| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang tìm cơ hội tiêu thụ tại TP.HCM

Thứ Năm 30/06/2022 , 20:18 (GMT+7)

Cam sành núi lửa, bơ 034, hạt điều, tiêu, mật ong, dưa lưới, lươn một nắng, gạo, thủy hải sản... tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang được quảng bá giới thiệu vào siêu thị tại TP.HCM.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang tham quan sản phẩm trưng bày. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang tham quan sản phẩm trưng bày. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 30/6, Sở Công thương TP.HCM phối hợp Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang tổ chức Chương trình kết nối giao thương đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang vào tiêu thụ tại các siêu thị TP.HCM.

Ông Võ Công Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, tình hình tiêu thụ nông sản có nhiều biến động, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu và kéo dài... nhưng nông dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp chưa kết nối được với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu cũng như các hệ thống phân phối, bán lẻ để tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững cho người nông dân. 

Bà Chu Thái, Giám đốc Kinh doanh Công ty Vương Anh (tỉnh Đắk Nông) giới thiệu sản phẩm hạt điều được chế biến với các nhà phân phối tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Chu Thái, Giám đốc Kinh doanh Công ty Vương Anh (tỉnh Đắk Nông) giới thiệu sản phẩm hạt điều được chế biến với các nhà phân phối tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Đến với hội nghị lần này, Đắk Nông đã chuẩn bị một số sản phẩm nổi bật tiêu biểu của tỉnh với mong muốn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp cận với thị trường sôi động, tiềm năng bậc nhất cả nước, đặc biệt là hệ thống các siêu thị quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Võ Công Tuấn, Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có các điều kiện để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất và chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông hiện nay gồm cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, xoài, bơ, sầu riêng… Với tổng diện tích các loại cây trồng chủ lực là 295.000hecta, sản lượng 1.068 tấn/năm. Toàn tỉnh có 169 tổ chức/cá nhân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp. 

Đến năm 2021, Đắk Nông có 52 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm hạng 4 sao và 46 sản phẩm hạng 3 sao. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Võ Công Tuấn, đến nay, các sản phẩm của tỉnh Đắk Nông đưa vào siêu thị tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn về đảm bảo các tiêu chuẩn. "Hiện Sở Công thương, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông... có những chương trình hỗ trợ kết nối, huy động nhiều tổ chức, vận động các HTX cùng nhau chung sức, kết nối tiếp tục đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh vào siêu thị với mong muốn các doanh nghiệp có điều kiện tương tác tìm các đối tác, bạn hàng làm sao sớm đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đến gần hơn với người tiêu dùng TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung", Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông nói.

Mang bơ 034 vào TP.HCM giới thiệu với các hệ thống siêu thị lần này, ông Võ Đình Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Đồng Lợi (tỉnh Đắk Nông) cho biết, bơ tại Đắk Nông rất nổi tiếng nhưng vẫn tiêu thụ qua thương lái tại địa phương và thiếu tính ổn định về giá. "HTX đã có kế hoạch triển khai tổ chức lại sản xuất, mở rộng thành viên, vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình sản xuất thống nhất theo tiêu chuẩn của đối tác và khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Nguyên nói

Ông Nguyên kỳ vọng sẽ được kết nối và tiến đến hợp tác với đơn vị sản xuất chế biến nông sản, nhà phân phối, nhà bán lẻ... trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông sản địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông, Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông, Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX Nông, Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đem xoài, thanh long, măng cụt, chôm chôm, cam sành núi lửa, quýt đường núi lửa và các sản phẩm trái cây sấy dẻo trưng bày tội Hội nghị kết nối giao thương. "Với đặc trưng của vùng Tây Nguyên, các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông có chất lượng đặc trưng so với các vùng khác. HTX chúng tôi đang trồng cam trên vùng đất núi lửa của Krông Nô, giúp cho cam có vị ngọt khác biệt. Tôi mong muốn sẽ đưa được nhiều sản phẩm của bà con trong HTX đến gần hơn với người tiêu dùng TP.HCM", bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông, Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú nói.

Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc Hợp tác xã Hậu Giang Xanh (tỉnh Hậu Giang) cho biết, sản phẩm chính của HTX là cá thác lác với 8 chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện các sản phẩm của HTX được phân phối tại kênh truyền thống là chợ, tạp hóa và một số siêu thị ở các tỉnh phía Bắc. Lần này, HTX kỳ vọng sẽ có thể đưa được nhiều sản phẩm tiêu biểu đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang vào được các hệ thống siêu thị hiện đại của TP.HCM.

Sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ở góc độ nhà phân phối, ông Phạm Văn Hùng, Phó Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống của MM Mega Market Việt Nam, cho biết, các sản phẩm địa phương, nhất là nông sản chiếm tỷ lệ khá lớn tại các siêu thị thuộc hệ thống này. "Chúng tôi đã làm việc với Đắk Nông để mua cà chua, bơ, ớt; sau này còn mua cam… Có kế hoạch mở trạm trung chuyển tại Đắk Nông để mua thêm nhiều sản phẩm của địa phương này. Còn tại Hậu Giang, chúng tôi thu mua hải sản như cá thác lác, cá tra… Các trạm trung chuyển của MM Mega Market đã trải rộng cả nước để mua được nhiều sản phẩm của nông dân.

Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư cùng làm việc nông dân, chia sẻ thông tin cần thiết về chất lượng, an toàn để khách hàng yên tâm khi sản phẩm có mặt trên kệ siêu thị. Chúng tôi mong kết nối với thêm nhiều nhà cung cấp để mở rộng kênh mua hàng cũng như có thêm nhiều sản phẩm mới", ông Hùng nói.

Tại hội nghị chương trình kết giao thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang đã giới thiệu và trao đổi thông tin với các hệ nhà phân phối, hệ thống siêu thị hiện đại tại TP.HCM. Đặc biệt, đã có 17 hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ đã được ký kết.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, TP.HCM có thế mạnh là các hệ thống siêu thị hiện đại. Khi tiếp cận được hệ thống này, sẽ xây dựng được thương hiệu, quảng bá được sản phẩm đến với nhiều đối tượng khách hàng. "Các siêu thị phải lựa chọn hàng hóa tốt nhất, chất lượng nhất để đưa lên quầy kệ. Vì vậy, các siêu thị luôn đòi hỏi sản phẩm đưa vào luôn có thương hiệu, điều kiện khắt khe về giá cả, chất lượng, cách thức giao hàng… Do đó, các nhà cung cấp cũng phải tính toán cân nhắc, có giải pháp phù hợp thì mới kết nối hiệu quả được", ông Phương khuyến nghị.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.