Vụ ĐX năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29.600 ha lúa, đạt 100,4% kế hoạch. Hiện lúa trà đầu giai đoạn đòng - trổ, trà chính vụ, trà muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng.
“Qua kiểm tra ngày 31/3 cho thấy, diện tích lúa đã trổ đòng ước khoảng 13.000 ha, không bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên lúa phát triển tốt”, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.
Lệ Thủy là địa phương có diện tích gieo cấy lớn nhất của tỉnh. Thời gian đầu vụ ĐX, thời tiết ngày nắng, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm không khí cao nên xuất hiện tình trạng bệnh đạo ôn lá với diện tích gần 500 ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-7%, nơi cao 25-30% và xuất hiện từng đám cháy với diện tích gần 1ha.
Một số xã có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhiều như Mai Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy... Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thì bệnh đạo ôn lá xuất hiện trên các giống lúa P6, TBR225, IR353-66, X21, Xi23. Theo ông Nguyễn Xuân Vương, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy thì nhờ làm tốt công tác dự tính, dự báo nên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ chống sâu bệnh hại lúa.
Ông Phan Văn Hai, nông dân xã Mai Thủy vừa ra đồng thăm ruộng về cho hay, lúa đã không còn bị đạo ôn lá nữa. Tháng trước, vùng ruộng đã đồn điền đổi thửa của gia đình ông gần 5 sào bị nhiễm đạo ôn. Do ông đi vắng nên khi phát hiện ra thì đã có hiện tượng lúa cháy lá.
Được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện chỉ dẫn, ông và vợ ra ruộng bứt hết lá lúa bị héo, sau đó phun thuốc. Sau thời gian chăm bón, nhờ lúa đang thì con gái có sức nên phục hồi nhanh. “Đến chừ thì vạt ruộng tốt rồi. Cũng không thấy bệnh đạo ôn lá hay đạo ôn cổ bông chi cả. Hiện lúa đang trổ lác đác rồi”, ông Hai cho hay.
Các địa phương khi phát hiện có bệnh đạo ôn lá cũng đã chỉ đạo nông dân rút cạn nước trên đồng. Nơi nào bị cháy thì cắt lá phun thuốc. Nơi nào nhẹ thì chỉ việc phun đúng quy trình. Những vạt ruộng lân cận cũng được theo dõi nếu bệnh có thể lây lan thì xử lý.
Hàng năm, vụ ĐX huyện Lệ Thủy gieo cấy khoảng 10.100 ha lúa với các giống P6, TBR 225, VN 20, Khang Dân 18…Khi vào vụ, diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông rất lớn.
Chính vì vậy, Lệ Thủy cũng đã rút ra được nhiều bài học trong dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh trên đồng. Ví dụ, giảm sử dụng giống cũ, dễ bị lây nhiễm đạo ôn, thay vào đó những giống mới kháng sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Vương cho thông tin: “Năm nay, Lệ Thủy cơ bản chuyển đổi các giống cũ sang giống mới tiến bộ và có tính kháng bệnh cao như Hương Việt, Hà Phát 3, Bắc Hương 9, nhóm lúa lai…Diện tích cơ cấu thay thế chiếm đến 80% tổng diện tích. Nhờ vậy, công tác phòng chống sâu bệnh cũng có hiệu quả hơn”.
Cũng theo ông Vương, hiện trên đồng ruộng Lệ Thủy, những vùng lúa chưa trổ đã giảm cơ bản đạo ôn lá. Những vùng trổ cũng chỉ phát hiện đạo ôn cỏ bông với tỷ lệ từ 1-2%. “Chúng tôi chỉ đạo các xã, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và bà con nông dân bám ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời bệnh đạo ôn cổ bông”, ông Vương nhấn mạnh.
Tại huyện Quảng Trạch, đến giữa tháng 3, đã có khoảng 135 ha lúa bị sâu bệnh. Trong đó, 32 ha bị nhiễm đạo ôn lá, 42 ha bị bọ trĩ phá hoại, 13ha bị rầy nâu, rầy lưng trắng...Diện tích bị ảnh hưởng tập trung ở các xã Quảng Châu, Quảng Thanh, Quảng Lưu, Quảng Phương...
Để kịp thời phòng trừ, bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao, huyện Quảng Trạch đang chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc BVTV theo quy định. Đồng thời khuyến cáo nông dân kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh để kịp thời ngăn chặn.
Tính đến thời điểm ngày 31/3, Quảng Bình còn 270 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá. Trong đó, Lệ Thủy 165 ha, Tuyên Hóa 60 ha, Minh Hóa 35 ha... Tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 7%, nơi cao 15 - 20%, bệnh chủ yếu cấp 1 - 3.
So với cùng kỳ ba năm gần đây, sâu bệnh gây hại là không đáng kể. Hiện lúa đã trổ gần ½ diện tích, qua kiểm tra chưa thấy bệnh đạo ôn cổ bông gây hại. Rầy nâu có phát sinh trà lứa mới nở tại một số địa phương.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cùng với các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của các đối tượng đặc biệt như bệnh đạo ôn cổ bông và rầy nâu ở các vùng thường gây hại vào giai đoạn lúa trổ và trên các giống nhiễm.
“Qua đó, giám sát chặt tình hình sâu bệnh và tác động kịp thời để có được vụ mùa thắng lợi”, ông Lê Xuân Tứ nói.