Theo đó, con rắn hai đầu được các học sinh tiểu học phát hiện ngay trong khuôn viên bãi cỏ nhà trường trong khi đang thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh vào lúc 7 giờ sáng thứ Hai đầu tuần. Nơi con rắn lạ xuất hiện là ngôi trường tiểu học Dayou, ở thị trấn Zhongpu thuộc quận Gia Nghĩa.
Nhìn bằng mắt thường, con rắn hai đầu này khá dài, với dải da hai màu trắng xám nằm cuộn tròn trong bãi cỏ. Giám hiệu nhà trường Lin Chun-jung sau khi nhận được tin báo đã dùng chổi hốt con rắn hai đầu này vào một cái xô nhựa.
Ông Lin cho hay, từng làm việc nhiều năm ở vùng nông thôn và miền núi nên ông không sợ rắn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các học sinh, ông đã gọi điện cho sở cứu hộ địa phương cử người đến để xử lý con rắn lạ hai đầu này.
Một lúc sau, các thành viên đội chuyên xử lý ong và rắn của cơ quan cứu hộ quận Gia Nghĩa đã tới hiện trường. Khi kiểm tra con rắn, họ cho biết nó chỉ dài khoảng 10 cm và xác định nó là một con rắn sói Formosa (Lycodon ruhstrati), thuộc họ rắn nước không có nọc độc, đặc hữu của Đài Loan.
Hsu Shao-tang, Chủ tịch Hiệp hội Cứu hộ quận Gia Nghĩa cho biết, mặc dù giá trị thị trường của con rắn lạ này là khoảng hơn 1 triệu Đài tệ (36.000 USD), nhưng ông đã quyết định tặng nó cho Trường Đại học Quốc gia Gia Nghĩa để phục vụ mục đích nghiên cứu. Ông Hsu cho rằng, hiện tượng đột biến hai đầu của con rắn này có thể là do bị ô nhiễm thuốc trừ sâu trong môi trường.
Chuyên gia về bò sát Li Yu-ling cho hay, con rắn lạ hai đầu này là hai cá thể riêng biệt nhưng có chung một cơ thể. Cả hai chiếc đầu đều hoạt động riêng biệt và thường xung đột với nhau. Ông nói rằng rất khó để những sinh vật như vậy tồn tại lâu trong tự nhiên, và thường bị tử vong trong vòng một tuần đến một tháng. Tuy nhiên, khi được chăm sóc trong cơ sở nghiên cứu, ông Li nói rằng con rắn có thể sống trong một khoảng thời gian dài hơn nữa.