| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm mây tre lá thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Thứ Tư 10/08/2022 , 18:59 (GMT+7)

QUẢNG NAM Nguyên liệu mây tre đang suy giảm nghiêm trọng, thiếu nguồn nguyên liệu được cấp chứng chỉ bền vững. Lao động làng nghề ngày càng suy giảm trong khi nhu cầu thị trường vẫn lớn.

Việt Nam có khoảng gần 900 làng nghề mây tre đan. Ảnh: L.K.

Việt Nam có khoảng gần 900 làng nghề mây tre đan. Ảnh: L.K.

Ngày 10/8, tại TP Hội An (Quảng Nam), Bộ NN-PTNT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam”.

Theo Bộ NN-PTNT, nước ta hiện có khoảng 893 làng nghề mây tre đan (làng có trên 30% lao động làm nghề mây tre đan), trong đó có 647 làng nghề mây tre đan và 246 làng nghề đan cói, lục bình. Số lao động nông thôn tham gia sản xuất các sản phẩm mây tre đan khoảng 342.000 người.

Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn trên thế giới. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đạt 474 triệu USD, đây là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong nhóm mặt hàng lâm sản ngoài gỗ.

Sản phẩm mây tre đan của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU (chiếm 31,44% tỷ trọng), thị trường Mỹ (chiếm 19,5%) và Nhật Bản (chiếm 9,3%). Riêng thị trường Hoa Kỳ đã mang về cho ngành 128,76 triệu USD trong năm 2019. So với kim ngạch xuất khẩu mây tre đan toàn cầu, thị phần mây tre đan của Việt Nam chiếm 16%.

Ngành mây tre đan ở nước ta hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là vấn đề về nguyên liệu. Ảnh: L.K.

Ngành mây tre đan ở nước ta hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là vấn đề về nguyên liệu. Ảnh: L.K.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh này được biết đến là trung tâm của vùng nguyên liệu mây, có trữ lượng mây lớn nhất cả nước. Bên cạnh có, Quảng Nam cũng có nhiều đơn vị chế biến nguyên liệu mây và sản xuất các sản phẩm thủ công từ mây. Từ đó giúp địa phương này trở thành một trung tâm chế biến nguyên liệu mây lớn nhất cung cấp cho các làng nghề ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu, ngành chế biến mây của Quảng Nam nói riêng và ngành chế biến mây tre lá của Việt Nam nói chung đang đứng trước những thời điểm mang tính chất sống còn, yêu cầu có những sự thay đổi phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới”, ông Bửu nói.

Theo đó, các yếu tố rủi ro cho việc phát triển nguyên liệu ngành mây tre lá ngày càng hiện hữu như việc thiếu các thông tin tin cậy về trữ lượng để có thể xây dựng các chính sách khoanh nuôi, khai thác phù hợp; thiếu nguồn nguyên liệu được cấp chứng chỉ bền vững. Sự đầu tư và liên kết giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị còn rất ít.

Ngoài ra, nguyên liệu mây tre hiện nay đang bị suy giảm nghiêm trọng. Lao động làng nghề ngày càng suy giảm trong khi nhu cầu thị trường vẫn lớn. Liên kết giữa các hội mây, tre, lá với các doanh nghiệp cũng như hiệp hội thủ công mỹ nghệ khác còn yếu; hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành mây tre đan còn khá hạn chế và chưa hiệu quả.

Các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam chưa có sự tác động nhiều của khoa học kỹ thuật nên giá trị còn thấp Ảnh: L.K.

Các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam chưa có sự tác động nhiều của khoa học kỹ thuật nên giá trị còn thấp Ảnh: L.K.

Đặc biệt, các nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm hợp chuẩn (chất lượng, xã hội, môi trường, an ninh…). Trong khi đó, tại nước ta chưa đến 20% doanh nghiệp mây tre lá đáp ứng được một số tiêu chuẩn hợp chuẩn. Điều này làm giảm cơ hội để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trước những thực trạng này, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (làng tre Phú An) cho rằng, để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu thì rất cần chủ trương của nhà nước.

Theo bà Hạnh, đối với vùng ĐBSCL, có thể xây dựng vùng nguyên liệu ở ven bờ kênh, rạch. Còn các vùng khác có thể trồng ở những nơi đất trống đồi trọc. Như vậy không chỉ có được nguồn nguyên liệu lớn mà còn bảo vệ được kênh rạch, đất đai, tạo được việc làm cho người dân, vừa phủ xanh đồi trọc, vừa bán được tín chỉ carbon.

“Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị, cũng như tăng thu nhập cho người dân thì cần phải có sự tác động của khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm có giá trị, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn sợi tre làm tấm cách nhiệt, cách âm; than tre làm than hoạt tính… Như thế sẽ không còn tình trạng bán sản phẩm thô, giá trị thấp như hiện nay”, bà Hạnh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới cần xây dựng được vùng nguyên liệu mây tre lá có chứng chỉ, bền vững, gắn với ngành nghề và du lịch nông thôn. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới cần xây dựng được vùng nguyên liệu mây tre lá có chứng chỉ, bền vững, gắn với ngành nghề và du lịch nông thôn. Ảnh: L.K.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay, diện tích tre của cả nước khoảng 1,5 triệu ha với khoảng 6 tỷ cây, hàng năm có thể khai thác trên 3 triệu tấn, đủ để cung cấp phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Hướng đi sắp tới của Bộ NN-PTNT là xây dựng các vùng nguyên liệu có chứng chỉ, đảm bảo phát triển bền vững, gắn với ngành nghề và du lịch nông thôn. Từ đó tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

“Từ hội thảo, chúng tôi sẽ chỉ đạo tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ở mỗi tỉnh để nâng cao chất lượng của vùng nguyên liệu này; tạo sự liên kết giữa HTX, người dân với doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực hướng tới đạt được mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất đạt 4 tỷ USD đến năm 2025 và đạt 6 tỷ USD đến năm 2030”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững, trong đó bao gồm hoạt động phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ bền vững, cụ thể là chuỗi giá trị mây tre lá tại 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam.

Hoạt động này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các làng nghề mây tre lá, các đơn vị xuất khẩu mà còn thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ carbon từ rừng.

Xem thêm
Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.