Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kim Hỷ có tổng diện tích hơn 15.000ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gần 11.000ha, phân khu phục hồi sinh thái khoảng 3.000ha, còn lại là khu vực hành chính và vùng đệm. Khu bảo tồn này trải dài trên địa phận 7 xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông của tỉnh Bắc Kạn. Trước năm 2014, đây từng là điểm nóng về khai thác gỗ, khai thác vàng trái phép vì trong khu bảo tồn này có trữ lượng gỗ quý và khoáng sản vàng dưới lòng đất tương đối lớn.
Từ khi có chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, những năm gần đây Khu BTTN Kim Hỷ đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng và hỗ trợ phát triển cộng đồng các thôn vùng đệm nên tình hình vi phạm đã giảm rõ rệt.
Năm 2022, tổng diện tích rừng đặc dụng được giao khoán là 9.250ha cho 33 cộng đồng thôn, bản với mức khoán 150.000/ha/năm, tổng số tiền hơn 1 tỷ 300 triệu đồng.
Khi được giao khoán, các cộng đồng thôn bản đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng đặc dụng. Các thôn đã thành lập tổ tuần rừng, người dân đề cao cảnh giác với các đối tượng nghi vấn và cung cấp thông tin cho trạm kiểm lâm địa bàn để phòng ngừa, nên hầu hết các vụ vi phạm đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Anh Bàn Văn Quốc, trưởng thôn Thẳm Mu, xã Văn Lang (huyện Na Rì) cho biết, thôn có 26 hộ, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn khó khăn. Hiện nay thôn được hỗ trợ gần 100 triệu/năm (gồm gói hỗ trợ 40 triệu cho cộng đồng và tiền giao khoán bảo vệ rừng) đã tạo điều kiện để làm đường nông thôn, nhà văn hóa và mua cây, con giống cho bà con sản xuất. Hiện nay thôn đã thành lập 4 tổ tuần rừng, nhiều năm nay không để xảy ra phá rừng trong phạm vi được giao khoán.
Ngoài giao khoán rừng, hiện nay Khu BTTN Kim Hỷ cũng đang triển khai gói hỗ trợ các thôn vùng đệm, mỗi thôn 40 triệu đồng/năm, riêng năm 2022 đã hỗ trợ 34 thôn với gần 1.900 hộ được hưởng lợi.
Hầu hết các thôn bản được hỗ trợ đã đầu tư công trình công cộng như đường làng, ngõ xóm, xây nhà văn hóa, lắp đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời và hỗ trợ cây, con giống cho người nghèo.
Anh Hoàng Văn Hòa, trưởng thôn Chợ B, xã Côn Minh (huyện Na Rì) cho biết, thôn có 83 hộ, được hỗ trợ nên đường làng, ngõ xóm cơ bản đã hoàn thiện. Thôn đã xây dựng quy chế, người dân trong thôn không được vi phạm phát phá rừng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm nên 5 năm liên tục không để xảy ra vụ vi phạm phá rừng nào.
Trong khi đó, ông Nông Thiêm Du, trưởng thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng (huyện Na Rì) nhận định gói hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng có hiệu quả kép, vừa bảo vệ được rừng vừa nâng cao đời sống bà con. Nhưng người dân sống ở vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng rất ít đất sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, mức hỗ trợ 40 triệu/thôn/năm là còn rất thấp. Với những thôn đông người, mức hưởng thụ chia theo hộ không đáng là bao nên cần tăng mức hỗ trợ để bà con gắn bó hơn với rừng.
Phụ trách Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu BTTN Kim Hỷ, ông Lê Xuân Diệu đánh giá, từ khi được hỗ trợ cộng đồng thôn nhận khoán và các thôn vùng đệm đã chủ động thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng. Trước đây, một số thôn giao cho tổ bảo vệ rừng nhưng nay đã chuyển sang giao cho toàn bộ người dân trong thôn tham gia nên hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Nhờ có sự giám sát của cộng đồng nên hầu hết các vụ vi phạm ở quy mô nhỏ, được phát hiện kịp thời, thiệt hại không nhiều.
Trong năm 2022, Hạt kiểm lâm Khu BTTN Kim Hỷ đã lập hồ sơ 33 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử lý hành chính 30 vụ. Tang vật, phương tiện thu, giữ hơn 10m3 gỗ các loại, 14 máy cưa xăng. Nhưng trong số này, vụ vi phạm trong rừng đặc dụng chỉ là 03 vụ, con số này so với nhiều năm trước đã giảm rõ rệt.