| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Quăng quật chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 06/06/2019 , 09:59 (GMT+7)

Nhìn vào tấm bản đồ biểu thị các tỉnh đã bị dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) thấy kéo dài từ các tỉnh miền Bắc vào đến tận Nam bộ, trên màu xanh hiển thị ở khu vực miền Trung chỉ còn một chấm nhỏ màu trắng, đó là Quảng Bình, tỉnh chưa bị dịch.

14-47-53__1-_ky_cm_ket
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Bình vận động nhân dân ký cam kết. Ảnh: NTP.

Ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tỉnh huy động các lực lượng và người dân cùng tham gia vào việc phòng chống DTLCP. Các địa phương chủ động thành lập các tổ, trạm kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ở vùng có dịch vào địa bàn. Đồng thời thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng…”.
 

Vận động từng nhà

Suốt trong tháng 5, lực lượng liên ngành do Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh phụ trách thay nhau về các địa bàn huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (nơi tiếp giáp với huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh), huyện Lệ Thủy (nơi giáp với huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị) để làm nhiệm vụ vận động các hộ gia đình có dịch vụ mổ lợn, mua bán, vận chuyển lợn không tham gia dưới bất cứ hình thức nào để vận chuyển thịt lợn, lợn từ vùng dịch vào địa bàn.

Ông Trần Công Tám - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Bình cho hay, nhiều ngày liền anh em lăn lộn ở cơ sở để vận động và động viên các hộ gia đình ký cam kết không vi phạm 5 điều về mua bán, vận chuyển, khai báo… trong việc kinh doanh mặt hàng liên quan đến lợn.

“Ban đầu, nhiều hộ gia đình cũng bất hợp tác lắm. Nhưng sau thấy anh em trong tổ công tác phân tích và cũng đưa ra những biện pháp cứng rắn nên cơ bản chấp hành hết” - ông Tám cho hay. Nhiều hộ gia đình mua sắm ô tô tải để mua bán lợn từ vùng này qua vùng khác đã tự giác ký cam kết không vi phạm.

14-47-53__2-_o_trm_kiem_dich_phi_bc
Phun hóa chất ô tô vận chuyển lợn ở chốt kiểm dịch phía Bắc Quảng Bình. Ảnh: NTP.

Bà Ngô Thị Lý (xã Quảng Thạch) có xe ô tô chuyên mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn 2 tỉnh bộc bạch: “Thực sự thì thấy dịch làm tổn hại đến đàn lợn ghê gớm. Qua báo đài thấy thiệt hại rất kinh khủng. Nay gia đình tôi sẽ chấp hành tốt, không vi phạm. Chỉ mong sao tỉnh giữ được an toàn trước dịch”.
 

Trắng đêm gác chắn

Hiện Quảng Bình tiếp tục duy trì 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời (chốt KDĐV) có barie tại hai đầu địa phận tỉnh trên QL 1A và trên đường Hồ Chí Minh. Lực lượng ở các chốt này bao gồm thú y, công an, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và đại diện chính quyền địa phương.

Anh Phạm Văn Kỳ - Trưởng chốt KDĐV phía Nam cho biết, anh em làm việc cật lực từ ngày đến đêm. Ban đêm cũng tăng cường lực lượng để đề phòng ô tô vượt trạm. Tại trạm này, lực lượng phát hiện ô tô biển số 36C-110.93 vận chuyển trên 170 con lợn không đủ giấy tờ hợp lệ. Chốt đã bố trí ăn ở cho lái xe, cung cấp nước tắm cho lợn và khẩn trương lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 3 (ở TP Vinh - Nghệ An) xét nghiệm. “Sau khi có kết quả âm tính, trạm hoàn thiện hồ sơ kiểm dịch tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng lưu thông” - anh Kỳ nói.

14-47-53__3-_kiem_tr_o_trm_phi_nm
Kiểm tra ở chốt kiểm dịch phía Nam. Ảnh: NTP.

Khi anh em đang trao đổi công việc thì ô tô mang biển số 82C-031.04 do anh Lê Văn Bình (quê Vĩnh Phúc) điều khiển chở hơn 200 con lợn nhập hàng tại Thừa Thiên - Huế từ từ dừng trước chốt. Lực lượng thú y khẩn trương kiểm tra thủ tục, kiểm tra hàng hóa và thực hiện phun tiêu độc, khử trùng. Lái xe Bình tỏ ra thoải mái: “Tôi đã khai báo ở trạm phía Bắc rồi. Được anh em hướng dẫn vào trạm phía Nam báo cáo trước khi vào địa phận tỉnh Quảng Trị nên tôi chấp hành”.

Thời gian gần đây, anh em phát hiện có con đường đất đỏ từ xã Vĩnh Cấp (Vĩnh Long - Quảng Trị) chạy vòng sau lưng trạm đi ra Sen Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) có hiện tượng người dân dùng xe máy kéo xe ba gác chở lợn né trạm. “Anh em phải trắng đêm để tuần tra, ngăn chặn ở đó. Qua đó cũng phát hiện, bắt giữ được 2 trường hợp” - anh Kỳ nói thêm. Được biết từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, chốt kiểm dịch tạm thời Nam Quảng Bình đã kiểm soát được 786 xe vận chuyển lợn với hơn 154.000 con.

Đêm ở chốt KDĐV phía Bắc không hề yên tĩnh. Lực lượng liên ngành trực không rời. Anh Nguyễn Văn Phương- chốt trưởng cho hay, từ lúc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị DTLCP là anh em hằng đêm không ngủ. Dù chưa có trường hợp nào chống đối hay cố tình bỏ qua trạm nhưng anh em phải thức để làm đúng, làm đủ, tạo điều kiện cho chủ hàng. Cũng do miền Trung vào dịp nắng nóng nên hầu hết ô tô vận chuyển lợn đều tranh thủ đi ban đêm cho mát. Vì vậy, các trạm kiểm dịch không thể lơ là.

Phun tiêu đọc khử trùng ở gia trại. Ảnh: NTP.

Ngoài những tuyến gia thông chính, lực lượng thú y cũng kiểm tra và phát hiện 2 tuyến đường "tiểu ngạch" mà tư thương có thể vận chuyển lợn bị bệnh không qua trạm kiểm dịch. Đó là tuyến đường từ xã Quảng Đông đi Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) và tuyến từ xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) nối với xã Lỳ Lạc (huyện Kỳ Anh). Ngay sau đó, lực lượng ở trạm đã thay nhau tuần tra để ngăn chặn việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch vào.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lập các chốt chặn nghiêm ngặt trên những tuyến đường này” - ông Trần Công Tám cho biết.

"Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho các địa phương 10.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và 700 bộ áo quần chống dịch. UBND tỉnh đã cấp 800 triệu đồng kinh phí mua hóa chất, dụng cụ, vật tư, trang thiết bị, phí xét nghiệm và kinh phí hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí, hóa chất, kit test nhanh DTL CP. Bổ sung quy hoạch cho Quảng Bình có Trạm Kiểm dịch động vật vào hệ thống kiểm dịch đầu mối giao thông”. - Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Bình.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.