Du khách Trung Quốc ở Nhật Bản |
Chính quyền Bắc Kinh gần đây lại có xu hướng sử dụng du khách nước này như một công cụ ngoại giao, lan toả “quyền lực mềm” với các quốc gia trong khu vực.
Tiêu nhiều, nhưng cũng gây phiền toái
Palau khoảng một thập niên trước từng là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch ưa sự yên tĩnh, nguyên sơ và kỳ thú. Đảo quốc ở Thái Bình Dương này có dân số hơn 21.500 người, nhưng lại đón lượng khách du lịch rất lớn hàng năm. Các dịch vụ đặc biệt được khách du lịch yêu thích ở Palau là bơi thuyền, lặn ngắm san hồ, các loài cá lạ…
Thế rồi, khách Trung Quốc đến Palau ngày một đông. Năm 2015, Palau đón con số cao điểm 88.476 khách Trung Quốc. Ngành du lịch đảo quốc này hốt bạc, nhưng chính quyền thì lo ngay ngáy bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chính quyền Palau đã phải giảm một nửa số lượng chuyến bay từ Macao hay Hong Kong tới đây.
Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), tình trạng ở Palau cũng là vấn đề đối với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, nơi du khách Trung Quốc thực sự là đối tượng dễ mến về mặt tiêu dùng, nhưng đồng thời lại gây nên những mối lo lớn về xã hội, môi trường. Thống kê của Tổ chức lữ hành quốc tế thuộc LHQ cho thấy, du khách Trung Quốc chi tiêu rất mạnh tay khi đi nước ngoài. Năm 2012, khoảng 83 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch ngoài nước, chi 102 tỉ USD. Đến năm 2015, người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đạt con số 100 triệu và năm 2017 là hơn 130 triệu.
Theo tính toán, trung bình một khách Trung Quốc tiêu khoảng 3.000 USD. Năm 2017, người Trung Quốc khi đi du lịch ngoài nước đã chi số tiền lên tới 258 tỉ USD, cao hơn nhiều so với du khách Mỹ (135 tỉ USD), Đức (83 tỉ USD) hay Anh (63 tỉ USD)… Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore…đều là những điểm đến được khách du lịch Trung Quốc lựa chọn.
Dĩ nhiên, chính quyền địa phương các nước trên cũng không bỏ lỡ cơ hội “hốt bạc”. Hầu hết các nhà hàng ở đảo Bali (Indonesia) đều có thực đơn tiếng Trung. Cũng không khó để kiếm được một thu ngân nói được tiếng Trung Quốc. Tại Indonesia, khách Trung Quốc chiếm 14% tổng khách du lịch năm 2017, và 2/3 trong số này đến Bali.
Công cụ quyền lực
Theo Nikkei, chính quyền Bắc Kinh mới đây là hợp nhất Bộ Văn hoá và cơ quan du lịch nước này thành Bộ Văn hoá và Du lịch. Quyết định này theo giới phân tích, cho thấy Bắc Kinh muốn sử dụng lợi thế đông đảo của người Trung Quốc du lịch nước ngoài làm quyền lực mềm, cũng như gia lan toả văn hoá Trung Quốc ra khu vực và thế giới.
Có thể thấy rõ điều này qua việc, chính quyền Bắc Kinh thường hạn chế lượng khách trong nước tới một nước nào đó khi xảy ra căng thẳng. Một ví dụ điển hình là năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế công dân du lịch sang Hàn Quốc để phản đối việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn mới (THAAD) của Mỹ. Ngành du lịch Hàn Quốc đã chịu mức thâm hụt kỷ lục do quyết định này từ Bắc Kinh.
Đài Loan là một ví dụ khác, khi cũng chịu lệnh cấm tương tự sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền. Do tư tưởng độc lập, bà Thái đưa Đài Loan theo hướng không chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã hạn chế công dân tới Đài Loan. Hoặc Palau, cũng từng ghi nhận lượng du khách Trung Quốc giảm kỷ lục chỉ vì quan hệ với Đài Loan, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh.
Nỗi lo sinh thái khiến cho chính quyền Krabi ở Thái Lan vừa qua đã quyết định đóng cửa vịnh Maya 4 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2018 để khôi phục hệ sinh thái vịnh. Trước đó, Maya đã đón lượng lớn khách Trung Quốc. Đảo Boracay của Philippines cũng bị đóng 6 tháng vì lý do môi trường.