| Hotline: 0983.970.780

Phụ huynh bơ phờ vì trường học không tổ chức bán trú

Thứ Tư 13/05/2020 , 15:46 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn TP.HCM rơi vào hoàn cảnh lúng túng, khi đưa đón con em quay lại lớp học sau giai đoạn nghỉ dài ngày vì Covid-19.

Trường học tổ chức lại bán trú sẽ giảm khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con. 

Trường học tổ chức lại bán trú sẽ giảm khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con. 

Gần 1,3 triệu học sinh các bậc học từ tiểu học đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên các trường công lập, tư thục TP.HCM quay lại trường học sau thời gian dài nghỉ ở nhà phòng, chống dịch Covid-19.

Xáo trộn lịch trình công việc

Trông mong con sớm quay lại trường để tiếp tục việc học nhưng ngay ngày đầu, chị Trần Thúy Vy (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã toát mồ hôi vì phải đưa, đón hai con đi học. Trước kia, cùng học bán trú nên buổi sáng chị Vy chở các con đến trường, chiều đón các con cùng về nên công việc cơ quan không bị ảnh hưởng. Nhưng nay, vì dịch bệnh nhà trường không tổ chức bán trú nên buổi sáng chị phải chở con trai học lớp 3 đến trường, trưa tranh thủ xin nghỉ làm sớm đón con về nhà. Cơm nước vội vàng, chị tiếp tục đưa con gái lớp 6 đến trường để kịp giờ học buổi chiều.

“Nếu kéo dài tình trạng này, e rằng tôi phải xin nghỉ việc chỉ để đưa đón con đi học. Chồng làm xa nhà, ông bà nội lớn tuổi nên tôi phải đảm nhận việc đưa đón con lâu nay. Tuy nhiên, từ cơ quan tôi đến trường học của các con khá xa, chở được con về nhà thì tôi không còn thời gian nghỉ ngơi, hết sức vất vả”, chị Vy than thở.

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Trí Hoàng (quận 9, TP.HCM) có con trai đang học lớp 3 cũng tương tự. Con học tại quận 9 còn hai vợ chồng làm việc ở quận 1. Ngày đầu con quay lại trường, anh Hoàng đã phải xin nghỉ trưa sớm 30 phút để về đón con, trong khi thời gian nghỉ trưa của anh chỉ đúng 1 tiếng đồng hồ.

“Nếu hôm nào công việc gấp, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ có lẽ tôi phải thuê xe ôm đón con về nhà do không có ai để nhờ. Cũng không thể trách nhà trường không tổ chức bán trú vì đây là thực trạng chung, song chúng tôi mong ngành giáo dục tìm giải pháp sớm tổ chức lại bán trú cho học sinh để phụ huynh bớt vất vả. Hơn nữa, chính học sinh cũng bị ảnh hưởng sức khỏe nếu đi về nửa buổi do đường xa, trời nắng nóng, giao thông đông đúc, bụi bặm”, anh Hoàng chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) được giáo viên hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách trong ngày đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) được giáo viên hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách trong ngày đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ.

Nhiều trường tổ chức dạy học cả thứ 7, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, giải pháp này đã làm khó không ít phụ huynh học sinh. Ngoài gia đình chị Vy, anh Hoàng, nhiều phụ huynh các trường như Tiểu học An Lạc (Quận Bình Tân), Tiểu học Hồng Hà (Quận Bình Thạnh)… cũng bày tỏ mong muốn nhà trường sớm tổ chức bán trú để công việc, cuộc sống gia đình không bị xáo trộn vì phải đưa đón con nửa buổi.

Cho phép trở lại mô hình bán trú

Quyết định này được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra ngay chiều 11/5, trong văn bản hướng dẫn về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành giáo dục. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm công tác khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp mỗi ngày. Không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học nhưng tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khu ra khỏi lớp và trên đường về nhà.

Đối với các hoạt động có tập trung đông người, hoạt động giáo dục, thể dục thể thao, dịch vụ như căn tin, bếp ăn, bán trú… phải thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn bề mặt.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn, các trường như được tháo nút thắt trong khâu tổ chức lại bán trú, đáp ứng mong mỏi của phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Linh Anh, phụ huynh một học sinh Trường Tiểu học Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bày tỏ, đây là niềm vui đối với nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ phải đi làm cả ngày lại không có người thân, ông bà hỗ trợ. Hơn nữa, học bán trú, học sinh có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, đảm bảo sức khỏe cho các giờ học tiếp theo.

Tại Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (Quận 9), giáo viên chủ nhiệm các lớp đang lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc tổ chức bán trú. Phụ huynh một học sinh lớp 3/4 chia sẻ hết sức ủng hộ vì nỗi lo đưa đón con buổi trưa sẽ không còn. Phụ huynh này cho rằng, nếu nhà trường làm đúng yêu cầu các biện pháp phòng tránh dịch và trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cho học sinh thì mức độ an toàn được nâng cao, dù dịch bệnh hiện nay chưa dứt hẳn.

Nói về tổ chức bán trú thời gian này, cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) cho biết, nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể thực tế và sẽ thực hiện theo văn bản chỉ đạo chung của lãnh đạo các cấp với tiêu chí đảm bảo được sự an toàn cho các em học sinh một cách tuyệt đối nhất, cũng như tạo được sự tin tưởng và yên tâm của quý phụ huynh khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức bán trú.

Được học 2 buổi/ngày vẫn là giải pháp tối ưu nhất bởi học sinh được học trực tiếp với giáo viên cũng như đỡ vất vả cho phụ huynh và ngay cả các em. Tuy nhiên, cô Mai Hương cho hay, điều mà nhà trường băn khoăn, lo lắng trong thực hiện bán trú thời điểm còn dịch bệnh là việc tổ chức giờ ngủ cho học sinh đảm bảo giãn cách. Cạnh đó, trường cũng phải làm việc với các đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường và chờ họ bổ túc đầy đủ hồ sơ về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định trong thời điểm hiện nay.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất