Nhiều biểu hiện bất minh
Ngày 7/5/2016, UBND tỉnh Nghệ An có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT đề nghị bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh mương nội đồng xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tổng mức đầu tư dự kiến 80 tỷ đồng.
Một đoạn kênh đã thi công của dự án ngăn mặn đầy tai tiếng |
Sau khi đi kiểm tra một số công trình giao thông thủy lợi tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo nâng cấp sửa chữa một số công trình cấp bách. Trong đó, đáng chú ý là đập Khe Thị 1 xây dựng từ năm 1972 đã xuống cấp nghiêm trọng đe dọa khoảng 500 hộ dân ở hạ lưu. Kênh mương đập Khe Cái xây dựng từ năm 1968, lòng hồ bị bồi lắng. Sáu trạm bơm tưới cho 9.000ha lúa đã xây dựng từ vài ba chục năm, cần nâng cấp...
Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 25/5/2016, Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Hỗ trợ vốn thực hiện một số dự án cấp bách phòng, chống hạn hán, công trình ách yếu trước mùa mưa lũ, bao gồm hệ thống thủy lợi, hồ đập huyện Nghi Lộc; nạo vét, tu sửa tuyến kênh Khe Cái, nâng cấp các trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An; sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Khe Thị, huyện Nghi Lộc...”.
Tuy nhiên, sau khi được bố trí nguồn vốn, tỉnh Nghệ An lại triển khai “Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi ngăn mặn, chống hạn xã Nghi Vạn” do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 50 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Cty TNHH Đầu tư - Xây dựng Hoàng Anh (Nghi Lộc), triển khai từ tháng 5/2017.
Trong quá trình thi công, người dân địa phương phát hiện nhiều dấu hiệu bất minh. Theo thiết kế thi công, 2/3 chiều dài các tuyến kênh tưới đều đào móng bằng thủ công. Tuy nhiên, mặt bằng thi công hầu hết các tuyến kênh rộng có thể thi công bằng cơ giới. Và thực tế, đơn vị thi công cũng dùng máy múc để đào móng.
Theo bản hợp đồng xây dựng, khối lượng bùn phong hóa phải vận chuyển đi đổ và thay bằng loại đất khác để đắp thành kênh. Nhưng thực tế, đơn vị thi công dùng máy vận chuyển lượng bùn phong hóa này đắp vào lề đường giáp với bờ kênh…
Thiết kế một đường nhưng thực tế thi công một nẻo đã khiến chi phí một số hạng mục đội lên nhiều lần.
Chỉ sau khi thi công được vài tháng, cơ quan chức năng tại Nghệ An đã vào cuộc điều tra và đầu tháng 10/2017, Phòng An ninh kinh tế Công an Nghệ An đã làm việc với các đơn vị liên quan, đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án.
Cháy nhà ra mặt chuột
Ngày 25/1/2018, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký, ban hành kết luận thanh tra toàn diện dự án thủy lợi ngăn mặn, chống hạn 80 tỷ đồng ở xã Nghi Vạn. Kết quả thanh tra đã chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng từ đấu thầu đến thiết kế và thi công.
Quyết định phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán công trình của UBND tỉnh Nghệ An |
Theo đó, ngày 6/5/2016, UBND huyện Nghi Lộc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư “nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh nội đồng xã Nghi Vạn” với khái toán tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng và 13 tỷ đồng trượt giá trong 5 năm thực hiện xây 2 trạm bơm, 8km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho 320ha lúa.
Thế nhưng, cùng ngày, Sở NN-PTNT lại có Văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất bố trí vốn cho dự án này lên tới 80 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2016, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 7046 cho phép chỉ định thầu đối với 2 gói thầu tư vấn khảo sát thiết kế (gói số 1) và tư vấn giám sát công trình (gói số 3). Theo kết luận của Đoàn Thanh tra, dự án này không có lệnh của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, Quyết định cho phép chỉ định thầu đối với 2 gói thầu này không đúng quy định với Luật Đấu thầu.
Điều đáng nói, cả 3 gói thầu của dự án đều bị làm giả hồ sơ năng lực để trúng thầu. Cty CP TVXD Khang Hiền (khảo sát thiết kế) đã “hô biến” hồ sơ năng lực kinh nghiệm, tài chính sai lệch quyết toán thuế để trúng thầu. Gói thầu tư vấn giám sát được chỉ định cho Cty CP TCT Tư vấn và Công thương Nghệ An và Cty TVXD HDT cũng bị phát hiện “khai man” hồ sơ...
Riêng gói thầu xây lắp công trình, Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh trúng thầu cũng bị phát hiện nhiều sai phạm. Biểu xác nhận năng lực tài chính từ 2014 - 2016 về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận trong hồ sơ thầu của doanh nghiệp này khác hẳn với bản lưu tại Chi cục Thuế huyện Nghi Lộc. Doanh thu thực tế của công ty này theo số liệu của cơ quan thuế chỉ đạt 24 tỷ đồng/năm nhưng tại hồ sơ dự thầu, nhà thầu “thổi” lên 71,3 tỷ đồng.
Tờ trình xin nguồn vốn đầu tư dự án của UBND tỉnh Nghệ An gửi Bộ NN-PTNT |
Để thực hiện được dự án này, theo quy định, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có công trình thủy lợi đã thi công giá trị tối thiểu 36,4 tỷ đồng. Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh cung cấp một hợp đồng đã thực hiện công trình trị giá 37 tỷ đồng nhưng thực tế, gói thầu này chỉ có 10,6 tỷ đồng.
Theo Đoàn Thanh tra, do khảo sát, thiết kế không chính xác với thực tế hiện trường nên đưa ra các biện pháp thi công, lập dự toán không phù hợp, khiến chi phí đội lên. Cự li vận chuyển đất đắp bị sai với thực tế, các biện pháp vận chuyển đất, vật liệu làm đường giao thông cũng được thiết kế biện pháp vận chuyển thủ công khiến giá thành công trình bị đội lên. 17/28 tuyến kênh được thiết kế thi công thủ công lại vận chuyển bằng máy. Khối lượng đất đào móng kênh chủ yếu là đất cấp 1 (bùn lỏng) nhưng thiết kế lại “biến hóa” lên đất cấp 2, không xác định khối lượng đất tận dụng...
Các tuyến kênh đã thi công không có thép gia cường góc kênh, không có thanh thép đai khớp nối và chân đanh. Trụ cầu máng ở tuyến kênh số A4 thi công không đủ chiều sâu theo thiết kế…
Tổng giá trị sai phạm trong việc lập biện pháp thi công không phù hợp thực tế và lập dự toán sai quy định về chi phí thiết kế, lập dự toán của dự án này hơn 9,215 tỷ đồng.
Sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm nói trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc chấm dứt hợp đồng xây dựng đối với Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh, chấm dứt hợp đồng giám sát với 2 đơn vị giám sát; yêu cầu chủ đầu tư dự án xác định lại khối lượng công việc chưa thực hiện, lập lại dự toán theo biện pháp thi công phù hợp trình Sở NN-PTNT thẩm định, phê duyệt lại... Thanh tra yêu cầu giảm khối lượng nghiệm thu đối với đoạn đã thi công xong cầu máng và không nghiệm thu đoạn đã thi công xong trụ máng nhưng chưa làm cầu máng.
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Nghệ An |
Đoàn Thanh tra kết luận, những sai phạm xảy ra tại dự án này chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Giám đốc Sở NN-PTNT chỉ đạo kiểm tra việc ban hành Văn bản số 1005 ngày 6/5/2016 khiến dự án bị “thổi” từ 55 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. UBND tỉnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7046 ngày 31/12/2016 về chỉ định thầu 2 gói thầu thiết kế, giám sát vi phạm Luật Đấu thầu.
Đến nay, gói thầu thi công đã tạm ứng 35 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban QLDA huyện Nghi Lộc, khối lượng đã thực hiện đủ cơ sở nghiệm thu là hơn 12,3 tỷ đồng. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thu hồi lại số tiền nhà thầu đã tạm ứng vượt quá khối lượng đã thi công.