Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngư dân Quảng Bình vẫn tích cực bám biển, bám ngư trường để đưa sản lượng khai thác đạt gần 72.000 tấn, tăng 3,5% so với năm trước.
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì định hướng của ngành là tăng cường hoạt động đội tàu khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghiệp vụ nghề cá cho ngư dân đã được quan tâm. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi theo dõi, nắm bắt nhu cầu của ngư dân để triển khai thực hiện kịp thời việc đào tạo”.
Từ các lớp đào tạo, đã có hàng ngàn ngư dân được đào tạo kỹ thuật thuyền viên, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá... để đủ năng lực cho những chuyến khai thác ngư trưởng xa, dài ngày.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho hàng trăm ngư dân. Trong đó, đã có gần 200 ngư dân được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng III.
“Từ công tác đào tạo này đã góp phần trang bị các kỹ năng về khai thác cho ngư dân. Đồng thời, qua đó lao động trên tàu cá có đủ chứng chỉ chuyên môn để được cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá”- ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
Gia đình ngư dân Ngô Bưu ở Bảo Ninh (Thành phố Đồng Hới) có ba bố con cùng đi tàu cá. Ông Ngô Bưu cho hay, nhờ có chính sách hỗ trợ đào tạo nên 3 cha con ông đã học và được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. “Từ đó, khi bám biển thì tâm lý cũng rất vững vàng. Ngoài kinh nghiệm biển dã thì mỗi người đã được trang bị kiến thức kỹ thuật, về pháp luật, thủ tục hành chính”- ông Bưu cho hay.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo cho ngư dân, Chi cục Thủy sản đã xây dựng và đề xuất phương án kiện toàn bộ máy đơn vị. Thực hiện sắp xếp, bố trí viên chức theo các Nghị định của Chính phủ nhằm tinh gọn, hiệu quả hoạt động.
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng luôn được quan tâm. Đơn vị đã tạo điều kiện cho gần 20 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Nhằm hỗ trợ cho ngư dân bám biển, bám ngư trưởng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chi cục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đề cao nhiệm vụ phục vụ. Lãnh đạo Chi cục chỉ đạo bộ phận “một cửa” thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và hoàn trả hồ sơ chặt chẽ, đúng hạn.
“Chỉ tính riêng trong năm 2021, chúng tôi đã thực hiện trên 1.200 thủ tục hành chính. Qua đó, ngư dân được thông suốt trong khâu thủ tục tạo tư tưởng phấn chấn khi ra khơi. Ngoài ra, việc ghi chép, lưu trữ chặt chẽ, khoa học giúp cho việc khai thác sử dụng tiện ích, cập nhật tiến độ quá trình giải quyết lên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh”- ông Linh chia sẻ thêm.
Để ngư dân an tâm bám biển, Chi cục Thủy sản Quảng Bình xây dựng và triển khai tốt phương án phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nghề cá. Đó là việc duy trì tốt thông tin liên lạc với tàu cá trên biển, nắm bắt tình hình tai nạn để nhanh chóng, kịp thời tham mưu ứng cứu và báo cáo Sở NN-PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có biện pháp hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại.
Trong năm qua và những tháng đầu năm nay, đã có 4 trường hợp tàu cá bị chìm. Trong đó, 2 tàu cá đang hoạt động bị chìm do phá nước, 2 tàu cá bị chìm do va chạm với tàu lạ. Tất cả các ngư dân đã được cứu hộ kịp thời nên không tổn thất về người.
“Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT, Công đoàn ngành tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình ngư dân gặp nạn kịp thời”- ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.