| Hotline: 0983.970.780

Quan hệ dòng họ và gia đình

Thứ Bảy 30/01/2021 , 14:10 (GMT+7)

Phát huy mối quan hệ dòng họ có thể đóng góp thiết thực vào việc xây dựng gia đình bền vững, trở thành nhu cầu thực sự trong cuộc sống của nhiều người dân.

Ảnh minh họa: Hải Nam.

Ảnh minh họa: Hải Nam.

Dòng họ là một hiện tượng lịch sử có tính nhân loại và liên thời đại. Đây là một hình thức liên kết theo nhóm huyết thống sớm nhất trong quá trình phát triển của loài người.

So với nhiều hình thức liên kết khác nhau như cư trú (làng xóm, thôn bản…) và lợi ích, nghề nghiệp (phường hội, giai cấp…), liên kết dòng họ có vai trò chi phối, ảnh hưởng tương đối lớn và sâu sắc đến con người trong sự tồn tại của mình.

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở làng xã, dòng họ mang nhiều nét đặc thù so với thế giới. Quan hệ dòng họ và làng xã hầu như gắn liền và không tách rời nhau. Dòng họ không tách biệt, đối lập mà liên quan chặt chẽ trong một môi trường văn hoá mang tính đặc thù.

Truyền thống dòng họ góp phần cơ bản và là một nhân tố tạo nên truyền thống làng xã, địa phương, rộng hơn là truyền thống dân tộc. Trong lịch sử, không thiếu những trường hợp những nhân vật kiệt xuất đã mang lại vinh quang cho gia đình, dòng họ, dân tộc.

Người trưởng thành đề cao quan hệ dòng họ

Mối quan hệ dòng họ vẫn rất bền chặt và đại đa số người dân vẫn coi quan hệ dòng họ là có ý nghĩa lớn trong cuộc sống gia đình của họ. Phần lớn người trưởng thành đề cao mối quan hệ họ hàng và coi trọng bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với họ tộc.

Trên thực tế, mặc dù sự tương trợ lẫn nhau được quy định trong quy ước họ tộc nhưng người dân tham gia với tinh thần tự nguyện, đặc biệt là hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Việc hình thành các Hội đồng gia tộc, ban liên lạc để kết nối dòng họ trong toàn quốc, v.v. đã và đang trở thành nhu cầu thực sự trong cuộc sống hôm nay của nhiều người dân.

Tuyệt đại đa số những người cao tuổi nhận được nhiều hình thức chăm sóc quan tâm từ con cháu trong họ tộc. Hình thức giúp đỡ và chăm sóc người cao tuổi trong họ tộc rất đa dạng từ việc đến chơi thăm hỏi hoặc gọi điện, cho đến tặng quà, chu cấp tiền, tới chăm sóc, làm việc nhà và làm việc sản xuất kinh doanh, trong đó phổ biến là hình thức thường xuyên thăm hỏi và biếu quà người cao tuổi trong họ tộc. N

gười cao tuổi có sức khỏe yếu cũng nhận được sự quan tâm thăm hỏi thường xuyên nhiều hơn. Điều này cho thấy người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam có mối quan hệ khá chặt chẽ với con cháu trong dòng họ và nó góp phần tạo ra một cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi, giảm bớt gánh nặng của nhà nước trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Ngoài ra, vai trò của người cao tuổi cũng được phát huy trong khung cảnh của mối quan hệ họ tộc chặt chẽ, đặc biệt là việc giáo dục thiếu nhi, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong cuộc sống hai vợ chồng vì khi đó hai vợ chồng biết kiềm chế hơn đối với các hành vi của mình.

Tính hai mặt của dòng họ

Cũng như các hiện tượng xã hội khác, quan hệ dòng họ thường có hai mặt: mặt tích cực thúc đẩy xã hội phát triển và mặt tiêu cực hạn chế sự tiến bộ của xã hội.

Trong đó, vai trò giáo dục từ gia đình đến dòng họ là điểm nhấn quan trọng nhất. Giáo dục gia đình vốn thường được đề cập như là điểm khởi đầu của mọi sự giáo dục, song giáo dục dòng họ ít được biết tới trong khi dòng họ đóng vai trò như một gia đình mở rộng hay một xã hội thu nhỏ.

Dòng họ là một thực thể và có có vai trò độc lập tương đối trong sự liên quan chặt chẽ và mật thiết đối với gia đình và xã hội. Nếu giáo dục gia đình là phương thức tồn tại, phát triển của gia đình, thì giáo dục dòng họ cũng chính là phương thức tồn tại và củng cố của dòng họ.

Bên cạnh những hoạt động củng cố dòng họ vì những mục tiêu tốt đẹp, cũng có những xu hướng thể hiện sự ganh đua giữa các dòng họ một cách không tích cực. Việc phục hồi một số lễ nghi dòng họ cồng kềnh, phức tạp không cần thiết, sự đua tranh xây dựng hoành tráng các nhà thờ tổ, mộ tổ giữa các dòng họ đã gây áp lực về kinh tế cho nhiều gia đình không có điều kiện và làm xấu đi mối quan hệ giữa các họ tộc.

Sự cố kết dòng họ bao giờ cũng dễ dẫn đến hệ quả tiêu cực như “bè phái, cục bộ”, các dòng họ kèn cựa lẫn nhau làm mất đoàn kết, giảm tính cộng đồng làng xã. Đã là người trong họ thì thường có tâm lý bênh vực nhau, liên kết với nhau không dựa trên cơ sở lý trí mà chỉ dựa vào khía cạnh thuần túy tình cảm.

Sự phục hồi dòng họ với các loại hình tín ngưỡng đôi khi cũng dẫn đến hiện tượng mê tín, tạo ra việc cúng tế phiền phức, xôi thịt linh đình. Đặc biệt, quan hệ dòng họ nhiều khi làm suy giảm, mất hiệu lực các quan hệ pháp luật, quan hệ nhà nước, phương hại đến lợi ích đất nước. Tình cảm của dòng họ thường bị lợi dụng trong những vụ tranh chấp quyền lực, địa vị vì đằng sau chức vụ của một cá nhân, thường là uy thế của một dòng họ.

Quan hệ dòng họ trước sự phát triển xã hội

Sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa hoặc đô thị hóa đều mang tới những thuận lợi và thách thức nhất định đối với việc củng cố quan hệ dòng họ. Số lượng những gia đình dễ bị tổn thương, gia đình có các vấn đề tâm lý- xã hội (gia đình ly hôn, gia đình không hòa thuận, gia đình có thành viên là người khuyết tật, ốm đau, sử dụng chất kích thích…) sẽ tăng lên. Phát huy những mặt tích cực dòng họ có thể đóng góp thiết thực vào việc xây dựng gia đình bền vững.

(Kiến thức gia đình số 4)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất