| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm động vật an toàn từ lò mổ: [Bài 1] Xuyên đêm cùng cơ sở giết mổ tập trung

Thứ Hai 18/09/2023 , 06:05 (GMT+7)

Bình Định quyết tâm phủ sóng mỗi địa phương một nhà máy giết mổ động vật tập trung, nhằm ngăn chặn sản phẩm động vật mất an toàn ra thị trường…

Những con heo đã được làm ngất bởi bị kích điện chuẩn bị đưa vào máy đánh lông. Ảnh: V.Đ.T.

Những con heo đã được làm ngất bởi bị kích điện chuẩn bị đưa vào máy đánh lông. Ảnh: V.Đ.T.

Sôi động 1 góc quê

1 giờ sáng, trong lúc vạn vật đang say ngủ thì một góc quê Tân Dương, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bừng thức với những hoạt động trong cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn của Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn. Con đường bê tông dẫn về cơ sở giết mổ động vật tập trung cũng thức giấc theo với tiếng xe máy, xe tải hối hả xé màn đêm chạy về nhà máy để chở thịt đi phân phối tại các chợ.

Bên trong cơ sở giết mổ ánh điện sáng trưng. Hàng chục nhân viên người thì dùng vòi xịt nước làm vệ sinh các bàn mổ, người chuẩn bị hàng chục chiếc móc to tướng để móc những con heo lên giàn, người thì mài dao, người thì sắp xếp những chiếc dao đủ kích cỡ để chuẩn bị vào việc.

Trong lúc nhân viên của cơ sở giết mổ bận bịu khởi động ngày làm việc mới thì chủ của những con gia súc có lịch mổ sớm, nhân viên thú y tập trung tại căng tin dã chiến nằm trong khuôn viên trước nhà máy nhâm nhi ly cà phê nhằm xua đi cơn ngái ngủ, có người vừa uống cà phê vừa ngáp vắn ngáp dài.

Đúng 1 giờ rưỡi, Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn bắt đầu hoạt động. Sự náo nhiệt diễn ra từ phía sau nhà giết mổ. Nơi được xây dựng nhiều dãy chuồng để nhốt những con gia súc chuẩn bị mổ.

Tùy số lượng gia súc đăng ký giết mổ trong ngày, cơ sở cấp cho người đăng ký ô chuồng lớn, nhỏ phù hợp. Dựa trên danh sách đăng ký, cơ sở giết mổ đánh số từng ô chuồng, khi những con gia súc được đưa vào ô chuồng ấy cũng được định danh bằng con số của ô chuồng.

Heo được đưa lên máy đánh lông. Ảnh: VĐT.

Heo được đưa lên máy đánh lông. Ảnh: VĐT.

“Ban đầu, những con heo được đánh số bằng sơn, sau khi đã nhập vào ô chuồng ổn định, những con heo ấy lại được đánh số bằng con dấu nhiệt, để sau khi con heo được đánh lông sạch sẽ vẫn không mất con số định danh trên lưng. Đến khi con heo ra chuyền mổ, người chủ nhìn số để nhận con heo của mình”, anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, phân tích.

Tiếng kêu eng éc vang lên khắp khu chuồng. Những con heo có lịch mổ sớm được lừa qua ô chuồng chuẩn bị mổ bằng tuyến “giao thông” được bố trí kết nối với nhau. Trong ô chuồng này, 1 nhân viên cầm sẵn cái kẹp bằng gỗ có gắn bộ kích điện, khi điện chích vào con heo sẽ bị tê liệt trước khi đưa được đưa qua băng chuyền chọc tiết.

Sau khi đã được chọc tiết, con heo được đưa sang hồ nước sôi bốc hơi nghi ngút. Từ hồ nước sôi, con heo được đưa lên máy đánh lông rồi đưa ra bàn để cắt đầu, đục hậu môn. Sau đó, con heo được móc 2 chân sau đưa lên chuyền để tiếp tục công đoạn mổ bụng, lấy bộ lòng.

Heo đã mổ được đang được nhân viên nhà máy kiểm tra thân thịt. Ảnh: V.Đ.T.

Heo đã mổ được đang được nhân viên nhà máy kiểm tra thân thịt. Ảnh: V.Đ.T.

“Những cơ sở giết mổ động vật tập trung ở thành phố Quy Nhơn do đặc thù bán nguyên mê, nên con heo chỉ được mổ làm 2 là giao cho chủ chở đi. Còn ở cơ sở An Nhơn, hầu hết những người đưa heo về đây giết mổ chỉ để bán lẻ các chợ, nên cơ sở bố trí thêm bàn để các chủ gia súc tự ra thịt phù hợp với việc mua bán của mình”, anh Huỳnh Văn Thạnh vừa đưa chúng tôi đi thực tế vừa giải thích.

Cán bộ thú y xuyên đêm với cơ sở giết mổ tập trung

Cũng theo anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn được xây dựng trên diện tích 2ha tại thôn Tân Dương (xã Nhơn An) có công suất giết mổ 500 con/ngày đêm.

Cơ sở này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/6/2023, phục vụ giết mổ gia súc, gia cầm cho 150 hộ giết mổ nhỏ lẻ của thị xã An Nhơn và 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước. Cơ sở được xây dựng 2 cổng ra vào riêng biệt, cổng bên trái (từ ngoài nhìn vào) để nhập thú sống đưa về nhà máy, cổng bên phải để đưa sản phẩm động vật từ nhà máy đi tiêu thụ.

Hàng ngày, từ 9h sáng đến 21h tối, Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn mở cổng phía bên trái để đón gia súc, gia cầm được những người đăng ký giết mổ chở đến. Trong thời gian này, tại cơ sở giết mổ đã túc trực 2 nhân viên thú y để kiểm tra thú sống.

Phía cơ sở giết mổ cũng có nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ ghi số lượng gia súc, gia cầm nhập vào có xác nhận của chủ hộ đăng ký. Nhân viên thú y kiểm tra nguồn gốc và tình trạng sức khỏe của những con heo đưa vào nhà máy. Gia súc, gia cầm nhập vào nhà máy phải theo lối riêng biệt để đi đến ô chuồng đã được cấp cho chủ hộ đăng ký.

Nhân viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp An Nhơn (Bình Định) đóng dấu kiểm soát giết mổ. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp An Nhơn (Bình Định) đóng dấu kiểm soát giết mổ. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi gia súc được đưa vào khu chuồng lại sẽ được nhân viên thú y kiểm tra nhiệt độ, nếu phát hiện heo nghi ngờ đã dính bệnh sẽ được đưa sang khu cách ly để giám sát. 1 giờ sáng, gia súc tiếp tục được kiểm tra lại 1 lần nữa rồi mới tiến hành giết mổ.

“Hiện nhà máy có 3 chuyền giết mổ heo và 1 chuyền giết mổ gia cầm. Túc trực thường xuyên tại nhà máy có 6 nhân viên thú y phụ trách 3 chuyền giết mổ heo 1 chuyền giết mổ gia cầm. Hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn hợp đồng với 8 nhân viên thú y xã và thú y thôn để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ”, anh Huỳnh Văn Thạnh minh họa hoạt động chặt chẽ của cơ sở giết mổ tập trung.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn bố trí thêm bàn để các chủ gia súc tự ra thịt phù hợp với việc mua bán của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn bố trí thêm bàn để các chủ gia súc tự ra thịt phù hợp với việc mua bán của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Thạnh, gia súc đã được giết mổ, những cán bộ thú y phụ trách kiểm tra thân thịt lại 1 lần nữa để xem thịt heo có dấu hiệu bệnh tích gì hay không, nếu an toàn thì đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Trường hợp thân thịt con heo ấy có dấu hiệu bất thường thì sẽ được giữ lại để kiểm tra tiếp, nếu có dấu hiệu bệnh phức tạp thì theo quy định, bắt buộc chủ con heo ấy phải luộc thịt trước khi xuất khỏi nhà máy. Heo từ nhà máy đi ra ngoài phải theo cổng bên tay phải, cổng này được gọi là “cổng sạch” để đảm bảo an toàn dịch bệnh và tránh bị lây nhiễm chéo.

“Theo quy định, mỗi mê thịt được đóng 3 dấu kiểm soát giết mổ, trên vai 1 dấu, thân 1 dấu và đùi 1 dấu. Mực để đóng dấu giết mổ là thuốc tím dùng cho thực phẩm nên không ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm”, anh Huỳnh Văn Thạnh cho biết thêm.

Chủ hộ giết mổ chở thịt từ Cơ sở giết mổ động vạt tập trung An Nhơn đi bỏ cho bạn hàng tại các chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Chủ hộ giết mổ chở thịt từ Cơ sở giết mổ động vạt tập trung An Nhơn đi bỏ cho bạn hàng tại các chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Thạnh, hiện cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn hiện mỗi ngày đêm giết mổ khoảng 350 con heo, chưa hết công suất. Những người đăng ký giết mổ tại đây hầu hết là hộ giết mổ nhỏ lẻ, nên công việc  cứ lắt nhắt, phức tạp hơn so với những cơ sở khác.

Ngoài 8 nhân viên thú y hợp đồng từ thú y xã và thú y thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn còn có giám đốc và nhân viên kỹ thuật thú y thường xuyên kiểm tra số liệu nhập xuất và hoạt động giết mổ, kiểm tra thú sống.

“Đó là chưa kể Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động của cơ sở, kịp thời uốn nắn những sai sót để hoạt động giết mổ đi vào qui củ”, anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn chia sẻ.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.