| Hotline: 0983.970.780

Quản lý dịch hại tổng hợp: Giải pháp cũ, hiệu quả mới

Thứ Tư 24/05/2023 , 17:03 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hiệu quả chương trình quản lý dịch hại tổng hợp mang lại không chỉ nằm ở giá trị kinh tế mà còn thay đổi tập quán canh tác của nông dân.

Các hộ dân tham gia mô hình quản lý dịch hại tổng hợp được cán bộ kỹ thuật 'cầm tay chỉ việc' từ công đoạn gieo sạ, chăm sóc đến phun thuốc BVTV. Ảnh: N.Hoàn.

Các hộ dân tham gia mô hình quản lý dịch hại tổng hợp được cán bộ kỹ thuật "cầm tay chỉ việc" từ công đoạn gieo sạ, chăm sóc đến phun thuốc BVTV. Ảnh: N.Hoàn.

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) đã áp dụng trong sản xuất lúa trên địa bàn Hà Tĩnh nhiều năm nay. Suy cho cùng, giải pháp này không mới nhưng những hiệu quả mà nó mang lại thì luôn mới và hướng đến một kỹ thuật canh tác bền vững như: Giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng và tăng lợi nhuận trên diện tích canh tác.

Vụ xuân năm 2023, IPM được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh áp dụng thành công trên diện tích 10ha, với sự tham gia của 70 hộ dân ở thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc).

Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tập huấn các chuyên đề về IPM, góp phần giảm lượng phân bón so với canh tác truyền thống từ 10 - 15%; bảo tồn nguồn thiên địch trên đồng ruộng; giảm số lần phun và sử dụng thuốc BVTV so với canh tác tập quán từ 1 - 2 lần/vụ. Chi phí áp dụng cho ruộng lúa IPM giảm hơn so với truyền thống từ 15 - 17%/ha, chủ yếu là chi phí phân bón, thuốc BVTV và công lao động.

Thông qua chương trình IPM nông dân nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, các loài thiên địch trên đồng ruộng, điều tra và đưa ra những biện pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường. Ảnh: N.Hoàn.

Thông qua chương trình IPM nông dân nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, các loài thiên địch trên đồng ruộng, điều tra và đưa ra những biện pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường. Ảnh: N.Hoàn.

Ông Đào Khắc Quế, hộ dân tham gia mô hình cho hay, suốt quá trình sản xuất, ông được cán bộ hướng dẫn từ cách gieo sạ, bón phân đến phun thuốc BVTV. Thông qua việc thăm đồng thường xuyên, nông dân sẽ căn cứ vào các chỉ tiêu để đánh giá, theo giõi, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại, từ đó hạn chế sử dụng thuốc BVTV cũng sử dụng thuốc đúng cách hơn.

“Thông qua chương trình IPM, chúng tôi đã nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, các loài thiên địch trên đồng ruộng, phương pháp điều tra và đưa ra những biện pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường”, ông Quế nói.

Bà Hoàng Thị Lài, một hộ dân khác tham gia mô hình chia sẻ, thời gian đầu bản thân bà và các hộ dân trong thôn đều thấy lo lắng, bởi từ trước tới nay thường gieo sạ dày, chưa theo quy trình nào mà chủ yếu theo kinh nghiệm của bản thân.

Sau khi tham gia mô hình IPM, thực tế đã cho thấy lợi ích nhiều mặt như lượng giống giảm 3,5 - 4 kg/sào xuống còn 3 kg/sào, lúa được gieo mạ rồi cấy bằng máy cấy, đều và phát triển tốt, ít cỏ dại, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh và chống đổ ngã tốt. Đến kỳ thu hoạch bông lúa to, tỷ lệ hạt chắc cao, mẩy hạt, năng suất ước đạt 3,4 tạ/sào (500m2), cao hơn sản xuất truyền thống 0,4 tạ/sào và được doanh nghiệp đến mua lúa tươi ngay tại ruộng.

Áp dụng IPM trong sản xuất lúa đã giúp giảm nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: N.Hoàn.

Áp dụng IPM trong sản xuất lúa đã giúp giảm nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: N.Hoàn.

“Việc đưa giống lúa nếp hương vào sản xuất trong mô hình cho thấy phù hợp với điều kiện trên địa bàn. Hơn nữa lúa nếp dễ tiêu thụ và được giá nên sau khi trừ chi phí chúng tôi có lãi khá”, bà Lài cho biết.

Dù diện tích tham gia chưa nhiều, nhưng việc áp dụng mô hình IPM trên cây lúa là tiền đề vững chắc cho sản xuất VietGAP, hữu cơ, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, năm 1993, dưới sự tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), lần đầu tiên Hà Tĩnh đưa chương trình IPM áp dụng vào sản xuất lúa. Mô hình thành công, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. 

Những năm sau đó, Hà Tĩnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình và hiện đang được nông dân áp dụng khá thắng lợi.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.