| Hotline: 0983.970.780

Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển chưa đếm được đầu một bàn tay

Thứ Sáu 22/09/2023 , 09:08 (GMT+7)

Việc quản lý các khu bảo tồn biển còn nhiều khó khăn; việc ngăn chặn hành vi khai thác vi phạm pháp luật trong và xung quanh khu bảo tồn biển chưa hiệu quả.

Các khu bảo tồn biển giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, đồng thời giúp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tính đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 11 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quản lý các khu bảo tồn biển còn nhiều khó khăn; việc ngăn chặn hành vi khai thác vi phạm pháp luật trong và xung quanh khu bảo tồn biển chưa hiệu quả. Tình trạng vi phạm tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có hợp phần biển vẫn diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng các ngư cụ cấm khai thác trong khu bảo tồn biển như: Xung điện, chất nổ, chất độc tại một số khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có hợp phần biển đang diễn biến hết sức phức tạp...

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nói: Các địa phương có kết quả thực hiện việc bảo tồn biển khác nhau. Ảnh: Quochoi.vn

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nói: Các địa phương có kết quả thực hiện việc bảo tồn biển khác nhau. Ảnh: Quochoi.vn

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Sau khi thiết lập hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam theo Quyết định số 742/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, có thể nói các địa phương hào hứng, các nhà đầu tư sẵn sàng, đặc biệt là các tổ chức quốc tế cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là xung đột lợi ích giữa phát triển và bảo tồn nên nhiều địa phương lúng túng, kể cả về nhận thức, đôi khi có nhận thức khác biệt khá xa giữa hai lĩnh vực này. Mà về nguyên tắc ngay cả trong các Nghị quyết của Đảng, nôm na hiểu phát triển bền vững, đầu tiên phải là hài hòa được lợi ích giữa phát triển và bảo tồn”.

“Chúng ta đã có ‘sẵn nong, sẵn né’, đã có sẵn 16 khu bảo tồn, tuy nhiên do nhận thức như thế, xung đột trên thực tiễn như thế, cho nên các địa phương cũng có kết quả thực hiện việc bảo tồn khác nhau, thậm chí đến nay có các khu bảo tồn mà có những địa phương chưa động đậy gì, hoặc là cũng mang ra bàn rất nhiều lần nhưng chưa nhất trí được”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói thêm.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: “Chúng ta có 16 khu bảo tồn thôi, quy mô chưa lớn nhưng phân bố rất đều trên cả nước. Nếu chúng ta làm được thì sẽ gây hiệu ứng rất tốt, nhưng cho đến nay chỉ khoảng 10 - 11 khu là có ban quản lý, đã tiến hành xây dựng kế hoạch quản lý ở cấp địa phương, cùng với đó là xây dựng ban quản lý. Tuy nhiên có ban quản lý rồi thì quản lý hiệu quả hay không cũng vẫn là câu chuyện”.

“Câu chuyện quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển ở Việt Nam cho đến nay có lẽ chưa đếm được đầu một bàn tay. Cho nên đây cũng là vấn đề đáng phải suy nghĩ, sắp tới phải nghiên cứu kỹ hơn để có những bài học nhận diện được vấn đề, kể cả thực trạng vấn đề cũng như là nguyên nhân của thực trạng đó, như vậy chúng ta sẽ có giải pháp tương ứng”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Một góc Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Ảnh: Hồng Thắm.

Một góc Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo báo cáo tóm tắt của Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến tháng 6/2021 có hơn 174.748 ha diện tích biển được bảo tồn và quản lý, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg đến năm 2020.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này do chưa triển khai đồng bộ các giải pháp cho việc hình thành các khu bào tồn, đặc biệt là do trung ương và địa phương không bố trí được nguồn vốn cho việc đầu tư hình thành các khu bảo tồn biển, các địa phương thiên về phát triển kinh tế hơn là bảo tồn vì vậy chưa triển khai đồng bộ các giải pháp cho việc hình thành các khu bảo tồn biển.

Cũng theo báo cáo tóm tắt của Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676 ha, chiếm khoảng 0,454% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. 

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.