| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đất giữa những người thân với nhau bây giờ phức tạp lắm!

Thứ Hai 19/11/2018 , 06:48 (GMT+7)

Mảnh vườn hương hỏa của ngoại đang bị mấy cậu dì dòm ngó. Nói mẹ sẽ cho con của mẹ, cũng chỉ là cháu ngoại thôi, phải để cho cháu nội thừa hưởng chớ...

Kính thưa cô!

Cháu ở vùng xa, thua thiệt lắm. Cháu học hết cấp hai, loay hoay rồi có chồng, đẻ con. Chồng cũng như mình, ít học, nghề nông là chính, đắp đổi, nuôi con.

Từ khi có Internet về, con cái cần gì có tiệm Net. Rồi cũng ráng sắm vi tính trong nhà cho con. Chưa bao lâu thì cả hai đứa con đều kêu lạc hậu rồi mẹ ơi, giờ điện thoại thông minh lắm, không có mạng thì xài 3G. Bao nhiêu tiền của, phải sắm cho hai đứa nhỏ có với người ta. Cái máy tính ở nhà dư ra, con gái chỉ cho mẹ cách sử dụng. 5 năm nay cháu ghiền đọc báo trên vi tính rồi cô.

Dông dài quá chắc lạc đề. Cháu viết thư nầy tâm sự với cô chuyện khác chứ chuyện chồng con không có gì để rầu lo đâu cô. Chuyện mẹ của cháu là chị cả, góa chồng sớm, ba cháu mất hồi em trai út của cháu mới 10 tuổi. Ba bị ung thư gan đó cô. Mẹ ở vậy nuôi chị em cháu khôn lớn, gả cưới đàng hoàng, cháu ngoại cháu nội mỗi cặp hai đứa đề huề.

Nhưng mẹ có nỗi buồn sâu sắc mà khó nói. Ngoại của cháu có 6 người con, hồi đó mẹ là gái đầu lòng nên ngoại gả bắt rể để mẹ tiếp ngoại nuôi em. Bà ngoại của cháu cũng góa sớm, ông ngoại của cháu là liệt sĩ đó cô. Từ từ 5 đứa em của mẹ cũng đi làm việc hết nhờ ngoại với mẹ tháo vát, giỏi giang, các em ăn học khá. Người ở huyện người ở tỉnh, có người theo chồng lên thành phố sống, giàu chớ không chỉ khá đâu cô.

Nhưng mảnh vườn hương hỏa của ngoại đang bị mấy cậu dì dòm ngó. Nói mẹ sẽ cho con của mẹ, cũng chỉ là cháu ngoại thôi, phải để cho cháu nội thừa hưởng chớ. Mẹ cháu không có người để dựa, một mình mẹ, bên kia tới 5 người. Chuyện chưa ngã ngũ thì ngoại mất, ngoại không di chúc cũng không kịp trăn trối chi hết.

Sau giỗ đầu của ngoại, chuyện được 3 cậu với 2 dì xới lên. Chả lẽ đuổi mẹ đi đâu, một mình mẹ lủi thủi với căn nhà mênh mông, mấy liếp vườn hiu quạnh, có tới 5 cái mộ, ông bà cố, ông bà ngoại với ba cháu nữa. Mấy cậu dì nói chia cho mẹ cái nhà với một khoảng kéo dài ra, bên nầy là khu mộ với hai phần ba miếng vườn, cậu Ba đứng tên. Mọi người không nói nhưng vợ chồng cháu biết thừa, mọi người sợ sau khi mẹ đi theo ngoại, vợ chồng cháu chiếm hết.

Buồn quá cô ơi. Cậu dì đâu có ai thiếu thốn gì còn muốn giành với mẹ cháu và tụi cháu. Cháu không biết làm sao cho bớt buồn đây cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Vấn đề ruộng đất giữa những người thân với nhau bây giờ phức tạp lắm. Do đâu? Do con người đông lên mà đất không sinh sôi. Do ý thức sở hữu cá nhân cũng mạnh hơn, muốn rõ ràng hơn xưa. Do ý thức luật pháp khá lên, về di chúc, về thừa kế, về công bằng, về đạo lý…

Rất vui khi biết cháu ở thôn quê mà không tụt hậu, biết ngồi Internet để đọc báo. Mừng chồng tốt, mừng hai con ngoan, mừng mẹ còn khỏe mạnh. Nhưng cần tìm hiểu luật pháp để biết những điều mà ta vẫn hình dung đơn giản bằng cái lý lẽ thông thường. Biết để sống đúng, biết để sống theo đó và biết để chấp nhận.

Không thể lấy cái công mẹ đã chăm bầy em với ngoại mà phủ định luật thừa kế với hương hỏa sau khi ngoại mất. Chị cả với các em, thời nào cũng chị cực với em, quy luật, sứ mệnh và tất cả. Các em ghi trong lòng, tốt, không ghi cũng không sao. Nước mắt chảy xuôi, chị thì thương em, không thể trích đất vườn để bù cho cái công ấy được.

Nguyên tắc, nếu ngoại không di chúc thì hương hỏa phải chia đều, 6 người con, đều như nhau. Có gia tộc người ta trao đổi miệng với nhau các em cho phần mình cho chị cả, rồi mới ra địa chính chia thực sự. Nhưng có lẽ ở đây vướng chòm mộ mà lâu dài, cậu Ba của cháu, các cậu dì thấy cậu Ba phải gánh vác. Thừa kế nghĩa là gánh vác, lâu dài, mãi mãi, con trai của cậu Ba, tức cháu nội của ông bà ngoại. Ý thức hệ của người Việt chúng ta là bàn thờ, mồ mả, giỗ chạp, thanh minh, tết nhất…

Cần thông thoáng chuyện này. Nhà để mẹ ở, vườn một phần để mẹ bình yên trong lòng, hợp lý rồi đó cháu. Và nữa, khi mẹ theo ngoại thì cháu và em trai cháu sẽ thừa kế phần của mẹ. Minh bạch, đâu ra đó, là vậy. Các cậu dì và mẹ thảo luận nhau, ra địa chính, ra xã huyện, cho chính danh. Cháu và em trai nên yên tâm, phần của các cháu chỉ có chừng ấy, luật pháp không qui định ông bà phải chia cho lớp cháu.

Kinh nghiệm từ ngoại, mẹ phải lập di chúc. Mẹ muốn cháu và em cùng thừa kế, mẹ phải viết, hoặc mẹ muốn vợ chồng cháu, mẹ phải viết ra. Và di chúc ở công chứng, không viết tay với nhân chứng, chuyện ấy giờ không được luật pháp chấp nhận. Vậy nha, đừng buồn, đừng lăn tăn, việc trọng của thế hệ ấy, mình tủi, mình hờn, mình trách là do mình không hiểu, thế thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm