| Hotline: 0983.970.780

Qủa vải xuất khẩu, nông dân khá giả - nông thôn đổi thay

Thứ Sáu 18/10/2024 , 06:11 (GMT+7)

BẮC GIANG Xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn và sớm đưa quả vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã giúp người dân xã Phúc Hòa làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương.

“Cách mạng” tại vùng trồng vải sớm

Về vùng vải xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là không khỏi trầm trồ bởi những đồi vải xanh mướt nằm nối tiếp nhau. Những năm qua, được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, nhiều hộ dân đã chuyển đổi trồng vải theo đúng tiêu chuẩn Global GAP. Nhờ vậy mà quả vải Phúc Hòa đã có cơ hội vươn xa đến nhiều thị trường quốc tế, có thương hiệu và gây được tiếng vang lớn.

Vùng vải xuất khẩu tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Ảnh: Thanh Phương.

Vùng vải xuất khẩu tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Ảnh: Thanh Phương.

Nhìn thành quả hôm nay, ít ai hình dung được đây là một quá trình dài, đầy bản lĩnh và niềm tin và không thiếu mồ hôi nước mắt của những người nông dân cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Chị Nguyễn Thị Nhung - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phúc Hòa chia sẻ, phát triển kinh tế từ cây vải là một trong những nội dung thực hiện tiêu chí về phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương nên được các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Để quả vải có thể “bay cao, bay xa” là cả hành trình dài nỗ lực, dám thay đổi của những cán bộ lĩnh vực nông nghiệp, của lãnh đạo địa phương và người dân. Ban đầu, khi được vận động trồng theo quy chuẩn Global GAP, nhiều hộ dân còn chưa tin tưởng, bởi lẽ họ vốn chỉ trồng theo thói quen, kinh nghiệm của bản thân.

Chị Nguyễn Thị Nhung - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phúc Hòa là người nhiều năm 'ăn, ngủ' với các vườn vải. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Nguyễn Thị Nhung - Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phúc Hòa là người nhiều năm "ăn, ngủ" với các vườn vải. Ảnh: Đinh Mười.

Lúc đầu chỉ có vài hộ tham gia, nhưng sau vài vụ thử nghiệm, thấy hiệu quả, giá trị kinh tế được nâng lên và có sự khác biệt đáng kể, quả vải chín sớm được xuất khẩu sang nước ngoài với giá cao thì nhiều hộ dân đã bắt đầu ủng hộ rồi làm theo. Sau 4 năm triển khai, tổng diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn là khoảng 35ha với sự tham gia của 50 hộ dân.

Theo chị Nhung, để quả vải đạt tiêu chuẩn sẽ cần chú trọng vào 2 yếu tố. Thứ nhất thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian sử dụng thuốc đến khi thu hoạch. Thứ hai là đảm bảo quy trình chăm sóc theo đúng quy chuẩn để cây phát triển khỏe mạnh. Trước khi xuất khẩu, quả vải sẽ được lấy mẫu để kiểm tra.

Là một trong những hộ dân tiên phong trồng vải theo tiêu chuẩn, ông Ngô Văn Cường (thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa) cho biết, lúc đầu được tuyên truyền trồng vải theo quy trình mới cũng bán tín, bán nghi. Ngoài trồng vải ra, gia đình không còn nguồn thu nào khác, do đó để quyết định thay đổi phương thức canh tác là cả vấn đề lớn, cần bàn bạc kĩ và đắn đo nhiều ngày.

Người trồng vải đã vượt qua được cái dớp 'mất mùa được giá' và ngược lại. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Người trồng vải đã vượt qua được cái dớp "mất mùa được giá" và ngược lại. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Dù vậy, khi nhìn thấy “cán bộ” dầm mưa, dãi nắng và có kế hoạch bài bản, khoa học, ông Cường đã tặc lưỡi “nếu không chịu thay đổi thì sao biết được mình có thành công hay không” và thế là bắt tay triển khai luôn trong vụ đầu tiên.

Sau khu thu hoạch, nhận thấy hiệu quả sau khi trồng vải theo đúng tiêu chuẩn, ông Cường vận động những hộ trồng vải thân thiết xung quanh tham gia mô hình, đồng thời tuyên truyền để mọi người nghiêm túc thực hiện các chỉ dẫn.

“Trước đây cứ đến mùa vải là cả nhà lại mất ăn mất ngủ để lo tiêu thụ, thế nhưng giờ đây quả vải được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, chỉ cần quả vải chất lượng tốt là không phải lo lắng gì. Đời sống của những hộ dân trồng vải sớm để xuất khẩu, gần như ai cũng khá giả”, ông Cường bộc bạch.

Không còn lo "được mùa mất giá"

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, từ khi trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, bà con mới thật sự có đồng ra đồng vào và làm giàu, trước đây tiền lãi chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Thấp thoáng sau vườn vải, không khó để nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại hiện ra, hiện hữu rõ nét cuộc sống đầy đủ, sung túc của những người nông dân bản lĩnh, sáng tạo, cần cù, chịu khó.

Các hộ dân trồng vải ký kết hợp tác tiêu thụ vải sớm xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Các hộ dân trồng vải ký kết hợp tác tiêu thụ vải sớm xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, toàn xã có 820ha cây ăn quả thì diện tích trồng vải đã chiếm tới 680ha, còn lại là cây ổi và một số cây trồng khác.

Năm 2024 được đánh giá là năm thành công của vải Phúc Hòa khi đã xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Canada,… đạt khoảng 180 tấn. Sản lượng cung ứng này thấp hơn nhiều so với nhu cầu mà các đối tác nước ngoài muốn.

Các doanh nghiệp thu mua đánh giá rất cao quả vải chín sớm ở vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP của xã Phúc Hòa và không giới hạn số lượng thu mua. Chỉ cần quả vải đạt chuẩn thì có bao nhiêu đối tác sẽ mua hết bấy nhiêu.

“Đối với quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thu mua tại vườn sẽ là 30.000 đồng/ kg, cao hơn so với vải thông thường là 10.000 đồng/ kg. Giá vải từ đầu vụ đến cuối vụ sẽ được giữ nguyên, vì vậy người dân không phải lo tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá hay bị các thương lái ép giá như trước đây. Đây là tín hiệu rất mừng đối với quả vải Phúc Hòa, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”, ông Hưng phấn khởi cho hay.

Người nông dân trồng vải theo tiêu chuẩn, không còn lo đầu ra và giá cả. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Người nông dân trồng vải theo tiêu chuẩn, không còn lo đầu ra và giá cả. Ảnh: Nguyễn Nhung.

Địa phương đã và đang khoanh vùng để xây dựng thương hiệu vải trồng theo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada,... Đến nay, đã có nhiều công ty nước ngoài ký kết hợp đồng thu mua để xuất khẩu vải ra nước ngoài, đặc biệt là không giới hạn số lượng “chỉ cần vải đạt chuẩn là đối tác sẽ thu mua hết”.

Hiện nay, trung bình mỗi vụ, toàn xã Phúc Hòa sẽ thu về được khoảng 10.000 tấn vải. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phát triển sản xuất theo chỉ đạo của huyện, của tỉnh để nâng cao giá trị và năng suất của quả vải. “Với những bước đi trách nhiệm, chủ động và cắc chắn, tôi luôn tin vải Phúc Hòa sẽ ngày càng vươn xa hơn trên thị trường quốc tế”, ông Hưng khẳng định.

Huyện Tân Yên hiện nay có hơn 1,4 nghìn ha vải thiều với sản lượng khoảng 15.500 tấn, trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, ước sản lượng 15.000 tấn, diện tích vải thiều chính vụ là 170 ha, ước sản lượng 300 tấn. Huyện Tân Yên đã có chủ trương cụ thể để tiếp tục duy trì diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900 ha.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Khai trương điểm bán trên 100 sản phẩm OCOP tại Mỹ Tho

Tiền Giang Cửa hàng có trên 300 sản phẩm trong và tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và ký gởi, trong đó có hơn 100 sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất