| Hotline: 0983.970.780

Phụ huynh yên tâm vì các trường tổ chức giữ trẻ dịp hè

Chủ Nhật 19/07/2020 , 07:30 (GMT+7)

Hầu hết các cơ sở mầm non tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ từ giữa tháng 7 đến khoảng 20/8.

Tham gia sinh hoạt hè ở trường, mọi hoạt động, tâm lý của trẻ không bị xáo trộn vì trẻ đã quen lớp, bạn bè, quen các cô giáo. Ảnh: Thùy Lâm.

Tham gia sinh hoạt hè ở trường, mọi hoạt động, tâm lý của trẻ không bị xáo trộn vì trẻ đã quen lớp, bạn bè, quen các cô giáo. Ảnh: Thùy Lâm.

Dù thời gian không dài nhưng cũng giúp các phụ huynh yên tâm gửi con khi đi làm, đặc biệt những gia đình công nhân, không có người thân để gửi con khi hè đến.

Hè là thời điểm nghỉ ngơi của giáo viên mầm non hoặc tham gia bồi dưỡng chuyên môn, đây cũng là thời điểm các cơ sở giáo dục sửa sang cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới, nhưng hiện nay nhiều đơn vị đang chuẩn bị tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.

Hè nhưng trẻ được chăm sóc, giáo dục như chương trình chính

Mới đây, Trường Mầm non Anh Đào (Quận Gò Vấp) sớm ra thông báo tổ chức sinh hoạt hè cho những trẻ đang học tại trường từ ngày 24/6 để phụ huynh nắm bắt và làm đơn đăng ký cho con tham gia. Thời gian tổ chức sinh hoạt hè từ ngày 20/7 đến hết ngày 14/8.

Chị Trần Thị Hương, có con học tại Trường Mầm non Anh Đào chia sẻ, chị rất vui vì nhà trường tổ chức sinh hoạt hè, nhờ đó con cái vẫn được các cô chăm sóc, trông nom giúp chị yên tâm đi làm. Dù năm nay trẻ chỉ nghỉ hè hơn 1 tháng nhưng nếu nhà trường không tổ chức hoạt động thì chị cũng không biết gửi con cho ai.

“Gia đình tôi cả hai vợ chồng đều làm công ty từ sáng đến tối, ông bà nội/ngoại tận ngoài miền Trung không có ai để gửi. Nếu gửi bên ngoài phải tìm người mới, còn gửi ông bà thì phải sắp xếp xin nghỉ việc vài ngày đưa cháu về quê. Được gửi ở trường, mọi hoạt động, tâm lý của con không bị xáo trộn vì các con đã quen lớp, quen bạn bè, quen các cô giáo khiến tôi cảm thấy rất yên tâm”, chị Hương tâm sự.

Thời điểm này, Trường Mầm non Trúc Đào (Quân Bình Tân) đã ghi nhận gần 200 phụ huynh đăng ký gửi con, cũng có trẻ được ba mẹ cho về quê chơi nhưng rất ít. Sau đó, dựa trên số lượng đăng ký, nhà trường sẽ sắp xếp lớp, phân công giáo viên phù hợp để trông nom, tổ chức hoạt động hè cho trẻ từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8.

Cô Nguyễn Thụy Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Đào cho biết, mặc dù là hoạt động hè nhưng trẻ được tham gia vui chơi, giáo dục, được chăm sóc như chương trình chính khóa trong năm. Chỉ khác là trẻ không phải đóng học phí, chỉ đóng tiền ăn, nước uống, vệ sinh phí, phục vụ bán trú. Do đó.

“Hè đến là nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất đông, đặc biệt là phụ huynh trẻ làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có người thân để gửi con.  Và hè tới, có khoảng 30 trẻ lớp lá ra trường vào lớp 1 cũng được phụ huynh xin gửi vì lớp 1 chưa tuyển sinh, chưa đi học”, cô Hòa cho biết thêm.

Để công tác giữ trẻ được chu đáo, cứ trước kỳ nghỉ hè 2 tuần, Trường Mầm non Trúc Đào tổ chức họp hội đồng sư phạm toàn trường, phát phiếu để các cô giáo đăng ký giữ trẻ trên tinh thần tự nguyện. So với những năm trước khoảng 30% các cô về quê hoặc đi nghỉ mát thì năm nay tất cả các cô đều mong muốn ở lại giữ trẻ. 

Theo cô Hòa, một phần do trước đó các cô giáo có thời gian nghỉ chống dịch Covid-19 khá dài, phần là nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Trẻ được chăm sóc chu đáo, ăn ngủ đúng giờ. Ảnh: Thùy Lâm.

Trẻ được chăm sóc chu đáo, ăn ngủ đúng giờ. Ảnh: Thùy Lâm.

Thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh, nuôi dưỡng trẻ

Thông thường cứ chuẩn bị vào hè, Sở GD&ĐT TP.HCM luôn có những chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tổ chức hoạt động hè nhằm tạo sân chơi cũng như đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Hè năm nay, tùy điều kiện thực tế, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và tinh thần tự nguyện tham gia của giáo viên, Sở GD&ĐT TP.HCM cho phép mỗi cơ sở có những kế hoạch tổ chức phù hợp.

Trên cơ sở này, phòng GD&ĐT các quận, huyện cũng có những hướng tổ chức đến các cơ sở giáo dục. Tại quận Phú Nhuận, theo yêu cầu của phòng GD&ĐT, các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt của trẻ, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và phù hợp theo độ tuổi.

Địa phương này còn yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD%ĐT, các ban ngành liên quan. Yêu cầu phối hợp với cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ.

Cơ sở giáo dục nào có kế hoạch sửa chữa trong hè phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kịp thời đến lãnh đạo địa phương, các cấp quản lý giáo dục khi xảy ra việc bất thường như tai nạn, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm…

Ngoài những yêu cầu tương tự quận Phú Nhuận, quận Bình Tân còn yêu cầu cụ thể đến các cơ sở giáo dục, đó là thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như trong năm học, không tự ý cắt xén các yêu cầu khi tổ chức sinh hoạt của trẻ và phải thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng.

Để làm tốt, các đơn vị cần tính toán thỏa thuận với phụ huynh về chế độ đóng góp tiền ăn hợp lý nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời, chú ý tổ chức các hoạt động thể dục thể thao và hoạt động ngoài trời cho trẻ để tăng cường sức khỏe, hoạt động tích cực. Các hoạt động phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải phù hợp theo độ tuổi.

Bên cạnh những yêu cầu này, theo bà Cao Thanh Tuyền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, tổ chức hoạt động hè là hoạt động mang tính tự nguyện của phụ huynh học sinh và giáo viên.

Do đó, cơ sở cần có sự thỏa thuận thống nhất giữa phụ huynh học sinh, giáo viên với nhà trường. Các khoản phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh trên nguyên tắc trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phải làm thêm ngoài biên chế của năm học theo qui định hiện hành của Luật Lao động về làm thêm trong ngày nghỉ và theo qui định của tài chính.

Năm học 2020-2021, TP.HCM dự kiến có 2.384 trường học công lập và ngoài công lập, trong đó bậc mầm non có 1.364 trường với 28.067 giáo viên, 370.453 trẻ, tăng 3.668 trẻ. Mặc dù mỗi năm trẻ luôn tăng, ảnh hưởng đến sân chơi, bãi tập, giáo viên… nhưng TP.HCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn, kể cả trường hợp không có hộ khẩu thành phố vẫn đủ chỗ học.

Năm học tới, TP.HCM đưa vào sử dụng 90 dự án với 1.371 phòng học mới cho mầm non, phổ thông với tổng mức đầu tư 4.575.601 triệu đồng.

Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, Sở GD&ĐT TP.HCM đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học, tổng kinh phí 69.929.681 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, thành phố đã đạt 288 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

(Kiến thức gia đình số 29)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm