Gần 30 năm "ăn cơm rừng, ngủ lán trại"
Theo sự giới thiệu của ông Đào Xuân Thuỷ, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), chúng tôi lại vượt hàng trăm cây số tìm đến Trạm bảo vệ rừng Ngã ba 88, nơi được xem là khó khăn, vất vả nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nơi, trời đã xế chiều. Lúc này, 4 anh em của trạm đang tranh thủ xách từng can nước dưới suối về tích trữ phục vụ sinh hoạt.
Ông Võ Văn Đức, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Ngã ba 88 trong bộ đồ lấm lem bụi đất, khuôn mặt khắc khổ nhưng vẫn nở nụ cười rạng rỡ khi thấy khách đến thăm.
Đặt can nước vừa xách từ suối về, ông Đức bộc bạch: “Nơi đây không có nước nên anh em tranh thủ lúc trời còn sáng đưa nước từ suối về dùng dần. Cũng bởi nơi đây nằm ở vùng sâu, trên đường tuần tra biên giới nên cũng không có điện và sóng điện thoại. Không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt, không có điện lưới, nơi đây gần như không một bóng người qua lại, biệt lập với bên ngoài”.
Cũng theo ông Đức, để có lương thực, thực phẩm sinh hoạt hàng ngày, tận dụng ngày nào anh em được nghỉ về thăm gia đình, khi trở lại đơn vị thì mua đồ ăn mang theo. Mặc dù vậy, do đồ ăn không để được lâu nên anh em cũng chỉ được 1 đến 2 bữa ăn ngon, rồi quay lại với những món đồ khô tích trữ sẵn.
Ông Đức năm nay 54 tuổi, có gần 30 năm gắn bó với nghề bảo vệ rừng. Trước đó, ông từng công tác tại nhiều chốt, trạm trước khi chuyển về Trạm bảo vệ rừng Ngã ba 88 được hơn 1 năm nay.
Khi được hỏi: “Tuổi đã lớn lại điều chuyển đến nơi khó khăn nhất, ông có gặp những khó khăn gì không?”. Hớp miếng nước trà, ông Đức cho biết, giữ rừng thì ở đâu cũng khó khăn, áp lực như nhau thôi. Quan trọng nhất là tinh thần, khi phải xa gia đình, không có nhiều thời gian bên vợ và 2 con nên cũng thấy mủi lòng.
“Nhà tôi ở TP. Kon Tum, cách nơi công tác hơn 120km nên lâu lâu mới có dịp về thăm nhà một lần. Mỗi lần về, vợ con rất mừng nhưng cũng không ít những hờn trách khiến tôi không khỏi chạnh lòng. May mắn, vợ tôi hiểu và thông cảm để làm hậu phương vững chắc, chăm lo chu toàn cho gia đình và các con. Tôi cảm ơn vợ nhiều lắm”, ông Đức bùi ngùi chia sẻ.
Theo ông Đức, đối với nghề giữ rừng, ngoài những khó khăn về công việc thì áp lực về kinh tế được xem là trở ngại lớn nhất đối với lực lượng giữ rừng. Khi kinh tế không đảm bảo sẽ kéo theo tâm lý làm việc, cuộc sống gia đình bất ổn.
“Bản thân tôi làm công việc giữ rừng đã gần 30 năm, đến nay lương cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng, nếu không yêu nghề, yêu rừng thì khó mà bám trụ lại được”, ông Đức chia sẻ và cho biết, lương của các anh em còn lại trong trạm chỉ được khoảng 6- 7 triệu đồng/tháng, như vậy rất khó đảm bảo cuộc sống.
Bỏ qua những khó khăn, câu chuyện về tình yêu với nghề được ông Đức nói đến là những buổi đi tuần tra rừng, tận mắt chứng kiến những vạt rừng được bình yên mỗi ngày. Ở đó, ông cảm nhận được sự sinh sôi, nảy nở của rừng cây, muông thú như tiếp thêm động lực trên hành trình giữ rừng của mình.
Nhiều nhân viên bỏ nghề
Với nhiều nhân viên bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray, để giữ những cánh rừng được bình yên là cả một hành trình gian nan, vất vả. Nhiều khi lực lượng giữ rừng phải đặt mình giữa lằn ranh sinh- tử khi trèo lên núi cao, lội qua suối dữ, chưa kể bị lâm tặc tấn công. Trên hành trình ấy, nhiều người đã phải chọn con đường… rẽ ngang vì áp lực quá lớn, trong khi chế độ chưa tương xứng.
Anh Nguyễn Khắc Duy, Tổ trưởng Tổ cơ động, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã có 8 năm làm công việc bảo vệ rừng, giữ cho những cánh rừng không bị xâm hại. Ngoài quá trình tuần tra, anh Duy còn phá dỡ nhiều lán trại, tháo gỡ bẫy thú trong rừng sâu.
Anh Duy cho biết, mỗi lần đi tuần tra rừng, anh em phải đi trong nhiều ngày, mỗi ngày di chuyển trên vài chục cây số. Địa hình rừng núi nguy hiểm, nhiều dốc đứng nên anh em phải dìu nhau. Việc gặp tai nạn trong rừng sâu là điều không thể tránh khỏi.
Cũng theo anh Duy, đi tuần tra sợ nhất là những lúc gặp mưa giông, lốc trong rừng sâu hoặc nước lũ trên thượng nguồn có thể đổ xuống mọi lúc, mọi nơi. Chưa kể, các loại sinh vật như rắn, côn trùng hay thực vật có độc tấn công lực lượng bất cứ lúc nào.
“Không chỉ ban ngày mà cả ban đêm chúng tôi cũng phải bám trụ trong rừng sâu, nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, mức lương bình quân của những người giữ rừng nhận được chỉ từ 4- 6 triệu đồng/tháng. Trừ tiền ăn uống, chi phí đi lại, gần như không còn tiền gửi về cho gia đình”, anh Duy nói và cho biết, mong muốn nhà nước có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho lực lượng giữ rừng để anh em yên tâm công tác.
Những nam giới tham gia giữ rừng đã gặp không ít áp lực thì với phụ nữ, công việc này khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Chị Hoàng Thị Hà công tác tại Trạm bảo vệ rừng Bargook (Vườn quốc gia Chư Mom Ray), tuy cách nhà khoảng 15km nhưng số lần tranh thủ về thăm gia đình chỉ vài ngày trong tháng. Những ngày còn lại, chị Hà lại cùng các “đấng mày râu” băng qua những cánh rừng đi tuần tra.
Chị Hà tâm sự: “Đã đi tuần tra thì nữ hay nam cũng phải theo đoàn để băng rừng, lội suối. Trên những chặng đường đi, dù chỉ được ăn lương khô, cơm nắm nhưng với quyết tâm, tôi vẫn phải đi hết các lâm phần được giao. Mỗi tháng, tôi đi tuần tra khoảng từ 200km đến 300km”.
Chị Hà có 2 con nhỏ đang học lớp 1 và lớp 8, chồng làm nghề lái xe hay vắng nhà nên các con đều tự nấu ăn, chăm sóc nhau. Nhiều lúc chồng lo lắng, trách móc chị không dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là những lúc con ốm đau, chị lại không được ở bên cạnh với chúng nên cũng "rất suy nghĩ". Gạt những dòng nước mắt, chị Hà chia sẻ: “Có lẽ, chỉ có tình yêu rừng, yêu nghề mới giúp tôi bám trụ nơi rừng sâu này”.
Chính vì áp lực với nghề giữ rừng, những năm qua Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã ghi nhận nhiều nhân viên xin nghỉ việc. Từ năm 2018 đến nay đã có 32 người xin nghỉ việc, trong đó có 5 viên chức và 27 người lao động.
Ông Đào Xuân Thuỷ, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, nguyên nhân là do áp lực khi được giao quản lý diện tích rừng rộng lớn, hiểm trở. Thậm chí, một người phải đảm đương diện tích gấp 3 lần định mức quy định.
Quan trọng hơn, mức lương thấp, chế độ đãi ngộ không có… dẫn đến không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho lực lượng giữ rừng. Mặt khác, đa số lực lượng bảo vệ rừng làm việc tại các địa bàn xa dân cư, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng chưa có sóng điện thoại, điện thắp sáng, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
“Lực lượng giữ rừng sau khi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại phải ở địa bàn mà không được phép về nhà. Tuy nhiên, thời gian này họ không được hưởng bất cứ chế độ nào khác. Những cống hiến âm thầm như thế nhưng chính sách, chế độ còn chưa tương xứng. Mức lương bình quân của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ từ 3,5- 5 triệu đồng/tháng là quá thấp”, ông Thủy chia sẻ.
Để giữ chân người giữ rừng, ông Thủy đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như chế độ lương của bảo vệ rừng, phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp ưu đãi nghề, nhằm nâng cao mức thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng để họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm nhiệm vụ. Đồng thời, giao đủ định mức biên chế bảo vệ rừng để san sẻ gánh nặng cho lực lượng.
Vào đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có chuyến đi khảo sát và làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng. Tại đây, Phó Thủ tướng đã trực tiếp đến từng cơ sở để thăm hỏi, động viên các nhân viên bảo vệ rừng.
Khi nhận thấy điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn nhưng lực lượng bảo vệ rừng vẫn kiên trì bám rừng, thậm chí có nhân viên phải đi bộ gần 600km/tháng khiến Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hết sức ấn tượng. Phó Thủ tướng nhắc nhở, xem đây là điển hình nhằm khen thưởng xứng đáng để động viên, khích lệ.