| Hotline: 0983.970.780

Rào cản bủa vây thủy sản Nghệ An: [Bài 3] Nỗi lo luồng lạch bồi lắng triền miên

Thứ Tư 17/04/2024 , 08:35 (GMT+7)

Nguồn lợi khai thác giảm sút trầm trọng khiến nhiều người phải bỏ nghề, số trụ lại đối diện với muôn vàn âu lo, thực trạng bồi lắng luồng lạch gây bất an hơn cả.

Bồi lắng luồng lạch là nỗi khiếp đảm với các phương tiện khai thác nghề biển. Ảnh: Việt Khánh.

Bồi lắng luồng lạch là nỗi khiếp đảm với các phương tiện khai thác nghề biển. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu thuyền "ngại" vào cảng

Hòa theo xu thế phát triển chung, những năm qua, ngư dân khắp các vùng biển Nghệ An không ngừng đầu tư, mua sắm thuyền to máy lớn hòng đánh bắt những con cá to, những sản phẩm chất lượng cao. Dù vậy, toan tính trên khó thành, chí ít là ở thời điểm hiện tại.

Không hẹn mà gặp, trực tiếp các bên liên quan, từ cơ quan chức năng đến chính quyền địa phương, đặc biệt là số đông lao động nghề biển đều khẳng định, ngành nghề thủy sản đang bị bủa vây bởi quá nhiều rào cản, thách thức, thực tâm rất khó để bứt lên trong thời điểm này.

Trên thực tế, ngư dân phải chấp nhận đầu tư “vượt cấp”, chung quy vượt quá khả năng cho phép, có điều hiệu quả đánh bắt quá èo uột, vô hình trung không bù đắp nổi chi phí khổng lồ bỏ ra. Thua lỗ kéo dài mải miết khiến nhiều chủ tàu không gắng gượng nổi, hệ quả là nợ nần chồng chất, sau cuối là bỏ nghề.

Đây là giai đoạn khó khăn của ngành thủy sản Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là giai đoạn khó khăn của ngành thủy sản Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Ngư trường khai thác ngày một cạn kiệt, nguồn lợi trên biển giảm sút không phanh, khi miếng cơm manh áo không được đảm bảo tất sẽ dẫn đến tâm lý bất an. Ngặt nỗi, bấy nhiêu trên chưa hết, thực tế còn nhiều nỗi lo vô hình khác. Rõ nhất là thực trạng bồi lắng cửa lạch nặng nề gây ảnh hưởng lớn đến việc bốc, dỡ hàng hóa qua cảng, sản lượng thâm hụt cũng từ đây mà ra.

Thâm niên trong nghề hàng chục năm trời, trực tiếp cùng anh em đồng nghiệp xông pha làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Trần Châu Thành, Trưởng phòng Kiểm ngư - Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, hiểu rõ nằm lòng những khó khăn, vướng bận.

Ông Thành kể, mấy năm trở lại đây luồng, lạch trên địa bàn ngày một cạn, rõ nét nhất là địa phận cảng Cửa Hội. Ngày trước cũng khó nhưng nắm rõ quy luật vẫn ứng phó được, lâu nay không mấy khả thi, chung quy tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm:

“Quá trình bồi lắng liên khồi khiến lạch Hội cạn đi trông thấy, không chỉ cạn mà lệch hẳn luồng, trước kia phao chỉ dẫn chếch về hướng Cửa Hội nhưng nay xê dịch hàng trăm mét theo chiều ngược lại, biến động quá lớn. Để hạn chế rủi ro, các chủ tàu phải nhờ vả người bản địa làm hoa tiêu, họ sử dụng thuyền, nốc ((phương ngữ) thuyền có mui - PV) nhỏ vào ra thường xuyên nên dễ định hình đường đi lối lại.

Dù vậy, cũng không đảm bảo được an toàn tối đa. Đành rằng tàu nhỏ dễ luồn lách nhưng độ chịu va đập kém. Thực tế, một số tàu giã kéo của ngư dân Cửa Hội bị “mắc cạn” ở giữa dòng, sau đó bị sóng đánh chìm nghỉm. Riêng tàu lớn của kiểm ngư hay cảnh sát biển, muốn ra vào phải phụ thuộc vào con nước, có khi phải chờ từ sáng đến tối mới cập cảng thành công”.

Tìm một bến đỗ phù hợp không phải là chuyện dễ với phương tiện có kích thước lớn như tàu kiểm ngư Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tìm một bến đỗ phù hợp không phải là chuyện dễ với phương tiện có kích thước lớn như tàu kiểm ngư Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều người vẫn nhớ như in sự cố xảy đến vào cuối tháng 12/2022, lúc này, tàu cá của anh Nguyễn Khắc Thái, trú tại phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) đang trên đường trở về sau chuyến khai thác, khi di chuyển đến khu vực lạch Hội thì mắc nạn. Nhờ điện báo ứng cứu kịp thời nên các thuyền viên may mắn giữ được tính mạng, có điều thiệt hại kinh tế vụ này lên đến 400 triệu đồng. Đáng nói, chỉ vài ngày trước đó, tàu cá của Nguyễn Khắc Hiền, em trai anh Thái, cũng bị đắm tại chính nơi này.

Cảng trưởng cảng Cửa Hội, ông Nguyễn Đình Thi khẳng định, lúc đỉnh điểm có hàng chục tàu cá công suất lớn vào neo đậu, phần nhiều thuộc 2 tỉnh Quảng Ngãi và Nam Định. Những năm trở lại đây, số lượng tàu thuyền ra vào giảm mạnh, đặc biệt là sau sự cố nêu trên. Riêng từ tháng 6/2023 đến nay, chỉ sót lại duy nhất tàu 67 của ông Nguyễn Sỹ Thiết, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

"Cơ sở hạ tầng trong cảng Cửa Hội khá đồng bộ nhưng khu vực ngoài cửa lạch chưa tương xứng, quá trình bồi lắng diễn ra thường xuyên, liên tục, trong khi phương án nạo vét, nâng cấp đang bị bỏ ngỏ. Trên 70% tàu cá ngoại tỉnh cập cảng, quãng đường di chuyển xa, thành thử phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó, lợi nhuận về sau giảm sút buộc họ phải tính toán chi ly, chọn phương án khả dĩ nhất để hạn chế tối đa rủi ro. Trường hợp của ông Thiết lại khác, do nhà gần bến, đi lại có phần thuận tiện hơn nên vẫn cố gắng duy trì", ông Thi cho biết.

Trong cảng Cửa Hội chỉ có duy nhất tàu cá của ông Nguyễn Sỹ Thiết neo đậu. Ảnh: Việt Khánh.

Trong cảng Cửa Hội chỉ có duy nhất tàu cá của ông Nguyễn Sỹ Thiết neo đậu. Ảnh: Việt Khánh.

Chỉ phục vụ duy nhất… 1 tàu cá suốt thời gian dài khiến nguồn thu Ban quản lý Cảng cá Nghệ An gần như về 0, việc này gây xáo trộn nghiêm trọng quá trình hoạt động của đơn vị này. Toàn ban có 33 con người nhưng hơn phân nửa là dạng hợp đồng lao động, nay mảng dịch vụ bế tắc toàn tập hẳn sẽ kéo theo nhiều biến động trong thời gian tới.

Trở lại với đường đi của tàu kiểm ngư Nghệ An, nhận thấy nguy cơ tiềm tàng tại khu vực cảng Cửa Hội, tầm 4, 5 năm trở lại đây đã “cậy nhờ” khu neo đậu của tư nhân tại cảng Cửa Lò để đưa phương tiện về đó. Mang tiếng ăn nhờ ở đậu, đan xen hàng loạt vấn đề lớn, nhỏ phát sinh nhưng phải chấp nhận, chung quy giữ an toàn tài sản Nhà nước vẫn quan trọng hơn cả.

Dư thừa trải nghiệm thực tế từ hàng trăm chuyến tuần biển, ông Thành và đồng nghiệp hiểu rõ cần phải làm gì để công việc chuyên môn không bị gián đoạn: “Nếu trời êm bể lặng thì đậu ngay cửa lạch là tiện lợi nhất, nhưng khi thời tiết bất thuận phải di chuyển vào cảng tránh trú nhằm đảm bảo an toàn. Dù vậy, phải tính toán số lượng tàu thuyền ra vào, hay con nước lên xuống để chủ động bố trí. Xác định vào được là ra ngay được, tránh rông dài, lê thê khoảng thời gian chết”.

Nạo vét luồng lạch, tính khả thi như muối bỏ biển

Khắc phục sạt lở, xử lý bồi lấp cửa sông, cửa biển để khơi thông dòng chảy là nhiệm vụ cấp bách của ngành thủy sản Nghệ An, để tháo gỡ nút thắt dai dẳng đòi hỏi nguồn lực lớn mới cáng đáng nổi. Tuy nhiên, việc phân bổ trên thực tế không nhiều, chung quy như muối bỏ bể.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Nghệ An thời điểm cuối năm 2023, nguồn vốn được cấp để nạo vét tuyến Lạch Quèn đạt hơn 54 tỷ đồng, áp dụng cho hơn 3km luồng lạch và bến neo đậu; cấp 20 tỷ cho tuyến lạch vạn (1km luồng lạch); cấp 20 tỷ nạo vét tuyến Lạch Cờn (1,2km luồng lạch); 96 tỷ nạo vét tuyến Lạch Thơi.

Quá trình khảo sát không dễ do địa điểm thực hiện ở vùng cửa sông, phụ thuộc nhiều vào dòng chảy đầu nguồn. Việc thi công còn gian nan gấp bội phần do luồng lạch lớn, trải dài, nguồn vốn có hạn nên chỉ nạo vét được những điểm cục bộ.

Nhu cầu nạo vét luồng lạch có Nghệ An rất lớn, tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp. Ảnh: Việt Khánh.

Nhu cầu nạo vét luồng lạch có Nghệ An rất lớn, tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp. Ảnh: Việt Khánh.

Triển khai dưới dạng giật gấu vá vai nên hiệu quả chỉ dừng lại ở mức tương đối, thậm chí khi hoàn thành đến mặt cắt thiết kế đã có hiện tượng bồi lấp từ những khu vực lân cận. Đánh giá sơ bộ, phần luồng lạch phía trong khá bền vững nhưng phần cửa lạch bên ngoài rất bất an.

Nằm trong số này là công trình nạo vét cửa lạch Vạn, thuộc địa phận 2 xã Diễn Thành, Diễn Kim của huyện Diễn Châu. Mục tiêu đặt ra là tăng khả năng thoát lũ cho sông Bùng, đảm bảo di chuyển thuận lợi cho tàu thuyền khai thác thủy sản, đồng thời tạo điều kiện tránh trú bão cho gần 800 tàu thuyền công suất lớn. Tham vọng lớn lao sớm bị dội một gáo nước lạnh, thiếu hụt kinh phí trầm trọng khiến dự án chẳng thể đi đến đích.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An chia sẻ: “Trực tiếp chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Thủy lợi khẳng định dự án nạo vét lạch Vạn cần tối thiểu 150 tỷ đồng, ngay cả như thế cũng chưa đảm bảo tính bền vững, chung quy chỉ mang tính thời điểm trước mắt mà thôi”.

Nút thắt chẳng biết đến bao giờ mới được tháo gỡ?

Nút thắt chẳng biết đến bao giờ mới được tháo gỡ?

Chủ đầu tư than trời vì kinh phí phân bổ nhỏ giọt, các nhà thầu bạc mặt ngay cả khi được phép tận thu. Trực tiếp xắn tay thực hiện một dự án nạo vét luồng lạch, đại diện một doanh nghiệp "máu mặt" trên địa bàn Nghệ An thừa nhận: “Diễn biến thực tế khác xa so với khảo sát ban đầu. Dòng chảy, địa chất dưới biển thực sự khó lường, mọi toan tính chỉ ở mức tương đối. Khối lượng thi công tăng, công cán tăng, tất phát sinh thêm nhiều chi phí, quả thực không lỗ đã là may”.

Không riêng gì lạch Hội, tại cảng Diễn Châu cũng bị bồi lắng trầm trọng, nhiều tuyến cát, bùn ùn ứ nhô cao, kéo dài ngút tầm mắt, lắm khi nước “ròng” chỉ cần xắn quần là lội qua được. Diễn biến tại 2 cảng lạch Quèn và lạch Cơn luồng tuyến có khá hơn nhưng tàu thuyền vẫn bị động, cơ bản phụ thuộc vào thủy triều, con nước.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất