Báo NNVN đã từng phản ánh ngày 17/5/2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 2397/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ” của HTX liên minh chăn nuôi Phúc Thọ (HTX). Theo đó, dự án được triển khai trên 2,5 ha tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ trong 49 năm, với số vốn 25 tỷ đồng. Chủ trương này được HĐND thành phố thông qua tại nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 4/12/2018.
Đây là dự án thuộc trường hợp nhà nước cho thuê đất không qua đấu giá. Kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng do thành phố chi trả.
HTX đã hoàn tất mọi thủ tục chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội bàn giao bản định vị mốc ngày 20/12/2018. UBND huyện Phúc Thọ đã có thông báo thu hồi đất số 170/TB-UBND; quyết định bồi thường số 448/QĐ-UBND với tổng kinh phí bồi thường 7,5 tỷ đồng và ra thông báo niêm yết công khai phương án bồi thường số 11/TB-UBND. Tất cả đã sẵn sàng nhưng UBND huyện Phúc Thọ lại yêu cầu HTX phải ứng trước 7,5 tỷ đồng thì mới giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.
Sau rất nhiều đơn từ, công văn ngày 30/3/2020, UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với huyện Phúc Thọ và các sở, ban, ngành liên quan giải quyết dứt điểm việc giao đất cho HTX, báo cáo UBND thành phố trước ngày 10/4/2020.
Hơn 70 xã viên của HTX phấp phỏng chờ đợi với bao hy vọng, nhưng mãi đến ngày 5/8/2020, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản số 3640/UBND-KT “v/v trả lời đơn của HTX liên minh chăn nuôi huyện Phúc Thọ” do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu ký. Văn bản này khiến xã viên của HTX vô cùng thất vọng và bức xúc, bởi UBND thành phố đã bác toàn bộ đề nghị của HTX về việc được giao đất để thực hiện dự án.
Căn cứ để ông Nguyễn Văn Sửu bác đề nghị giao đất của HTX là khoản 3, điều 45 quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017. Theo đó thì HTX phải “đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí để chi trả tiền bồi thường hỗ trợ và kinh phí cho tổ chức thực hiện bồi thường”; khoản 2 điều 18 quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội “đối với trường hợp phải bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư, bố trí đủ kinh phí để thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo quy định” và khoản 2, điều 1 nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 4/12/2018 của HĐND thành phố “các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo đủ kinh phí giải phóng mặt bằng”.
Phải công nhận ông Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trích dẫn đúng, đủ các quyết định và nghị quyết nói trên. Nhưng các quyết định và nghị quyết đó còn dưới các nghị định của chính phủ. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của chính phủ đã nói rất rõ về trường hợp này trong khoản c điều 32 rằng “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh”.
Còn khoản 2 điều 13 nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, còn quy định rõ ràng hơn “đối với trường hợp đối tượng thuê đất không thông qua hình thức đấu giá và người được nhà nước cho thuê đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được trừ số tiền đã ứng trước vào tiền thuê đất phải nộp theo phương án được duyệt, mức trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp. Đối với số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng còn lại chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được trừ vào vốn đầu tư của dự án.
Những quy định trên của 2 Nghị định 46;47, không gì có thể rõ ràng hơn. Dự án Dương Hạ là dự án thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội. HTX là đối tượng được nhà nước cho thuê đất không qua hình thức đấu giá. Vì vậy, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng lấy đất giao cho HTX để thực hiện dự án là kinh phí của thành phố. Nếu HTX có vốn để “tự nguyện” ứng trước cho việc giải phóng mặt bằng thì ghi nhận, và số tiền đã ứng trước sẽ được trừ vào tiền thuê đất sau này. Còn nếu HTX không có vốn, hay có nhưng không “tự nguyện” ứng trước, thì UBND thành phố vẫn phải bỏ kinh phí ra để giải phóng mặt bằng. Chữ nghĩa trong nghị định đã rõ ràng, rành mạch như thế, còn gì để phải bàn cãi nữa ?
Theo quy định thì một khi văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp dưới mâu thuẫn với văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, thì phải giải quyết theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên. Hơn thế nữa, các nghị định số 46;47 của chính phủ được ban hành từ năm 2014. Còn các quyết định số 10, số 11 của UBND thành phố Hà Nội mãi năm 2017 mới được ban hành.
Một dự án chỉ có 2,5 ha, với mức bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ 7,5 tỷ, việc nhỏ như cái tăm đối với TP Hà Nội, thế mà từ năm 2018 đến nay, qua cả núi công văn giấy tờ, vẫn không giải quyết được, trong khi chuồng trại của HTX thì bỏ hoang, hơn 70 xã viên của HTX thất nghiệp.