| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên, Khánh Hòa: Đảm bảo nước tưới

Thứ Năm 17/05/2018 , 08:30 (GMT+7)

Sau khi kết thúc vụ ĐX, tính toán cân đối nguồn nước tại các công trình thủy lợi, 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên vẫn đảm bảo sản xuất vụ HT, chỉ một số đập dâng, hồ chứa nhỏ có nguy cơ thiếu nước tưới.

Các tỉnh đã khoanh vùng và lập phương án phòng, chống hạn cụ thể ở những vùng có nguy cơ và hạn cuối vụ.

15-10-51_3
Các trạm bơm chống hạn phục vụ SXNN (ảnh: MT)

Thời điểm này, nông dân đang thực hiện cày ải, phơi đất để chuẩn bị bước vào vụ SX. Tính đến giữa tháng 5, mực nước 18 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn hơn 133,8/212,9 triệu m3, đạt 62,8% dung tích thiết kế. Mực nước này theo dự báo của cơ quan chuyên môn là đủ nước tưới gần như toàn bộ 18.500ha lúa HT.

Trong đó, đối với khu vực các huyện phía nam của tỉnh, theo ông Đinh Văn Giang, Phó phòng Kỹ thuật và Quản lý công trình (Cty TNHH MTV KTCTTL Khánh Hòa), mực nước 8 hồ chứa trên địa bàn đạt từ 52 - 99% dung tích thiết kế, do đó, cơ bản vẫn đảm bảo nước tưới cho 5.325ha.

Tuy nhiên đối với diện tích “ăn” nước tưới tại các hồ chứa nhỏ ở huyện Diên Khánh như hồ Am Chúa thì khả năng đáp ứng nước tưới chỉ 244/372ha; hồ Cây Sung 40/69,7ha. Còn hồ Láng Nhớt do đặc thù tận dụng nước hồi quy nên vượt năng lực tưới lên đến 384ha.

Tại các huyện phía Bắc, theo ông Đinh Tấn Thành, Trưởng phòng Quản lý công trình (Cty TNHH MTV KTCTTL Khánh Hòa) thì hầu hết các hồ chứa trên địa bàn vẫn còn tích nước trữ tương đối dồi dào, dao động từ 50 - 70% dung tích thiết kế. Do đó, Cty sẽ đảm bảo nước tưới cho gần 100% diện tích SX vụ này.

Tuy nhiên các đập dâng đến mùa khô là cạn kiệt và hồ Suối Trầu (TX Ninh Hòa) mực nước chỉ còn 2/9,8 triệu m3, phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, gia súc trước tiên. 455ha “ăn” nước từ hồ này tạm dừng SX, để chờ mưa tiểu mãn.

Tại Phú Yên, theo lãnh đạo Cty TNHH MTV KTCTTL Thủy nông Đồng Cam, hiện tình hình nguồn nước tại đầu mối các hệ thống thủy nông, hồ chứa nước do Cty quản lý đảm bảo theo mực nước thiết kế. Cty sẽ cấp nước tưới, tiêu cho 18.500ha (đạt 100%) diện tích SXNN. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, phân phối và điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả...
 

Lên phương án chống hạn cuối vụ

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Cty TNHH MTV KTCTTL Thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) cho biết, các phương án chống hạn trong trường hợp thời tiết diễn biến bất thường đã được đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cho từng hệ thống khi xảy ra khô hạn.

Theo đó, Cty chuẩn bị 3 trạm bơm chống hạn Đồng Bò (5 máy bơm công suất 33KW - lưu lượng 980m3/h/máy), Hòa Mỹ Đông (3 máy bơm công suất 33KW - lưu lượng 980m3/h/máy) thuộc huyện Tây Hòa và Hòa Định Đông Tây (6 máy bơm công suất 33KW - lưu lượng 980m3/h/máy) thuộc huyện Phú Hòa và lắp đặt 5 trạm bơm dã chiến ở phía Nam cầu máng Đồng Bò, trên sông Bàn Thạch, Hòa Đồng, thôn Vạn Lộc xã Hòa Mỹ Đông...

Ngoài ra, Cty còn sử dụng 20 máy bơm dầu D15, 07 mô tơ 22KW, 05 mô tơ 30KW, 03 mô tơ 33KW, 10 máy bơm xăng mini; dự kiến mua thêm một số máy bơm dầu D15, môtơ 22KW, môtơ 33KW bổ sung và thay thế các máy đã bị hỏng và huy động máy bơm dầu di động của các địa phương, bơm trực tiếp từ các nguồn nước hiện có ở các sông, suối, ao, hồ hoặc từ các giếng khoang để chống hạn các khu vực cao, xa, hạn cục bộ ở các hệ thống tưới, tiêu...

"Hệ thống thủy nông Đồng Cam phụ thuộc rất nhiều vào lịch vận hành phát điện của các Nhà máy thủy điện sông Hinh, sông Ba Hạ vận hành phát điện phải đảm bảo lưu lượng đưa về đầu mối đập Đồng Cam thường xuyên ổn định 40m3/s để cấp cho hệ thống Kênh Nam, hệ thống Kênh Bắc và các Trạm bơm chống hạn ở hạ lưu đập Đồng Cam", ông Nguyễn Minh Huệ chia sẻ.

Hiện các Cty TNHH MTV KTCTTL ở Khánh Hòa và Phú Yên đã làm việc với các địa phương và các đơn vị dùng nước, về tình hình khô hạn, để thông báo người dân chấp hành tốt lịch phân phối nước của các trạm thủy nông thuộc Cty, không được tự ý đào kênh, mở cống khi chưa đến lịch nước của các đơn vị, đồng thời sử dụng nước hết sức tiết kiệm, hiệu quả.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.