Quần đảo Lamu được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nơi đây còn là thị trấn có cư dân sinh sống lâu đời nhất Kenya, một trong những khu định cư khởi nguồn của Người Swahili dọc theo bờ biển Đông Phi, được thành lập vào năm 1370. Quần đảo này chiếm hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn của Kenya.
Tuy nhiên, trên khắp Kenya ngày nay, ước tính khoảng 40% mặt hàng quý giá này đã bị suy thoái, do nhiều rừng ngập mặn bị chặt phá để cung cấp vật liệu xây dựng, cũng như chế biến than củi để nấu ăn. Từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, chuyên cung cấp các chuyến du lịch trải nghiệm và chế biến nông sản địa phương, nhưng vài năm trước, Lamu nguy cơ trở thành một trong những hệ sinh thái biển bị suy thoái nhất ở đông Phi. Nguyên do bởi dầu rò rỉ từ tàu du lịch làm chết vô số cây non.
Để ngăn chặn tình trạng ấy, những phụ nữ trong vùng đã đi đầu trong nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn một cách đơn giản nhưng hiệu quả. Cách làm của họ là tạo ra những khoản vay cá nhân trị giá 250 USD, dựa trên đóng góp của nhiều tổ chức bảo tồn và các nhóm phụ nữ. Tất cả hợp tác trong một dự án, cho phép người vay hoàn trả trong vòng 10 tháng. Số vốn trên được họ sử dụng bằng nhiều cách, có thể là mở các doanh nghiệp nhỏ, hoặc tổ chức kinh tế hộ gia đình. Nếu chi trả đúng hạn, họ sẽ đủ điều kiện để vay các khoản vay lớn hơn.
Đổi lại, phụ nữ phải trải qua các khóa đào tạo về phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn do Sở Lâm nghiệp Kenya và các đối tác khác giảng dạy. Yêu cầu dành cho họ, là tìm hiểu về các loại rừng ngập mặn khác nhau, cũng như quy trình canh tác, thời điểm và các không gian sinh trưởng.
Zulfa Hassan, 37 tuổi, từng làm chủ một quán ăn nhỏ ở làng Mtangawanda, đảo Lamu, nằm trong số những người đầu tiên tham gia dự án. Sau khi dự các lớp đào tạo, cô trở thành người truyền lửa cho các "đồng nghiệp" khác trong Nhóm Phụ nữ Phục hồi Rừng ngập mặn Mtangawanda. "Chúng tôi được đào tạo về cách giám sát sự tàn phá rừng ngập mặn", Hassan nói.
Theo bà mẹ 4 con này, một trong những điểm thu hút nhất với phụ nữ Lamu, là việc cung cấp khí hóa lỏng đóng chai (LPG). Qua đó khuyến khích người dân ngừng sử dụng củi và than để nấu ăn tại nhà, một yếu tố góp phần làm suy thoái rừng ngập mặn.
Từ khoản 250 USD mỗi người, 20 thành viên ban đầu của nhóm đã tiết kiệm được 190 USD. Mỗi người này đủ điều kiện vay để mua một chai LPG loại 3kg với giá ưu đãi, thậm chí mua trả góp trong các tháng kế tiếp.
"Một chi tiết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Người dân dần hiểu rằng, không phải cứ tận thu tự nhiên là tối đa lợi ích", Hassan chia sẻ.
Về năng lượng, Kenya cam kết đầu tư dài hạn mô hình cho những nguồn năng lượng mới. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Kenya mạnh dạn sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo ở nông thôn, dựa trên năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Nhờ những nỗ lực này, người dân Kenya có thể truy cập Internet từ khắp nơi trên cả nước.
Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ cacbon, và lưu trữ cao gấp 10 lần so với rừng trên cạn. Rừng ngập mặn của Kenya đã được khai thác trong nhiều thế kỷ. Gỗ được sử dụng trong đóng tàu, làm cửa và đồ nội thất, cũng như được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Kipkorir Langat, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Biển và Thủy sản Kenya tin rằng, nếu nhìn vào những lợi ích khác liên quan đến rừng ngập mặn, chẳng hạn trong lĩnh vực thủy sản, chúng ta sẽ thấy đa lợi ích. Đó không chỉ là nơi sinh sản cho cá, bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn giúp phát triển du lịch sinh thái.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tiềm năng tái sử dụng của các hệ sinh thái. Với rừng ngập mặn, chúng không những lưu giữ cacbon, mà còn đóng vai trò như một bộ đệm chống lại sóng thần. Nếu không có rừng ngập mặn, Kenya phải xây dựng tường chắn sóng thần vô cùng tốn kém" ông nhấn mạnh. Theo Langat, rừng ngập mặn đóng góp 15.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu.
Những năm trước đây, việc "xã hội hóa" và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng không phải ưu tiên trong việc quản lý rừng của Kenya. James Mwang'ombe, người đứng đầu Nhóm sức khỏe rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại Sở Lâm nghiệp Kenya cho biết: “Rừng được xem là công việc của Chính phủ. Chỉ tới khi cộng đồng tham gia vào việc quản lý, họ mới được phép khai thác những gì họ đang làm".
Nhờ thành công bước đầu, các thành viên của Nhóm Phụ nữ Phục hồi Rừng ngập mặn Mtangawanda đang mạnh dạn đầu tư vào một số lĩnh vực kinh doanh. Trước mắt, họ khai thác một cách có kiểm soát việc cung cấp vật liệu xây dựng. Mục tiêu tiếp theo là phục hồi các bãi sinh sản tự nhiên cho những động vật dưới nước.
Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Chữ thập đỏ Kenya, mỗi thành viên trong nhóm đã được cấp pin mặt trời, đủ để sử dụng cho những sinh hoạt thường ngày. Cả nhóm cũng được tặng một tủ lạnh để lưu trữ tôm, cá, và các loại thủy sản đánh bắt được.
Phấn khởi khi có thể khai thác bền vững rừng ngập mặn, Hassan bày tỏ: “Cá và cua đã quay trở lại, điều gì đó đã giúp tăng thu nhập của chúng tôi. Giờ thì phụ nữ chúng tôi có thể bán cá với giá 1,5 USD/kg. Một phần năm số đó sẽ được trích vào khoản tiết kiệm của nhóm. Phần còn lại dùng cho mục đích cá nhân”.
Giàu tài nguyên, có khả năng tiếp cận rộng rãi với điện và hướng tới năng lượng tái tạo mạnh mẽ , Kenya là một trong những quốc gia năng động và đổi mới nhất ở Đông Phi trong vấn đề năng lượng. Theo đánh giá của nhiều tổ chức thế giới, nền kinh tế Kenya rất năng động, cởi mở với đầu tư tư nhân; đa dạng chủng loại từ năng lượng đến nông nghiệp. Chính nhờ đặc tính này mà Kenya trở nên kiên định khi đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cũng như chuyển dịch nhanh chóng sang tăng trưởng xanh.