| Hotline: 0983.970.780

Phụng Hiệp- từ một xã khó khăn trở thành điểm sáng

Thứ Ba 18/08/2020 , 09:27 (GMT+7)

Đây thật sự là một điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang để các xã khác phấn đấu làm theo.

Điểm sáng về xây dựng NTM 

Từ một xã đặc biệt khó khăn, thế nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân nên đến thời điểm này, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã về đích nông thôn mới (NTM).

Hiện tại, xã Phụng Hiệp đã được các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hậu Giang công nhận đạt 19/19 tiêu chí NTM và vừa được hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thống nhất trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Chính kết quả trên nên xã Phụng Hiệp đang là điểm sáng về xây dựng NTM để các xã khác trong tỉnh Hậu Giang học tập và vận dụng làm theo. Bởi, bước đầu xây dựng NTM, xã Phụng Hiệp có điểm xuất phát rất thấp.

Trong đó, điển hình là đến năm 2016, địa phương này chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 17,76%, thu nhập bình quân của người dân ở mức 28 triệu đồng/người/năm, trạm y tế xã và hệ thống giao thông còn gặp nhiều cách trở.

Chính những khó khăn trên nên vào năm 2016, xã Phụng Hiệp được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đặc biệt khó khăn (xã loại III) và được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua khó khăn để đưa đời sống người dân phát triển, cả hệ thống chính trị xã Phụng Hiệp đã đề ra và thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp.

Mô hình trồng mít đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Phụng Hiệp. Ảnh: Tuấn Phát

Mô hình trồng mít đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Phụng Hiệp. Ảnh: Tuấn Phát

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết: Không phải đến năm 2016 mới thực hiện mà công tác trọng tâm là xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững đã được địa phương triển khai có lộ trình từ trước và tập trung quyết liệt trong 3 năm gần đây. Nhờ vậy, đời sống người dân xã Phụng Hiệp dần chuyển biến theo hướng tích cực. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,91%.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, ngành chức năng xã Phụng Hiệp đã đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế. Nổi bật, trước tình hình sản xuất mía không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, ngành chức năng xã đã vận động bà con chuyển từ đất mía sang trồng cây ngắn ngày như: dưa hấu, đủ đủ, gừng, ngò… để sớm có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân có điều kiện đã lên liếp trồng cây ăn trái như mít Thái siêu sớm, chanh không hạt, mãng cầu, sầu riêng. Trong giai đoạn các cây trồng trên còn nhỏ, người dân tiến hành trồng xen rau màu để lấy ngằn nuôi dài và hiện các vườn cây ăn trái được chuyển đổi sắp cho thu hoạch nên đặt nhiều kỳ vọng về hiệu quả kinh tế cao sẽ mang lại cho nhà vườn.

Ông Trần Văn Hổ, ở ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp, thông tin: “Sau nhiều năm canh tác mía liên tiếp không hiệu quả nên tôi quyết định chuyển hơn 3 ha đất mía sang trồng hơn 5.000 cây mít Thái siêu sớm. Hiện cây trồng này đã hơn một năm tuổi và đang phát triển tốt. Dự kiến đến tháng 9 tới tôi sẽ bắt đầu để trái chiến. Ngoài cây mít, dưới mương tôi nuôi thêm cá và trồng xen trên liếp một số loại rau màu, trong đó chủ lực là ớt. Nhờ vậy, hàng tháng cũng kiếm được nguồn thu nhập vài triệu đồng. Tới đây, khi mít có trái thì mức thu nhập của gia đình sẽ được tăng mạnh hơn”. 

Mặt khác, tuy diện tích trồng mía của xã đã giảm mạnh và hiện chỉ còn khoảng 300ha nhưng đa phần diện tích này được bà con trồng để bán mía làm nước giải khác nên giá bán khá hấp dẫn. Cụ thể, giá mía chục, mía nước hiện được thương lái cân tại rẫy với mức 1.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì nông dân kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 18 triệu đồng/công.

Bên cạnh đó, do xã có điều kiện gần với thành phố Ngã Bảy, nơi có nhiều công ty hoạt động nên toàn xã hiện có hơn 2.000 lao động tìm được việc làm và có nguồn thu nhập ổn định. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Phụng Hiệp không còn nhà tạm bợ, xiu vẹo và tỷ lệ nhà ở đạt 3 cứng theo quy định của Bộ Xây dựng chiếm hơn 90%.    

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao thu nhập, giảm nghèo thì tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ và xã hội hóa, thời gian qua, xã Phụng Hiệp đã tập trung đầu tư mới, cũng như nâng chất nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, cầu, nhà văn hóa ấp, trung tâm thể thao xã, trường học, trạm y tế,… Qua đây, từng bước tạo ra bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày một khang trang và đáp ứng nhiều nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Trần Văn Được, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, bộc bạch: “So với khoảng 5 trước thì đường làng, ngõ xóm và cảnh quan môi trường ở nông thôn xã Phụng Hiệp giờ có nhiều khác biệt. Điển hình là nhiều tuyến lộ trước đây bị sình lầy vào mùa mưa và bụi bẩm trong mùa nắng do chưa được đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng bị xuống cấp thì giờ được thay thế bằng lộ nhựa, lộ bê tông rộng rải khang trang.

Nhờ vậy, đã giúp cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận tiện. Ngoài ra, nhà văn hóa ấp gần nhà vừa được xây dựng mới tiện nghi, tới đây sẽ là nơi tổ chức hội họp cho cán bộ và người dân được rộng rãi, khang trang hơn”.

Sáng – xanh – sạch – đẹp

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết thêm: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp địa phương xây dựng thành công xã NTM theo 19 tiêu chí của Trung ương là sự chung sức và đòng lòng của người dân trong xã. Theo đó, nhiều nội dung, phần việc khi được chính quyền địa phương thông báo, phát động thì bà con đều ủng hộ và tích cực làm theo.

Cụ thể như hiến đất, hoa màu, đóng góp ngày công lao động để hoàn thành nhiều công trình cầu, đường giao thông. Đồng thời, bà con hăng hái xây dựng cảnh quan môi trường trước, trong nhà sạch đẹp để góp phần tổ điểm cho bức tranh nông thôn xã Phụng Hiệp sáng – xanh – sạch – đẹp như hôm nay.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Phụng Hiệp không nằm trong kế hoạch chỉ đạo về đích NTM giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh, đây còn là xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và chọn hướng đi phù hợp đã giúp cho Phụng Hiệp cán đích với sự thống nhất cao. Kết quả này thật sự là một điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh để các xã khác phấn đấu làm theo.

Bà con hăng hái xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Tuấn Phát

Bà con hăng hái xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Tuấn Phát

Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục phát huy những mặt làm được, sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế để đưa phòng trào xây dựng NTM trên địa bàn xã ngày càng đi vào chiều sâu và giữ vững thành tích. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt 16 phần việc thuộc về trách nhiệm của bà con.

Không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả tại địa phương gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học. Đồng thời, quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể nhằm đưa mức sống người dân ngày một tốt hơn và hướng đến những mục tiêu cao hơn trong xây dựng NTM trong thời gian tới.

Hiện tại xã Phụng Hiệp có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% đường trục xã, liên xã, đường ấp và đường ngõ, xóm được đầu tư nhựa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% người dân trong xã đều tham gia bảo hiểm y tế; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm gần 96%. Xã Phụng Hiệp không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.