| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò

Thứ Tư 15/12/2021 , 17:42 (GMT+7)

Ngày 15/12, Sở NN-PTNT Quảng Bình thông báo tỉnh này đã hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trâu, bò trở lại bình thường theo quy định của pháp luật. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, kể từ đầu tháng 2/2021, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra đầu tiên tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch. Sau đó, tiếp tục lây lan ra diện rộng tại tại 6.261 hộ/684 thôn của 125 xã/8 huyện, thị xã, thành phố, làm 10.070 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.341 con chết do bệnh. 

Thời gian qua, Quảng Bình đã quyết liệt triển khai tiêm phòng vacxin VDNC cho đàn bò, qua đó đã khống chế được dịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trung Hiểu. 

Thời gian qua, Quảng Bình đã quyết liệt triển khai tiêm phòng vacxin VDNC cho đàn bò, qua đó đã khống chế được dịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trung Hiểu. 

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là đã hoàn thành kế hoạch tiêm 83.100 liều vacxin VDNC… Nhờ đó, đến giữa tháng 11/2021, tất cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã kiểm soát, khống chế và thực hiện công bố hết dịch theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 140.000 con trâu, bò. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại, mang lại thu nhập cao. Vì vậy, nếu trâu, bò bị mắc bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân.

Thời gian tới, trước diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe, sức đề kháng, trâu, bò càng dễ mắc bệnh VDNC. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Thời gian qua, cơ quan thú y tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, diệt các môi giới truyền bệnh VDNC. Ảnh: Trung Hiểu.

Thời gian qua, cơ quan thú y tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, diệt các môi giới truyền bệnh VDNC. Ảnh: Trung Hiểu.

Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi nên nhập trâu, bò giống từ những nơi đáng tin cậy. Trâu, bò mới nhập cần kiểm tra, cách ly theo dõi trong vòng 28 ngày mới cho nhập đàn. Thường xuyên phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh thoát nước xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ sử dụng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt muỗi, ruồi, ve…. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC…

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 244.000 con, đàn trâu 32.470 con, đàn bò 106.936 con và tổng đàn gia cầm hơn 4.680.000 con. Để bảo đảm cho việc tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân những tháng cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trang trại, nông hộ phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.