| Hotline: 0983.970.780

Sai lầm của cháu là vẫn muốn làm thủ lĩnh trong nhà

Thứ Năm 07/03/2013 , 15:27 (GMT+7)

Điều đáng nói là cháu đã quá vì nhà mình, cưu mang anh trai, rồi cưu mang em trai và kéo chồng về hẳn tỉnh dưới. Sai lầm ở chỗ, con gái đã lấy chồng mà muốn làm tướng, làm thủ lĩnh nhà mình.

Ảnh minh họa
Cô kính mến!

Gia đình con có 3 anh em, con là con gái một ở giữa. Tuổi thơ con gắn liền với nước mắt vì anh hai có máu cờ bạc. Mỗi lần anh bể nợ, con với mẹ là người van xin ba con tha thứ cho anh (gần 20 năm nay gia đình con trả nợ cho anh gần 2 tỉ đồng). Trong tận cùng sâu thẳm con chưa bao giờ oán trách gia đình mình.

Thời gian học đại học con có quen và yêu một người - người ấy bây giờ là chồng con. Anh là mối tình đầu của con. Tụi con quen nhau 6 năm, bên chồng con khi ấy khó khăn lắm, nhà con thời đó thuộc dạng khá giả. Cảm kích trước tấm lòng của gia đình con mà chồng con bây giờ mới cùng con gánh vác gánh nặng gia đình vợ suốt mấy năm nay. Anh ít nói nhưng tốt tính và sống rất tình cảm. Hồi tụi con cưới nhau gia đình con khi đó còn tiền của nên giúp đỡ tụi con rất nhiều. Đến khi gia đình con suy sụp thì may mắn gia đình anh lại khá dần lên. (Suy sụp là do ba con nuôi trồng thất bại và anh hai con tiếp tục gây nợ).

Khi ba con treo bảng bán nhà để trả nợ, con với ông xã đã giúp ba mẹ để giữ nhà lại. Tụi con cứ thế xoay sở các khoản nợ của gia đình và năm vừa rồi mới xây một căn biệt thự nhỏ trên phần đất đó. Hiện con đã xong cao học, sinh đủ hai con và đã rời SG về lại ở một trường đại học của tỉnh nhà. Ông xã con đã thành lập công ty riêng từ lúc con sinh bé đầu tiên, nhờ vào mối quan hệ của ba con mà anh xin được rất nhiều việc ở tỉnh nên tụi con mới quyết định về lại dưới này. Anh hai con sau khi bị ba con đuổi ra khỏi nhà đã tá túc ở căn hộ chung cư của con trên SG suốt mấy năm qua và nhờ vợ chồng con làm cầu nối mà hàn gắn được với gia đình.

Để anh hết nhong nhong, con bàn với ông xã mở quán café ở thị xã cho anh quản lý. Trước khi mở quán, vợ chồng con đã kịp xây nhà mới để đưa ba mẹ về ở. Căn nhà cũ thì tầng 1 dùng để kinh doanh café máy lạnh, tầng 2 ông xã con dùng làm văn phòng công ty. Căn nhà mới xây tụi con làm 4 phòng, ai cũng có không gian riêng, tối dẹp quán xong là vợ chồng anh hai con về nhà này ngủ với ba mẹ.

Nhưng cô ơi thằng út lại tiếp tục đi vào con đường anh hai, gia đình phải giải quyết hàng trăm triệu. Sau lần thứ 3 con quyết định trả nó về cho ba mẹ quản lý, con quá đuối sức. Con nuôi nó học một lúc 2 trường đại học, nó như cậu ấm không thiếu thứ gì. Thật ra con thương anh em con ít nhưng thương ba mẹ nhiều hơn nên cứ cố gắng làm hết mọi thứ để ba mẹ vui. Vì con nghĩ rằng giúp đỡ anh em cũng là một cách trả hiếu. Nhưng cô ơi mọi người nhẫn tâm chà đạp lên con, họ còn muốn dồn con vào đường cùng. Ngoài tiền trả nợ để ba khỏi bán nhà và tiền xây căn nhà mới, suốt 4 năm qua mọi chi phí trong gia đình từ lớn đến nhỏ vợ chồng con gánh vác hết. Nhưng chưa bao giờ vợ chồng con đề cập chuyện hợp thức hóa giấy tờ nhà cho con. Thế nhưng những người không có quyền lợi và trách nhiệm thì lại lên tiếng, chú ruột con rồi ông nội con cũng trách sao ba mày không để căn nhà lớn đó lại cho hai thằng con trai mà để cho con gái?

Tự nhiên anh hai nổi điên, bắt lỗi chồng con lầm lì không coi ai ra gì và kể ơn với vợ chồng con. Quả là ích kỷ và không biết xấu hổ. Con ngột ngạt quá, muốn nói hết mọi chuyện với ông xã rồi chúng con sẽ tách ra, ai chết mặc ai. Con nghĩ mình chỉ có 3 lựa chọn: Treo cổ chết cho mọi người vừa lòng; hoặc là con với chồng con chia tay, con tiếp tục cống hiến cho anh em đè đầu cưỡi cổ; ba là con và ông xã sẽ đem hai con đi nơi khác sống.

Giữ kín email giúp con.

Cháu thân mến!

Trước tiên cô đánh giá cao quan niệm chữ hiếu của cháu, từ đó cháu đã hành động rất hiệu quả hàng chục năm nay. Học hành, thành đạt, chọn chồng tốt và lúc nào cũng đưa vai “gánh vác sơn hà”. Cô nhận thấy ở miền Nam con gái không ngại mình là kẻ “ăn cơm nguội ở nhà ngoài”. Họ còn kéo được chồng tham gia vào việc báo hiếu của mình. Do đâu? Do miền Nam xa đất gốc, miền Nam có xã hội tư bản lâu năm từ thời thuộc Pháp, miền Nam đất mở và giao thoa nên mới có những nàng con gái như cháu. Thật may mắn cho nhà cháu, may cho chồng cháu (“có đức không sức mà ăn”) và may cho chính cháu nữa. Vì cháu quan niệm như vậy nên cháu luôn sáng và vững, càng ngày càng giàu lên, hạnh phúc.

Xem ra, cánh nam nhi nhà cháu bị cái máu cậu ấm nó ám. Hết anh cả rồi em út đua nhau hư. Ba cháu có vẻ bất lực ư? Hay ba đã từng rất nhiều tiền và luôn khát vọng giàu lên mà đánh mất những đứa con trai của mình? Có lẽ vì vậy mà cháu không cứu nổi gia đình của mình. Có lẽ cái sức ì trong gia tộc cháu quá lớn. Và có lẽ cháu thương ba mẹ mình nhưng trời không độ không thương. Vì sao cô nói vậy? Là vì vợ chồng cháu xả thân như thế mà anh cháu không có thiên lương, là vì cháu cưu mang thế mà em út của cháu vẫn sa chân và sa lầy.

Quan sát nhiều, cô cũng thấy, dù con gái có công mấy thì thâm tâm nhà của cô ấy cũng không công bằng hoàn toàn. Cũng là do tâm lý trọng nam khinh nữ mà thôi, cho dù, như đã nói, ở miền Nam chuyện đó có nhạt đi chút ít. Người ta không hẳn tin chàng rể, mà cũng không phải họ không có lỹ lẽ. Bởi vì bất đắc dĩ chàng rể mới lụy (hoặc là gánh vác) bên vợ mà lụy thì không được đánh giá cao, hoặc là gánh mãi thì cũng oải.

Điều đáng nói là cháu đã quá vì nhà mình, cưu mang anh trai, rồi cưu mang em trai và kéo chồng về hẳn tỉnh dưới. Sai lầm ở chỗ, con gái đã lấy chồng mà muốn làm tướng, làm thủ lĩnh nhà mình. Các cháu không lường trước dư luận nhà nội của mình về nhà đất, càng nhà càng đất thì mâu thuẫn càng dày, càng rối. Các cháu đã đổ quá nhiều tiền cho việc giữ đất của ba mẹ, lại làm nhà mới để ăn ở xà quần (dù nhà có tới 4 phòng cho mấy đôi) và làm quán làm xá. Nói cách khác, cho càng nhiều thì uất hận càng lớn vì tâm lý con người nói chung là bạc và ganh tỵ. Đáng lý cháu nên kệ anh kệ em, mình giúp xa xa, mình con gái còn có nhà chồng để lo toan nữa.

Trước mắt, không nên giận dữ mà tung tóe hết cả.  Lẳng lặng bàn nhau thu xếp tách ra. Mong cháu đừng làm gì dại dột, mình là trí thức, phải khác người và thấu đáo chứ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm