời gian cách ly ngắn dưới 5 ngày. Trong quá trình phòng trừ sâu đục cuống quả, nên kết hợp phòng trừ các đổi dượng dịch hại như bọ xít, nhện lông nhung, rệp sáp vảy bệnh thán thư và sương mai theo khuyến cáo ghi trên bao gói từng loại thuốc.
Theo TS. Nguyễn Thị Thủy, áp dụng qui trình nói trên, các nhà vườn trồng vải lai chín sớm ở Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang khống chế được tỷ lệ quả vải bị sâu đục cuống dưới 15%.