| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm: [Bài 5] Để người giữ rừng yên tâm công hiến

Thứ Tư 05/06/2024 , 08:00 (GMT+7)

Khó khăn, vất vả, thường xuyên xa gia đình nhưng chế độ đãi ngộ dành cho người giữ rừng chưa tương xứng. Giải pháp tháo gỡ vấn đề này cần được ưu tiên hàng đầu.

Nghề giữ rừng luôn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: Tuấn Anh.

Nghề giữ rừng luôn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: Tuấn Anh.

Đãi ngộ chưa tương xứng

Đề cập về những khó khăn, vất vả của những người giữ rừng, ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, đơn vị quản lý rừng nằm trên địa bàn 3 xã, thuộc 2 huyện Mang Yang và Đăk Pơ, cùng với diện tích được giao quản lý hơn 13.800ha. Mặc dù địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp nhưng vốn rừng ở đây luôn được giữ vững, ngày càng phát triển, đảm bảo tính năng phòng hộ, cảnh quan, môi trường sinh thái trong vùng.

Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, cùng với đội ngũ những người giữ rừng của đơn vị luôn yêu nghề, nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.  

Tuy nhiên, đi liền với đó là những khó khăn, thách thức như diện tích rừng rộng lớn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mỏng. Hiện mỗi chốt, trạm của Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra chưa được 2 người. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên lớn, có nhiều loại gỗ quý thân lớn như sao cát, dổi, sơn, thông nàng..., lại có nhiều cửa ngõ nối với quốc lộ 19, thuận lợi cho các đối tượng rình rập vào rừng khai thác gỗ...

Nghề giữ rừng luôn phải đối mặt với những nguy hiểm. Ảnh: Tuấn Anh.

Nghề giữ rừng luôn phải đối mặt với những nguy hiểm. Ảnh: Tuấn Anh.

Chưa kể, phần lớn diện tích rừng nằm trên núi cao, dốc lớn, xen kẽ nương rẫy của dân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Thêm vào đó, trình độ dân trí trong vùng thấp, lao động thiếu việc làm, đời sống của người dân còn nghèo đã gây ra không ít khó khăn đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

“Những người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng thường gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Họ không có được những ngày nghỉ trọn vẹn vì phải thường trực 24/24 giờ, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do đi lại tuần tra đêm tối, đèo dốc, trơn trượt. Thậm chí phải đối mặt với lâm tặc manh động, dễ bị hành hung, gây thương tích”, ông Chín chia sẻ.

Cũng theo ông Chín, do môi trường làm việc ngoài trời, những người giữ rừng thường xuyên phải tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Chưa kể, mỗi khi xảy ra cháy rừng, nhân viên phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng.

“Nhiệm vụ giữ rừng hết sức nặng nề là vậy nhưng họ luôn bị gắn trách nhiệm nếu xảy ra vụ việc vi phạm, mặc dù không phải do nguyên nhân chủ quan. Trong khi chế độ đãi ngộ cho những người giữ rừng chưa tương xứng”, ông Chín bộc bạch.

Những bữa cơm ăn vội của lực lượng giữ rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Tuấn Anh.

Những bữa cơm ăn vội của lực lượng giữ rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng đồng cảm với nỗi khổ của những người giữ rừng, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) cho biết, đa số lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị sống và làm việc tại rừng, địa bàn xa dân cư, giao thông đi lại khó khăn. Những chốt, trạm bảo vệ rừng thường là ở những nơi chưa có sóng điện thoại, điện thắp sáng, cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, áp lực, trong khi trách nhiệm lại rất nặng nề. Ngược lại, chế độ lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất thấp, trung bình chỉ từ 3,5- 5 triệu đồng/tháng.

“Với điều kiện sống tối thiểu hiện nay thì mức lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không đủ để nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Đây là một khó khăn rất lớn của đơn vị mà đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Thủy chia sẻ.

Trong những năm qua, việc tuyển dụng công chức kiểm lâm, viên chức bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum là hết sức khó khăn. Nguyên nhân do môi trường công việc khó khăn, vất vả, thường xuyên xa gia đình nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng càng trở nên khó khăn. Thiếu người giữ rừng, nhiều lực lượng chuyên trách các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đang phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định. Cá biệt, có những lực lượng quản lý bảo vệ rừng địa bàn phải “ôm” một lúc 3 địa bàn rộng để khỏi “trống chỗ”. Dù đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp như thu hút, tuyển dụng, bố trí lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều việc để nhân viên có thời gian bám nắm địa bàn… nhưng người giữ rừng vẫn thiếu trước hụt sau.

Để người giữ rừng tận tâm cống hiến

Trước những khó khăn vất vả của người giữ rừng, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum đề xuất với Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể là cần có chính sách đặc thù đối với lực lượng bảo vệ rừng như trợ cấp tiền lương, hỗ trợ chi phí ăn uống... Có như vậy mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày cho lực lượng bảo vệ rừng để họ yên tâm công tác.

“Hiện nay, lực lượng công chức, viên chức hành chính nhà nước làm việc 8 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại được tự do nghỉ ngơi. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray phải trực 24/24 giờ, không được đi khỏi địa bàn. Vì vậy, cần phải xem xét hỗ trợ mức lương cho phù hợp với thời gian cống hiến”, ông Thủy chia sẻ.

Với mức lương hiện tại, lực lượng giữ rừng khó đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Tuấn Anh.

Với mức lương hiện tại, lực lượng giữ rừng khó đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhằm bù bắp những khó khăn, vất vả, áp lực của đội ngũ những người giữ rừng, Phó Chị cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, ông Trương Thanh Hà cho rằng, để đảm bảo tốt công tác bảo vệ rừng, việc bố trí đủ biên chế theo định mức chỉ là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng.

Quan trọng nhất vẫn là các giải pháp căn cơ như xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo như giúp người dân phát triển kinh tế từ rừng, qua đó cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ngoài chính sách tiền lương theo quy định chung của Chính phủ, ông Hà đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn. Hiện nhiệm vụ này đang được UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tham mưu dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh trong phiên họp thường kỳ cuối năm 2024.

“Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ lên mức 1.300.000 đồng/ha/năm, đồng thời đảm bảo kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần hỗ trợ tăng thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng”, ông Hà chia sẻ.

Cần có chế độ tương xứng để lực lượng giữ rừng yên tâm công tác. Ảnh: Tuấn Anh.

Cần có chế độ tương xứng để lực lượng giữ rừng yên tâm công tác. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo ông Hà, để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, cần nâng cao quyền hạn cho lực lượng chuyên trách nói riêng và đơn vị chủ rừng nói chung. Đồng thời cần có các chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như được hưởng các chế độ như lực lượng kiểm lâm, đưa vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Đối với nội dung này, Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Gia Lai đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất. Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai thực hiện lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách cho lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó, có nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa một số chế độ ưu đãi đặc thù cho kiểm lâm và viên chức bảo vệ rừng như phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp theo nghề, phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn...”, ông Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, những khó khăn, vất vả đối với anh em kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng được nêu lên trên nhiều diễn đàn nhưng chưa có chuyển biến. Hiện Sở NN-PTNT đã tổng hợp báo cáo Bộ NN-PTNT, HĐND và UBND tỉnh Gia Lai để có những đề xuất kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách báo vệ rừng, nhằm động viên khích lệ, cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng...

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất