| Hotline: 0983.970.780

Quản lý bệnh dại vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ Tư 27/09/2023 , 13:18 (GMT+7)

Ngày 27/9, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và UBND tỉnh Gia Lai đòng tổ chức Hội nghị phòng chống bệnh dại năm 2023 tại TP Pleiku.

Hội nghị bàn giải pháp quản lý bệnh dại. Ảnh: Đăng Lâm.

Hội nghị bàn giải pháp quản lý bệnh dại. Ảnh: Đăng Lâm.

Những con số đáng quan tâm

Tại Hội nghị, hai cơ quan đầu mối về quản lý, phòng và chống bệnh dại là Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã đưa ra nhiều con số, nhiều thông tin đáng để nhiều người quan tâm.

Cho đến nay, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mặc dù đã dự phòng được bằng vacxin, tuy nhiên thế giới vẫn ghi nhận có khoảng 60.000 ca tử vong do dại mỗi năm.

Báo cáo từ Cục Thú y cho biết, bệnh dại hiện đang lưu hành trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 3,3 tỷ dân, chủ yếu ở khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Hàng năm, có khoảng 59 ngàn người chết và 29 ngàn người bị phơi nhiễm. Dự báo, nếu không được điều trị dự phòng, số ca tử vong có thể lên đến trên 330 ngàn người mỗi năm, gây tổn thất kinh tế toàn cầu ước tính 8,6 tỷ USD mỗi năm.

Ở Việt Nam, giai đoạn trước năm 2000, số trường hợp tử vong do bệnh dại là rất cao với khoảng 300- 400 ca mỗi năm. Cùng với đó thì hàng năm, có trung bình khoảng 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vacxin dại, phí tổn ước tính khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài tổn thất về kinh tế, bệnh dại còn để lại những tổn thất khác như để lại di chứng về sức khỏe, ảnh hưởng đến tinh thần của người dân…

Hầu hết chó nuôi vẫn còn thả rông ngoài đường, không có rọ mõm. Ảnh: Đăng Lâm.

Hầu hết chó nuôi vẫn còn thả rông ngoài đường, không có rọ mõm. Ảnh: Đăng Lâm.

Đến giai đoạn sau năm 2000, số ca tử vong do bệnh Dại có giảm xuống. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400 ngàn người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Từ năm 2017 - 2021, cả nước có 378 người tử vong do bệnh dại, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong và trên 500 ngàn người phải đi điều trị dự phòng.

Những năm gần đây, số ca tử vong có giảm xuống mà theo chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ (Bộ Y tế), nguyên nhân là giai đoạn này dịch bệnh Covid-19 diễn biến mạnh, ít người ra đường, tuy nhiên năm 2022 cũng có đến 69 ca tử vong do bệnh dại. Riêng từ tháng 1 đến tháng 9/2023, cả nước có 62 ca tử vong vì bệnh dại (tăng 14 ca so với cùng kỳ năm 2022), diễn ra ở 26 tỉnh thành, trong đó Gia Lai có số ca nhiều nhất với 11 ca.

Tăng cường quản lý và khống chế

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong do bệnh Dại trên người, chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn, những động vật này chưa được tiêm phòng vắc xin dại.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vacxin dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Theo đó, việc tăng cường quản lý và tổ chức tiêm phòng thường xuyên đối với chó, mèo nuôi đã được đặt lên hàng đầu trong công tác phòng, chống bệnh dại.

“Muốn không có người mắc bệnh dại thì không có chó dại. Mà muốn không có chó dại thì phải tăng cường tiêm phòng vacxin dại cho chó”, đó là thông điệp khá mà ông Nguyễn Bá Khanh, đại diện Cục Thú y đưa ra tại hội nghị quan trọng này.

Theo đó, việc tăng cường “phủ sóng” vacxin bệnh dại đối với đàn chó, mèo nuôi là hết sức quan trọng. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên phạm vi cả nước bình quân mới chỉ đạt được 47%. Có 12 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt 70% như Hà Nội, Bến Tre, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh...

Đặc biệt, có 7 tỉnh, thành thực hiện tốt công tác tiêm phòng, có tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% là Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An và Đà Nẵng.

Nhiều đại biểu bàn giải pháp quản lý bệnh dại. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhiều đại biểu bàn giải pháp quản lý bệnh dại. Ảnh: Đăng Lâm.

Trong khi đó, có đến 34 tỉnh, thành có tỷ lệ đàn cho được tiêm phòng dại đạt dưới mức 50%, trong đó có 16 tỉnh, thành có tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng dại đạt rất thấp, chỉ dưới 30%, cụ thể như hai tỉnh Gia Lai và Quảng Bình.

Ngoài công tác tiêm phòng thì việc quản lý đàn chó, mèo nuôi cũng rất quan trọng, bởi không quản lý, thống kê được thì khó có thể tổ chức công tác tiêm phòng. Thống kê từ Cục Thú y cho biết: Năm 2023, cả nước có tổng đàn chó trên 7,4 triệu con, được nuôi trong 4,7 triệu hộ gia đình. Có 6 tỉnh, thành có tổng đàn cho trên 200.000 con, trong đó Hà Nội với trên 425.000 con, Thanh Hóa gần 322.000 con. Hai địa phương có tổng đàn chó thấp nhất nước là Đà Nẵng và Phú Yên.

Nhằm quản lý tốt đàn chó, mèo nuôi trên, Cục Thú y đã xây dựng phần mềm quản lý thông tin về đàn chó và phòng chống bệnh dại, đã được tích hợp vào hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); đồng thời, xây dựng được bản đồ phân bố đàn chó trên phạm vi cả nước và bản đồ dịch tễ về bệnh dại.

Ngoài việc quản lý và tiêm phòng bệnh dại, các giải pháp quan trọng khác cũng được đề cập như điều trị dự phòng bệnh dại trên người, thông tin tuyên truyền kết hợp việc xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dại…

Hội nghị đã dẫn ra một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý bệnh dại như: Tổng đàn cho, mèo nuôi lớn, trong khi độ phủ vacxin ngừa bệnh dại lại chưa cao; chó mắc bệnh dại, chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vacxin dại; công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo, chó ra đường không đeo rọ mõm…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.