Chuyển đổi để thích ứng
Người dân xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên xuất phát điểm thấp, đời sống người dân và cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2016, qua rà soát thì xã chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 17,76%, thu nhập bình quân của người dân ở mức 28 triệu đồng/người/năm. Không gì bất ngờ năm 2016, xã Phụng Hiệp được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đặc biệt khó khăn (xã loại III) nên hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.
“Tuy nhiên, với quyết tâm là đưa đời sống người dân ngày một phát triển trên các mặt nên cả hệ thống chính trị của xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, cùng những cách làm hay và sáng tạo để vượt khó trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, sau 3 năm đầy nỗ lực gần đây, cộng thêm sự phấn đấu trước đó, xã Phụng Hiệp đã cán đích NTM trong niềm phấn khởi của bà con địa phương”, ông Túc chia sẻ.
Theo đó, một trong những giải pháp hiệu quả đầu tiên là ngành chức năng xã Phụng Hiệp đã tập trung vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao nhằm cải thiện nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả.
Trong đó, từ năm 2016 đến nay, cây mía không còn mang lại hiệu quả sản xuất cho người trồng do giá cả bấp bênh nên xã Phụng Hiệp đã vận động người dân chuyển sang cây trồng khác. Từ đó, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất mía được bà con thực hiện và ngày càng nhân rộng khi mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn. Nổi bật là mô hình trồng cây ăn trái như: mít, sầu riêng, chanh không hạt.
Anh Phạm Văn Sơn, ngụ ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, chia sẻ: Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình tôi và nhiều bà con trong ấp quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng rau màu hơn 2 năm nay, trong đó chủ lực là cây dưa hấu. Nhờ mau có nguồn thu nhập hấp dẫn và ổn định nên từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất đến nay, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rất nhiều so với lúc canh tác cây mía.
Cùng với mô hình trên, nhiều hộ dân trong xã Phụng Hiệp còn thành công với mô hình nuôi thủy sản như: cá tra, tai tượng, mè vinh,…Ngoài ra, nhiều hộ còn tận dụng mặt nước dưới sông để nuôi cá lóc trong vèo cũng cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: Để đồng hành cùng với người dân trong phát triển mô hình sản xuất, huyện luôn phối hợp với các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện trong việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo điều kiện cho bà con canh tác, nhất là những hộ gặp khó khăn về kinh tế. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như thành lập các tổ hợp tác nhằm giúp bà con chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để từng hộ gia đình đều thu được nguồn lợi nhập hấp dẫn với mô hình mình lựa chọn.
Từ việc triển khai phù hợp, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm như trên, tháng 7/2020, xã Phụng Hiệp đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Phụng Hiệp đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3,9%.
Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, thông tin thêm: Một trong những nguyên nhân chính tạo thành công lớn trong xây dựng NTM của xã Phụng Hiệp hôm nay chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp.
Theo đó, khi mỗi chương trình hay phong trào được phát động thì đều có sự tự nguyện tham gia tức cực của bà con, nhất là việc làm cầu, đường giao thông và cảnh quan môi trường. Chính sự chung sức này đã thể hiện kết quả là có 99% người dân trong xã họ hài lòng với kết quả xây dựng NTM của địa phương và rất phấn khởi khi xã nhà được công nhận đạt chuẩn NTM.
Nâng cao thu nhập
Cũng như xã Phụng Hiệp, trước khi xây dựng NTM thì xã Long Thạnh là một trong những xã khó khăn của huyện Phụng Hiệp, năm 2011 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đạt 8,7%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,9%.
Ông Lê Hoàng Mến, Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh, cho biết: Để có được kết quả trên, thời gian qua, xã Long Thạnh đã quán triệt và làm tốt tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương, tỉnh ngay từ khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí NTM là làm thế nào nâng cao nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương để làm đòn bẩy thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM.
Trong những năm qua, các ngành chức năng từ xã đến các ấp của Long Thạnh, tổ chức triển khai nhiều đề án, kế hoạch trọng tâm. Trong đó, nổi bật là tích cực thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất của tỉnh đến với người dân, như: Đề án 1000, Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đặc biệt, xác định là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, do đó các ngành chức năng của xã đã đẩy mạnh vận động người dân cải tạo vườn tạp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, tăng thu nhập. Hiện tại, một số cây trồng chủ lực đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương như: Chanh không hạt, sầu riêng, măng cụt, xoài, mít thái siêu sớm…
Ông Trần Văn Sử, ngụ ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp), chia sẻ: “Nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định nên đời sống của nhiều hộ trồng chanh trong ấp được khấm khá hơn. Riêng gia đình tôi, mức lợi nhuận kiếm được từ trái chanh không hạt hàng năm cũng gần 100 triệu đồng. Giờ đi đâu cũng đều thấy các gia đình có nhà cửa khang trang, trong nhà thì đầy đủ phương tiện đi lại, nghe nhìn. Trong khi điều này chỉ xuất hiện rất ít ở Long Thạnh cách nay khoảng 10 năm trước”.
Qua rà soát của ngành chức năng, sau thời gian xây dựng và tổ chức nhân rộng, đến nay toàn xã Long Thạnh có trên 80 mô hình sản xuất nổi bật, với mức lợi nhuận từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/năm. Song song với phát triển sản xuất, Long Thạnh còn quan tâm và tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Ngoài cây ăn trái, hiện người dân Long Thạnh còn đa dạng nhiều cây trồng, vật nuôi khác theo điều kiện sản xuất của từng vùng. Điển hình như mô hình nuôi baba, trồng dưa hấu, nuôi lươn, trồng nấm bào ngư, mô hình đa canh.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay huyện tập trung nhiều đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với xây dựng NTM, nâng cao hiệu quả sản suất nông nghiệp. Hiện nay huyện Phụng Hiệp đã có 6/12 xã được công nhân xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Những năm gần đây, người dân huyện Phụng Hiệp cũng thích nghi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng có sự liên kết tiêu thụ thông qua chuỗi sản xuất. Tính đến cuối năm 2020, huyện Phụng Hiệp có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2021 huyện sẽ có thêm từ 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Phụng Hiệp có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Hậu Giang với gần 44.000 ha, trong đó trên 9.800 ha cây ăn quả, hơn 4.300 ha nuôi trồng thủy sản và gần 900 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có 12 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 8 mặt hàng chế biến từ cá thát lát và 3 sản phẩm từ rượu truyền thống. Các sản phẩm này đã và sẽ phục vụ phát triển kinh tế cho huyện.