| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư 25/05/2022 , 13:43 (GMT+7)

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên những cây trồng chủ lực.

Hiệu quả

Điển hình như mô hình ứng dụng giàn công cụ trồng, bón phân cho cây mía thuộc dự án khuyến nông Phú Yên “Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm và biện pháp thâm canh tổng hợp cho cây mía theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị và ứng phó biến đổi khí hậu 2018-2019”.

Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Theo đó, ban đầu mô hình đã hỗ trợ 5 giàn công cụ trồng, bón phân cho cây mía triển khai tại các xã Sơn Hà, Ea Chà Rang (Sơn Hòa); Sơn Phước (Đồng Xuân) và Hòa Hội (Phú Hòa).

Kết quả, khi áp dụng trồng mía bằng máy đã tiết kiệm được nhiều công việc như rạch hàng, công trồng, bón lót, công lấp đất. Không chỉ thời gian xuống giống nhanh hơn mà hiệu quả công việc cao hơn. Cụ thể, trong một ngày, trồng mía bằng máy có thể xuống giống từ 2-3 ha, còn canh tác truyền thống chỉ từ 0,5-1 ha.

Mặt khác, mía xuống giống bằng máy ít bị mất nước nên tỷ lệ nảy mầm và cây sinh trưởng khỏe hơn. Ngoài ra trồng mía bằng máy có thể điều chỉnh được độ sâu khi trồng giúp phù hợp cho từng mùa vụ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, với hiệu quả mang lại đến nay trên địa bàn tỉnh đã nhận rộng 63 giàn công cụ trồng, bón phân cho cây mía.

Đối với mô hình máy làm đất đa năng được Trung tâm triển khai tại xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) với quy mô 11 máy. Đây là máy với kích thước nhỏ gọn, mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 2.000m2/1 lít dầu. Với diện tích 1.500m2, máy hoàn thành công việc xới tơi đất với độ sâu từ 15-20 cm chỉ trong 60 phút. Một ngày máy làm việc (8 tiếng) có thể cày xới đất trung bình cho 12.000m2.

Khi nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất sẽ tiết kiệm thời gian và nhân lực trong sản xuất. Ảnh: KS.

Khi nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất sẽ tiết kiệm thời gian và nhân lực trong sản xuất. Ảnh: KS.

Do đó khi nông dân sở hữu máy này tại gia đình sẽ chủ động được mùa vụ sản xuất, cũng như luân canh, rải vụ, theo mục đích, yêu cầu mà không phụ thuộc vào khâu làm đất như trước kia.

Còn mô hình cơ giới hóa hỗ trợ công cụ gieo hạt cho cây trồng cạn được Trung tâm triển khai tại xã Xuân Phước (Đồng Xuân) vào năm 2020 đã giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất gieo hạt so với phương pháp gieo bằng tay truyền thống.

Theo nông dân đánh giá, với diện tích 1.000m2, khi gieo hạt bằng tay phải mất 2 công lao động và 12 giờ làm việc. Trong khi đó gieo hạt bằng công cụ chỉ 1 công lao động và 4 giờ.

Đối với mô hình máy cuốn rơm cho cây lúa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2020, đến nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều áp dụng sau thu hoạch.

Mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy thái cỏ được Trung tâm triển tại các xã Suối Bạc (Sơn Hòa); An Thọ (Tuy An) và Hợp tác xã Dịch vụ NN Hòa Định Tây (Phú Hòa) với quy mô 27 máy, 27 hộ (1 máy/hộ) tham gia. Máy thái cỏ có cấu tạo nhỏ gọn, công suất thái trung bình 300kg/giờ. Qua mô hình đã giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nguồn nhân lực sản xuất.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên cho biết, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Những năm gần đây ở tỉnh Phú Yên, ngành nông nghiệp đã tích cực đầu tư, hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị và các địa phương tăng cường nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên những cây trồng chủ lực như: lúa, mía, sắn, rau màu.

Bước đầu, một số khâu sản xuất, trên một số cây trồng chủ lực, tỷ lệ cơ giới hóa đã đạt được những kết quả nhất định góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, nâng cao đời sống và giải phóng bớt sức lao động của người dân.

Các mô hình ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất từ phương thức thủ công sang sản xuất bằng máy móc giúp tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nguồn nhân lực sản xuất.

Do đó, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh lúa, mía, sắn ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hoá. Từ đó giúp bà con thay đổi tập quán canh tác thủ công sang sản xuất bằng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hiện tỉnh Phú Yên đã ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa từ khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 90%. Còn khâu phun thuốc BVTV, bón phân trên cây lúa thì mới triển khai mô hình thiết bị máy bay không người lái. Đối với cây mía, cây sắn đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt 70%, nhưng khâu thu hoạch đối với cây mía dưới 10%. Do đó, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên cây lúa ở khâu phun thuốc BVTV và bón phân; còn cây mía tăng cường khâu thu hoạch.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Trà Vinh sản xuất gần 730ha lúa phát thải thấp vụ đông xuân 2024 - 2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, Trà Vinh sản xuất 728ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 14 hợp tác xã trên địa bàn 6 huyện, hoàn thành xuống giống vào ngày 30/12.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.