Đâu là nguyên nhân?
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên: Từ ngày 11/2/2021 đến ngày 4/3/2021, bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở bò xảy ra rải rác tại các xã Hòa Quang Nam, Hòa Thắng, Hòa Định Tây (Phú Hòa), với tổng số 124 con của 103 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh. Trong đó có 13 con bị chết do ghép bệnh tụ huyết trùng.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn gia súc trên địa bàn.
Thứ nhất, do thời điểm giao mùa nhưng một số địa phương triển khai tiêm phòng chậm, trong khi vacxin có hiệu lực miễn dịch bệnh chỉ trong vòng 6 tháng đã hết hạn. Thứ 2, một số bà con chưa ý thức về việc tiêm phòng cho gia súc, tuy nhiên tỷ lệ này chiếm không nhiều. Thứ 3, một số bà con mua bò mới nhưng chưa được tiêm phòng. Dù mỗi năm địa phương triển khai đúng 2 đợt tiêm phòng và thú y đã triển khai tiêm phòng xong, nhưng bà con mua bò mới ở địa phương khác về nên chưa được tiêm phòng, từ đó rất dễ phát sinh bệnh trên gia súc.
Đối với việc một số địa phương triển khai tiêm phòng dịch bệnh trên gia súc chậm, ông Nhĩ giải thích: Hiện tỉnh Phú Yên có 110 xã nhưng có 32 xã không có thú y chuyên môn. Và do không có cán bộ thú y cấp xã nên việc triển khai tiêm phòng chậm và hết sức khó khăn.
Các xã có cán bộ thú ý nên việc triển khai tiêm phòng cho gia súc thuận lợi và nhanh chóng hoàn thành. Còn các xã không có cán bộ thú y thường tiêm phòng muộn. Vì vậy, cán bộ thú y các cấp tỉnh, huyện đều hỗ trợ cho các xã không có thú y. Do đó những xã chưa được tiêm phòng kịp thời cũng dễ phát sinh bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
Về tình hình bệnh LMLM, ông Nhĩ cho biết thêm, các địa phương cơ bản đã kiểm soát, nhiều con bò đã chữa trị khỏi. Hiện chỉ có huyện Sông Hinh còn 13 con bò đang điều trị. Lực lượng thú y tỉnh, huyện và các xã đang tập trung hỗ trợ cho các xã có dịch đẩy mạnh tiêm phòng. Nhờ vậy đến nay 70% tổng đàn gia súc của toàn tỉnh đã được tiêm vacxin. Dự kiến, đến 10/4 tới sẽ có trên 80% tổng đàn gia súc được tiêm phòng.
Bố trí cán bộ thú y theo đúng Luật Thú y
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên, để triển khai tiêm phòng đồng loạt nhằm phòng chống dịch bệnh trên gia súc, các địa phương phải củng cố hệ thống thú ý cấp xã theo đúng Luật Thú y.
“Mặc dù tỉnh triển khai tiêm phòng vacxin đúng hạn, nhưng một số xã không có thú y cơ sở. Thú y các xã không có chuyên môn nhưng phụ trách nhiều việc như thú y, nông nghiệp và tài nguyên. Đặc biệt, những trường hợp chuyên môn về tài nguyên thì làm sao tiêm phòng được”, ông Nhĩ nói địa phương phải bố trí cán bộ thú ý theo đúng Luật Thú y, nhất là các xã loại 3 có 16 chức danh, nhưng chỉ bố trí 12 cán bộ lại cắt cán bộ thú y bỏ ra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng thừa nhận thời gian qua những xã không nằm trong diện được hỗ trợ vacxin LMLM, người chăn nuôi có tình trạng không chịu mua thuốc để tiêm phòng cho gia súc.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Phú Yên có 32 xã vùng nguy cơ thấp, nên bà con phải bỏ tiền để mua vắc xin LMLM tiêm phòng cho gia súc. Tuy nhiên mấy năm gần đây bão lụt, dịch bệnh, tỉnh có xin được nguồn dự trữ Trung ương nên các xã trên cũng được tiêm phòng cho gia súc luôn.
“Nhưng năm ngoái địa phương không xin được nguồn vacxin dự trữ Trung ương nên không bố trí được cho 32 xã này, chủ yếu thuộc các huyện đồng bằng như Phú Hòa, Sông Cầu, Đông Hòa. Do đó, các xã này tỷ lệ tiêm phòng rất thấp chỉ đạt 10-20%. Còn những xã mà được ngân sách hỗ trợ đa số tiêm phòng trên 80%. Tuy nhiên giai đoạn từ đợt 2/2021-2025, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ 100% tiêm vacxin lở mồm long móng cho các xã trong tỉnh. Khi đó vấn đề vacxin tiêm phòng sẽ không có gì đáng ngại”, ông Nhĩ chia sẻ.
Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh động vật, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn lực lượng thú y xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2021 hoàn thành trước 10/4/2021, sau đó tiêm bổ sung. Chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.