Rừng và hạnh phúc
Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report - WHR) thường niên của Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc đưa ra 8 chỉ tiêu, trong đó có những tiêu chí liên quan mật thiết đến các vấn đề về môi trường như tiêu chỉ về số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, tiêu chí về phản ứng tích cực và phản ứng tiêu cực,...
Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng có mối liên quan đến các vấn đề về phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân như về thu nhập, việc làm,...
Từ năm 2016 đến năm 2022, Việt Nam từ vị trí 96 lên vị trí 77, đây là một thứ hạng tương đối cao so với một đất nước có mức thu nhập trung bình thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là quốc gia mà người dân sống khá lạc quan, yêu đời.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đó là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong phát triển đất nước.
Theo đó, Chỉ số hạnh phúc quốc gia có thể được định hình trên 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế để không ngừng gia tăng của cải vật chất, chú trọng phát triển xã hội thông qua tập trung vào cải thiện dân sinh và phát triển môi trường bền vững. Vấn đề Kinh tế - Xã hội - Môi trường được đề cập ở đây cũng chính là 3 trụ cột phát triển mà ngành lâm nghiệp hướng tới.
Trong những năm qua, thực hiện các chiến lược về phát triển lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp luôn đạt và vượt mức trong việc duy trì tỷ lệ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay tăng từ 41,19% lên 42,02% (tỷ lệ tăng 0.83% tương đương với khoảng 270.000ha rừng tăng thêm).
Để có được con số này, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh đạt nhiều kết quả. Cả nước đã trồng bình quân 235.000ha rừng tập trung/năm. Bình quân 221.000ha/năm rừng trồng sản xuất và khoảng 14.000 ha/năm rừng đặc dụng phòng hộ. Bên cạnh đó, cũng đã trồng bình quân 63 triệu cây phân tán/năm và khoanh nuôi tái sinh bình quân 278.000ha/năm.
Những kết quả trên đã góp phần vào nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Cụ thể, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân từ 5,5 - 6,0%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt không ngừng tăng lên, mang lại 17,09 tỷ USD vào năm 2022, trong đó có sự đóng góp từ khoảng 80% nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung trong nước với sản lượng khoảng 20,5 triệu m3/năm.
Từ trồng rừng, gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, ngành lâm nghiệp đã gián tiếp góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, thu hút trên 25 triệu lao động vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ để tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho người dân.
Cũng cần nói thêm, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng chính là mục tiêu của phát triển môi trường bền vững, đây là một trong những chỉ tiêu được coi trọng trong Chỉ số hạnh phúc.
Nếu một quốc gia đánh đổi tài nguyên, phá rừng và môi trường để có “một đồng tăng trưởng” sẽ có thể khiến cho GDP tăng, nhưng người dân sẽ khó có thể hạnh phúc bởi khói bụi công nghiệp, chất thải, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, tàn phá cảnh quan thiên nhiên,...
Từ đó, ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm nhận về sự hạnh phúc của người dân. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định việc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, mà trong đó lâm nghiệp chính là một ngành kinh tế vì môi trường dân sinh.
Rừng khỏe mạnh để con người mạnh khỏe
Theo báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc, rừng là nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên, 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới đến từ các lưu vực có rừng. Khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.
Cũng theo báo cáo này, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người, rừng cung cấp nguồn thức ăn, cung cấp nguồn thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển.
Rừng cũng cung ứng các sản phẩm là nguyên liệu cho các vật tư y tế. Thống kê cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý và giúp cho con người thư giãn.
Ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay có chủ đề “Rừng và Sức khỏe” với thông điệp “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”.
Đây là thông điệp hết sức ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa đi qua một giai đoạn mà đại dịch Covid-19 đã tàn phá sức khỏe người dân toàn cầu, và phía trước vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến chúng ta phải chậm lại để chiêm nghiệm, thay đổi suy nghĩ để tìm về với những giá trị căn bản của tự nhiên, và nhận ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh.
Bởi chỉ khi sống bình yên và khỏe mạnh, thì mỗi chúng ta mới có cuộc sống Hạnh phúc.