| Hotline: 0983.970.780

Quế vụ xuân vào mùa, giá cao chưa từng có

Thứ Sáu 15/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

LÀO CAI Mùa thu hoạch vụ xuân năm nay, giá các sản phẩm quế tại Lào Cai đang tăng cao nhất từ trước đến nay, giúp bà con rất phấn khởi.

Quế "đắt hàng như tôm tươi"

Những ngày trung tuần tháng 4 này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang tiến hành thu hoạch quế vụ xuân bán cho tư thương đến tận nơi thu mua. Ai nấy đều  phấn khởi vì quế trúng giá cao nhất từ trước tới nay, trung bình vỏ quế tươi và khô tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg so với năm 2021.

Các thương lái đến tận từng hộ thu mua tất cả các sản phẩm từ cây quế, kể cả lá quế với giá cao. Ảnh: Xuân Cường.

Các thương lái đến tận từng hộ thu mua tất cả các sản phẩm từ cây quế, kể cả lá quế với giá cao. Ảnh: Xuân Cường.

Vụ xuân năm 2022, mặt hàng quế tiêu thụ thuận lợi, trong khi vùng quế Cốc Ly đã bắt đầu cho thu hoạch rộ nên anh Sùng Seo Sà, chủ đại lý thu mua quế ở xã Cốc Ly tranh thủ thu gom hàng để xuất bán theo ký kết với các tổng đại lý, công ty.

Vốn là người dân trồng quế, kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp, mở đại lý thu mua quế, anh Sà cho biết trong vòng 5 năm qua, giá quế luôn được giữ ở mức cao, ổn định, tiêu thụ thuận lợi, đặc biệt năm 2022 là năm giá quế cao nhất từ trước tới nay nên cả người dân trồng quế và tư thương đều rất phấn khởi.

Anh Sùng Seo Sà hồ hởi cho biết: Sau hơn chục năm trồng ngô hàng hóa, buôn bán ngô, lúa và 5 năm đổ lại đây là kinh doanh dịch vụ vận tải và mở đại lý thu mua quế nên giờ cũng đã có kinh nghiệm và vốn tích lũy. Hiện nhà anh có 2 xe ô tô để chuyên chạy thu mua quế cho bà con trông xã.

Mấy năm nay, quế bắt đầu tăng giá cao. Nhờ đó, các xã ở khu hạ của huyện Bắc Hà như Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu và Bảo Nhai... có diện tích quế trồng lâu năm đã khá giả lên rất nhanh từ cây quế. Tại xã Cốc Ly, bà con chỉ mới trồng quế khoảng chục năm trở lại đây và bắt đầu cho thu hoạch tỉa cây, chủ yếu là thu bán lá cành quế.

Vụ xuân năm 2022 này, các diện tích quế ở xã Cốc Ly bắt đầu cho thu hoạch rộ. Ngoài cành, lá, nhiều hộ đã tỉa cây bán vỏ quế vì giá cao hơn mọi năm. Cùng với xã Nậm Lúc, Cốc Ly cũng là xã có điều kiện đất đai rất tốt và phù hợp với cây quế nên trồng quế lớn nhanh hơn các xã khác, chất lượng quế cũng khá tốt.

Với việc giá quế tăng cao, đầu ra ổn định, trồng ngô, lúa lãi ít hoặc thua lỗ do giá phân bón, vật tư ngày một tăng, nhiều hộ dân xã Cốc Ly chỉ trồng một phần ngô, lúa, còn lại đã và dang trồng mới cây quế. Ảnh: Xuân Cường.

Với việc giá quế tăng cao, đầu ra ổn định, trồng ngô, lúa lãi ít hoặc thua lỗ do giá phân bón, vật tư ngày một tăng, nhiều hộ dân xã Cốc Ly chỉ trồng một phần ngô, lúa, còn lại đã và dang trồng mới cây quế. Ảnh: Xuân Cường.

Hiện nay, Cốc Ly cùng với Nậm Lúc là vùng trọng điểm trồng quế của huyện Bắc Hà với diện tích lớn, quế đang giai đoạn cho thu hoạch rộ và cũng là địa bàn mà các tư thương, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu quế trong và ngoài tỉnh tìm tới hoạt động rất nhộn nhịp.

Người dân xã Cốc Ly cho biết, vụ thu hoạch quế vụ xuân năm 2022 bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay. Vỏ quế khô đang được tư thương và các doanh nghiệp thu mua ở mức từ 58 - 59 ngàn đồng/kg, tăng 4 ngàn đồng/kg; vỏ quế tươi 28 - 30 ngàn đồng/kg, tăng 6 - 7 ngàn đồng/kg; lá quế từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm quế thu hoạch đến đâu có thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua đến đó. Người trồng quế còn có thể tận thu bán lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định.

Trồng cây quế mới khá lên được

Gia đình anh Lý Văn Đản, dân tộc Dao, 40 tuổi, ở thôn Thẩm Phúc (xã Cốc Lý) có khu đồi hơn 5.000 gốc quế đã được 9 năm tuổi. Anh Đản cho biết đầu năm 2022 này, trồng ngô, lúa vụ xuân rất khó khăn do giá phân bón, vật tư tăng cao. Vì vậy nhờ giá quế tăng cao, cây quế của gia đình cũng đã lớn nên anh Đản bắt đầu thu tỉa cây quế vừa để đồi quế bảo đảm mật độ cây sinh trưởng và phát triển tốt, vừa có thêm nguồn thu cải thiện đời sống.

Với hơn 500 cây quế thu tỉa, từ bán vỏ quế, cành lá và gỗ, gia đình anh Đản đã thu được hơn 50 triệu đồng. "Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình mình! Trồng ngô, lúa vất vả nhưng không có lãi bằng quế, huống chi bây giờ phân bón, vật tư tăng giá, trồng không khéo lỗ, trồng chút ít để lấy lúa gạo ăn và ngô để chăn nuôi vài con lợn, hơn chục con gà làm thực phẩm phục vụ đời sống, còn lại đất để trồng quế; tập trung chăm quế mới khá lên được", anh Đản nói.

Cốc Ly đã và đang hình thành vùng trọng điểm trồng quế ở khu hạ huyện Bắc Hà. Ảnh: Xuân Cường.

Cốc Ly đã và đang hình thành vùng trọng điểm trồng quế ở khu hạ huyện Bắc Hà. Ảnh: Xuân Cường.

Ông Mã Quốc Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết với hiệu quả lớn từ cây quế, xã Cốc Ly xác định cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững, từng bước giúp bà con vươn lên làm giàu nên đã chú trọng mở rộng diện tích, nhất là phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.

Hiện tổng diện tích quế toàn xã trên 1.200ha, cây quế rất thích hợp với đất đồi vùng cao Cốc Ly, đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Xã đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng quế; chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại quế; xây dựng quy hoạch vùng và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế, sả nhằm chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong xã nói riêng và khu vực hạ huyện nói chung.

Cây quế trên đất đồi vùng cao Cốc Ly đã và đang góp phần giúp nâng cao đời sống của đồng bào Mông, Dao, Nùng…, từ đó bà con có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng vùng cao Cốc Ly ngày một đổi mới, ấm no, giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm cụm xã ở khu vực hạ huyện vùng cao Bắc Hà.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.